Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Truyện Kiều trong thực hành nghệ thuật

Thứ Sáu 11/10/2019 | 10:09 GMT+7

VHO- Trong những sắp xếp có tính toán nhuốm màu ẩn dụ, chất liệu và lời thơ giàu hình ảnh của tác phẩm Truyện Kiều hòa quyện cùng những liên tưởng và suy ngẫm của nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomäi. Ở đó ta thấy về nỗi tủi hổ, tội lỗi, phẩm giá và hy vọng, sự tìm kiếm hơi ấm, an toàn và tình yêu.

Năm 2017, Viện Goethe Hà Nội đã liên lạc với nghệ sĩ người Đức Franca Bartholomäi để mời chị sáng tác về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nghệ sĩ Franca Bartholomäi đã tìm đọc cuốn sách đó, ngay lập tức không thể rời mắt khỏi thi phẩm mang tầm dân tộc của Việt Nam. Với chị, cuốn sách lôi cuốn, chứa đầy các tình tiết xoay chuyển bất ngờ. Đối với những ai vẫn quen thuộc ngôn ngữ súc tích của châu Âu đương đại thì thoạt tiên, ngôn ngữ Truyện Kiều hơi hoa lá. Nhưng Bartholomäi thấy ngôn ngữ ấy hợp với cảm tình của mình dành cho sáng tác mang nặng tính ẩn dụ này.

Lấy cảm hứng từ thiên tuyệt bút của nền văn học Việt Nam, nữ nghệ sĩ đã sáng tạo một chuỗi sắp đặt trên tường, gồm các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng - đen để mời khán giả chiêm ngưỡng câu chuyện từ một góc nhìn khác. Chị gọi triển lãm của mình là “Nàng K…” (đang diễn ra tại Viện Goethe), chữ Kiều ở đây không được viết đầy đủ theo cách chủ đích của nghệ sĩ. Với chị, ngôn ngữ hình ảnh của tác phẩm rất đồng điệu với hình ảnh nặng tính ẩn dụ của mình. Đó cũng chính là cơ hội để chị tái hiện những cảm nhận về tác phẩm theo cách riêng của mình.

Các tác phẩm được thể hiện dưới hai gam màu đen - trắng, chất liệu khắc gỗ là trung tâm nghệ thuật, đây cũng là phong cách sáng tạo của Bartholomäi. Với phong cách ấy, tự bản thân chất liệu của những bức hình đã trở thành một chủ đề, mặc dù đúng ra nó phải là kỹ thuật. Và những ẩn dụ của Truyện Kiều được bộc lộ qua đó để tiếp cận công chúng, không chỉ những con người của vùng đất “quê hương” Truyện Kiều mà còn những công chúng đến từ quốc gia khác. “Như khi tôi tiếp thu một tác phẩm, tôi để toàn bộ nó ngấm vào và tôi không tập trung vào khía cạnh nào cụ thể. Tôi quan tâm đến tâm trạng, cảm xúc và trong Truyện Kiều, cảm xúc đó chủ yếu đến từ sự tồn tại của tuyệt vọng, dâng hiến, nghĩa vụ và tình yêu”, nghệ sĩ chia sẻ.

Theo Bartholomäi, đầu tiên, phải mất chút thời gian cho độc giả châu Âu ở thế kỷ 21 làm quen với phong cách Truyện Kiều. Đó là truyện thơ, không tự nhiên và ngôn ngữ đầy ẩn dụ. Nhưng nội dung của nó thì không. Và chính xác là hình tượng ngôn ngữ đáng chú ý đã kích hoạt nghệ sĩ đưa vào tác phẩm những vấn đề song song tồn tại, trong truyện và trong đời sống hiện tại. Như nhiều ý kiến nhận định, Truyện Kiều cho đến bây giờ vẫn còn có những giá trị để soi chiếu với vấn đề xã hội đương thời.

Nghệ sĩ tạo những hình thù như cô gái với khuôn mặt hoa hướng dương, trổ lên bức tranh những con tằm, những cô gái giấu mặt sau cái túi… từ nhiều đoạn thơ giàu hình ảnh trong Truyện Kiều. Nghệ sĩ Đức chia sẻ, mình không làm ra các bản minh họa Truyện Kiều mà là những suy ngẫm, liên tưởng được cuốn sách tạo nên. Chị tích hợp câu chuyện của tác phẩm vào thế giới với những cách thức sáng tạo riêng. Bởi lẽ, chị không đọc Kiều như một lời khuyến cáo cho cuộc đời, cũng không như một cáo trạng. Kiều trăn trở với số phận, vô cùng tuyệt vọng, đã hai lần nàng tính quyên sinh… Kiều bị chà đạp đến mức tồi tệ nhất nhưng không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình. Tác phẩm vì vậy, cho thấy một cái gì đó mang tên phẩm giá. 

 Triển lãm “Nàng K…” của nghệ sĩ Franca Bartholomäi là một phần của Dự án Nàng K… - Cách tiếp cận mới vào một di sản văn hoá, do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017. Từ một góc nhìn khác, đây là cách để cùng trả lời câu hỏi: Liệu hình ảnh người phụ nữ của Kiều có còn phù hợp với thời đại? Ngày nay con người diễn giải và đọc Truyện Kiều như thế nào?...

 

NGỌC HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top