Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

28 địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Thứ Tư 30/10/2019 | 10:52 GMT+7

VHO- Đó là một nội dung quan trọng trong Báo cáo tóm tắt của Ban Dân nguyện của Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, việc xử lý gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và làm thế nào để đảm bảo nghiêm túc, công bằng trong các kỳ thi tiếp theo là những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Đã có ý kiến của 28 địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018

Hàng trăm cán bộ giáo dục vướng vòng lao lý và liên can

Tại Hà Giang, tổng số cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tính đến thời điểm ngày 30.9.2019 là 151 trường hợp. Trong đó, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh đã bị kỷ luật cảnh cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng. 5 cán bộ giáo dục và công an đã bị khởi tố. Có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, đã bị xử lý kỷ luật, trong đó 42 trường hợp bị khiển trách, 1 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị khai trừ Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên khác liên quan tới vụ việc đang tiếp tục bị xem xét xử lý.

                    Xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang

Tại Sơn La, 6 cán bộ giáo dục và 2 sỹ quan công an bị khởi tố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh bị thi hành kỷ luật cảnh cáo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Tại Hòa Bình, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Văn Cửu (phó chủ tịch tỉnh) và đề nghị Ban bí thư cách chức ông Bùi Trọng Đắc (giám đốc Sở GD&ĐT) vì vụ gian lận thi cử tại tỉnh này. 15 người liên quan tới vụ gian lận điểm thi đã bị khởi tố, trong đó phần lớn là cán bộ quản lý giáo dục.

Đáng chú ý, ở Hà Giang không chỉ là lãnh đạo, chuyên viên sở GD&ĐT, sĩ quan công an phạm tội mà có dấu hiệu của cả lãnh đạo tỉnh... Một số bị cáo ở Hòa Bình không chỉ can tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà còn can tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Còn ở Sơn La, qua điều tra và tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua có dấu hiệu phạm tội đưa và nhận hối lộ, vì vậy tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tại 3 tỉnh, hàng trăm cán bộ lãnh đạo, trong đó không ít cán bộ quản lý giáo dục liên quan tới vụ án bị xem xét trách nhiệm hoặc kỷ luật

Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về kỳ thi

Theo Ban Dân nguyện, đối với những kiến nghị liên quan đến khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời của bộ, ngành thường đưa ra số liệu thanh tra, xử lý vi phạm chung, các giải pháp khắc phục chung, chưa nêu kết quả xử lý đối với sai phạm cụ thể mà cử tri đề cập. Chẳng hạn, cử tri của 8 địa phương đã nêu kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 và 20 địa phương tại kỳ họp thứ 7 kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Trả lời cử tri cả nước, Bộ GD&ĐT nêu, Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm Phần mềm chấm thi, Công tác quán triệt quy chế thi, Công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, phần trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào? Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm.

Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi. Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước đã từng xảy ra sai sót nào hay chưa? Đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi 2018 và mong muốn Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. 

Chưa nhận thấy trách nhiệm thì chưa thể khắc phục sai sót

Đó là nhận xét của một cán bộ quản lý giáo dục lão thành về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đã có ít nhất 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh, 3 Giám đốc Sở GD&ĐT và hàng chục cán bộ quản lý giáo dục, công an... tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị kỷ luật hoặc đề nghị xử lý kỷ luật. Hàng chục cán bộ khác bị khởi tố và có liên quan tới vụ gian lận điểm thi năm 2018. Thực tế cho thấy, những bị can chính trong các vụ án gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang và cả những người liên quan phần lớn đều là những cán bộ quản lý giáo dục cốt cán của địa phương, có bề dày thành tích và công lao đối với ngành. Nhiều người cho rằng, yếu tố khách quan chủ đạo trong các vụ phạm tội gian lận điểm thi chính là lỗ hổng trong phương án thi.

Mới đây, khi giải trình về nguyên nhân của các sai phạm tại kỹ thi 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn lỗi kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi. Việc quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao, công tác thanh kiểm tra chưa thực sự sâu sát nhất là khâu chấm thi ở một số địa phương.

Ông Nhạ cũng cho rằng, ban chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt là công tác chọn cán bộ tham gia quản lý, giám sát thi chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến các đối tượng chủ động thông đồng để kết nối làm gian lận này. "Về phía Bộ GD&ĐT, với trách nhiệm cá nhân, tôi là phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót trong một số công việc”, ông Nhạ nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nói như vậy nhưng cho tới nay, chưa có bất cứ cán bộ nào thuộc Ban chỉ đạo Trung ương kỳ thi thi THPT quốc gia 2018 cũng như những người trực tiếp phê duyệt, thực hiện, giám sát kỳ thi bị kỷ luật hay kiểm điểm. Và như thế, những kiến nghị của cử tri cả nước đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng

                                                                                                                                             QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top