Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đưa nghệ thuật hát bội vào trường học: Khó vẫn quyết tâm làm!

Thứ Tư 30/10/2019 | 10:40 GMT+7

VHO- Hơn 1.800 học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q1, TP.HCM) vừa có buổi sinh hoạt dưới cờ thú vị bằng chương trình sân khấu học đường với chủ đề “Tìm hiểu về nghệ thuật hát Bội” do Nhà trường phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tổ chức biểu diễn vào ngày 28.10 vừa qua.

Học sinh xem trích đoạn "Trần Quốc Toản"

Đây là nỗ lực của hai đơn vị nhằm mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận gần gũi hơn với học sinh.

Học sinh hào hứng

Tại chương trình, học sinh và giáo viên đã thưởng thức hai trích đoạn Trần Quốc Toản ra trận Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông. Trước khi biểu diễn, NSƯT Hữu Danh đã giới thiệu với các học sinh về nội dung hai vở diễn, thông qua đây các em hiểu thêm về những nhân vật anh hùng trong lịch sử.

Song song đó, học sinh còn được tìm hiểu những kiến thức cơ bản của nghệ thuật Hát Bội qua sự dẫn dắt, giao lưu của các nghệ sĩ Nhà hát. Các em cũng thể hiện sự hiểu biết của mình thông qua các câu hỏi như nghệ thuật Hát Bội ra đời khi nào. Tính cách nhân vật thể hiện qua màu sắc hóa trang trên gương mặt ra sao, qua đó có thể hiểu được tính ước lệ trong bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Bên cạnh đó, học sinh đặc biệt hào hứng khi được thử một số động tác, điệu bộ trong nghệ thuật Hát Bội như chèo thuyền, cưỡi ngựa; tìm hiểu về trang phục, cách hóa trang,… Được biết, các chương trình biểu diễn tương tự cũng đã được Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM phối hợp biểu diễn tại các trường THPT Bùi Thị Xuân, THCS Huỳnh Khương Ninh… với các trích đoạn được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng học sinh, trong đó chú trọng thể hiện được các nhân vật lịch sử tiêu biểu, danh nhân mang tên ngôi trường mà các em đang học.

Theo bà Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, hát Bội là bộ môn nghệ thuật cổ xưa có phần xa lạ và khó tiếp thu với đa số thế hệ sau này, nhất là lứa tuổi tiểu học. Tuy nhiên, qua cách thể hiện của các nghệ sĩ cũng như giới thiệu rất cặn kẽ những nét cơ bản nhất, nhà trường vui mừng khi thấy các em học sinh đón nhận hào hứng, qua đây các em có thể hiểu phần nào về một loại hình nghệ thuật của dân tộc. Bà Hương cho biết thêm, ngoài việc cho học sinh xem sân khấu học đường, nhà trường cũng sẽ lồng ghép trong các buổi nói chuyện chuyên đề, các môn học về nghệ thuật trình diễn dân gian một cách sinh động, dễ hiểu để học sinh có thêm kiến thức về Hát Bội cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc khác.

Ông Nguyễn Duy Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ thêm, là bộ môn nghệ thuật hàng trăm năm tuổi đời, hát Bội không dễ tiếp cận với khán giả đại chúng hôm nay. Tuy nhiên, đây là bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, mang lại nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Các học sinh của trường rất thích thú khi xem biểu diễn. Nhà trường mong muốn đưa nghệ thuật Hát Bội vào trường học để các em mở rộng kiến thức, biết trân trọng và chia sẻ bộ môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến với bạn bè.

Nhà trường nỗ lực, nghệ sĩ không ngại khó

Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP.HCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho hay, chương trình sân khấu học đường đã được Nhà hát thực hiện từ năm 2001. Sau thời gian có phần lắng xuống, đến gần đây theo chủ trương của thành phố về đưa các loại hình âm nhạc dân tộc vô học đường nên Nhà hát đã đẩy mạnh nhiều suất diễn để phục vụ học sinh. Hiện Nhà hát có được hơn mười trích đoạn về các nhân vật lịch sử, mỗi trích đoạn dài từ 15-30 phút, ngoài ra còn các tiết mục hài và các trích đoạn thiếu nhi. Về lâu dài, Nhà hát sẽ phải dựng thêm các tiết mục gắn liền với văn hóa, tập tục dân gian, đặc biệt là các sự tích.

Tùy theo đối tượng học sinh ở cấp học nào mà chọn vở diễn phù hợp, thông thường là các câu chuyện lịch sử, các giai đoạn, nhân vật lịch sử,… biểu diễn theo “đặt hàng” của các trường. Khi đưa hát Bội vào học đường gặp không ít khó khăn, nhiều trường lo lắng các học sinh không hiểu nên sẽ không chịu ngồi xem, hoặc do không có thời gian để bố trí suất diễn. Thông thường chương trình sẽ diễn ra vào sáng thứ 2, từ 7 giờ sáng, theo đó từ 6 giờ các diễn viên đã phải có mặt ở trường để bày trí đạo cụ, hóa trang… “Điều này cũng khá bất tiện nhưng chỉ cần các trường phối hợp thì anh em nghệ sĩ, diễn viên không ngại khó”, ông Vũ chia sẻ và cho biết trong năm 2019 Nhà hát lên kế hoạch diễn 20 suất tại các trường học, tính đến thời điểm này đã diễn được 15 suất.

Hát Bội hay còn gọi là Tuồng, là loại hình văn nghệ trình diễn cổ truyền của dân tộc. Người đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật này cũng như có công hệ thống một cách bài bản cho nghệ thuật Hát Bội là Đào Duy Từ (1572 - 1634). Hát Bội mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người,… 

 Cùng với nghệ thuật Hát Bội, các trường cho biết trong thời gian tới sẽ mạnh dạn đưa thêm nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc đến với học sinh, nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn trong giảng dạy, để học sinh được trải nghiệm nhiều hình thức học tập, được tiếp cận nhiều hơn các loại hình giải trí mang tính giáo dục cao. “Để làm được điều này cần có quyết tâm lớn, tuy khó, nhưng các thầy cô sẽ nỗ lực”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ.

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top