Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH: Hiệu quả phong trào không chỉ là những con số

Thứ Hai 28/10/2019 | 10:20 GMT+7

VHO- Bên cạnh những kết quả được ghi nhận, trong thời gian qua, phong trào TDĐKXDĐSVH cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào trong thời gian tới, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cho rằng, cần có những giải pháp khắc phục bệnh hình thức, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đưa phong trào phát triển theo chiều sâu.

 Lan toả mô hình đám cưới tập thể trong công nhân lao động

Ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng thường trực BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH: “Phong trào chỉ có ý nghĩa khi được từng cá nhân trân trọng”.

Tôi đã nhiều lần được dự các buổi tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH của các địa phương, trong đó có phần trao tặng các danh hiệu văn hóa, tôi đều quan sát biểu cảm trên gương mặt người đón nhận danh hiệu và thấy rằng, một phong trào văn hóa phải bắt nguồn từ chính những giá trị văn hóa đối với cả người trao và người nhận. Việc trao và nhận danh hiệu văn hóa sẽ chỉ là hình thức nếu chúng ta không nhận thức được bản chất của danh hiệu này là gì và phải phấn đấu, rèn luyện vất vả như thế nào để đạt được nó. Thực chất, phong trào TDĐKXDĐSVH là hướng đến việc ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên và con người với xã hội… Đã đến lúc những con số, tỉ lệ phần trăm các gia đình, khu phố, làng thôn văn hóa… không còn được xem là thước đo quan trọng nhất để đánh giá thực chất và sức lan tỏa của phong trào. Chúng ta cần đánh giá hiệu quả phong trào đúng với thực chất của nó. Đó cũng chính là tinh thần của Nghị định 122/2018/NĐ-CP xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Ấp văn hóa, Bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa được Chính phủ ban hành năm 2018.

Từ chiếc nôi đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đến nay ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực dần lan tỏa trong đời sống. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp được loại bỏ…

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy phong trào TDĐKXDĐSVH đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Rõ nét nhất là sự phát triển kinh tế thị trường kéo theo hệ lụy, tác động đến đạo đức, lối sống; sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát, hoàn cảnh khó khăn, khiến xã hội bức xúc… Trong bối cảnh này, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong tình hình mới, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế, xã hội được đặt ra cấp thiết. Tôi cho rằng, giải pháp tiếp tục thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu chính là việc tạo sức lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị nhân văn cốt lõi. Bên cạnh đó, giải pháp tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, tính tự nguyện của cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng.

Thực tế trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều minh chứng sinh động cho thấy phong trào đã có sức lan tỏa, đi vào cuộc sống một cách thực chất mà không gò ép, áp đặt. Từ những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực chính là giải pháp định hướng được BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH đưa ra nhằm tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, có chiều sâu. Định hướng này cũng đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Phong trào nhấn mạnh: Cần chọn một số việc cụ thể, tập trung tạo chuyển biến và sức lan tỏa trong đời sống văn hóa cộng đồng. Ví dụ như việc thiết lập thói quen không xả rác bừa bãi nơi công cộng; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… cần được xây dựng như một tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa.

Bài trừ hủ tục , bồi đắp nếp sống văn minh

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Khắc phục bệnh hình thức trong xây dựng Phong trào TDĐKXDĐSVH”.

Đối với việc xây dựng con người, một nhiệm vụ quan trọng là tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh. Đó sẽ là tác nhân quan trọng hình thành nên những con người có bản lĩnh, đầy đủ phẩm chất để phát triển bền vững đất nước.

Vì tầm quan trọng của môi trường văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương đúng đắn là xây dựng và triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH nhằm hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Thực tế chứng minh, gần hai thập kỷ qua, phong trào đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn và ngày càng phát triển mạnh mẽ; góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển.

Tuy nhiên, những năm gần đây, có một số biểu hiện của phong trào đã khiến chúng ta lo ngại. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, hiệu quả của phong trào chắc chắn bị ảnh hưởng. Một trong những số đó chính là bệnh hình thức. Có những con số khiến chúng ta băn khoăn như trong giai đoạn 2000-2018, đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.382 được công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Dù con số thống kê đều cho chúng ta thấy hơn 90%, thậm chí đến gần 100% các gia đình, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa nhưng thực tế xã hội lại không cho thấy bức tranh tươi sáng như thế. Đã có nhiều câu chuyện phản ánh cho thấy người dân “bị động” trong việc tham gia phong trào, còn chính quyền địa phương “chủ động” trong việc cấp giấy chứng nhận khiến cho nhiều gia đình “bất ngờ” khi nhận bằng khen. Tất cả vì lý do “bệnh thành tích”, khi phong trào cần có số liệu “đẹp”, năm sau cao hơn hoặc ít ra cũng bằng năm trước. “Bệnh thành tích” này nguy hiểm ở chỗ nó không phản ánh thực tế cuộc sống, bộ mặt văn hóa thực sự của địa phương, đồng thời làm mất niềm tin của người dân đối với phong trào. Hệ lụy sẽ còn nguy hiểm hơn khi những danh hiệu trở thành “phản cảm” khi không xứng đáng, và từ đó, ảnh hưởng đến niềm tin chung của xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ- CP quy định về xét tặng các danh hiệu văn hóa, với các quy định cụ thể, nâng cao chất lượng bình xét nhằm tạo động lực mới để người dân, cộng đồng tự nguyện đăng ký tham gia.

Nghị định quy định cụ thể danh hiệu gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa theo hướng mở, định lượng được. Đơn cử, tiêu chuẩn đạt Gia đình văn hóa có 3 nhóm với 24 tiêu chí; bao quát hầu hết các lĩnh vực; nội hàm các tiêu chí dễ định lượng, xác định được mức độ đạt và không đạt khi thực hiện bình xét; các tiêu chí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phản ánh đầy đủ các yếu tố văn hóa chủ đạo trong đời sống gia đình. Nghị định cũng quy định cụ thể 07 nhóm trường hợp không được xét tặng gia đình văn hóa. Đây là điểm mới, cụ thể, giúp cho việc bình xét được thuận lợi, đồng thời hạn chế tối đa tính hình thức trong quá trình bình xét danh hiệu.

Chúng ta mong rằng, Nghị định 122 đi vào cuộc sống sẽ giúp phong trào thực sự động viên người dân chung sức xây dựng môi trường văn hóa, từ đó tạo điều kiện phát triển con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. 

QUẢNG NINH: Sức lan tỏa của phong trào TDĐKXDĐSVH

Trong thời gian qua, phong trào đã được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh một cách sâu rộng, sôi nổi, hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Đặc biệt, nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên rõ nét. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở vùng nông thôn, đô thị mà cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào được ghi nhận triển khai đồng bộ với nhiều cách làm, mô hình thiết thực, đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. B.NG

BẠC LIÊU: Quy định cụ thể thang điểm xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Quyết định Quy định thang điểm xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khóm văn hóa” trên địa bàn. Theo đó, thang điểm xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 100 điểm, với 3 tiêu chuẩn gồm: Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú (40 điểm). Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng (30 điểm). Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả (30 điểm). HÀ PHƯƠNG

 

 BẢO ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top