Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phải là nòng cốt của văn học nước nhà

Thứ Tư 14/08/2019 | 08:30 GMT+7

VHO- Khẳng định vai trò của văn học trẻ trong nền văn học Việt Nam, sáng 10.8, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây”. Tại đây, các nhà văn, nhà thơ đã cùng nhau bàn thảo những vấn đề về văn học trẻ trên phương diện thi ca và văn xuôi.

Các thế hệ tác giả đã nhìn nhận thẳng thắn vấn đề của văn học trẻ tại tọa đàm

Diện mạo mới của văn đàn Việt Nam

Với thơ, các tham luận tại tọa đàm đều khẳng định, từ xưa tới nay, thơ ca luôn song hành với đời sống. Thời kì nào cũng có người làm thơ. Và người làm thơ có mặt ở hầu hết các độ tuổi. Trong đó những người trẻ làm thơ là không hiếm, thậm chí còn là một lực lượng hùng hậu đóng góp cả về tác phẩm và con người, góp phần tạo nên một diện mạo văn học Việt Nam như hôm nay. Có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như: Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Minh Cường, Đoàn Văn Mật, Trương Hồng Tú, Trương Quế Chi, Mai Anh Tuấn, , Lữ Thị Mai,… So với thế hệ các nhà thơ đi trước thì thế hệ những nhà thơ sinh năm 8x, 9x có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cả về mặt đời sống cũng như môi trường sáng tác.

“Phần đa các nhà thơ thế hệ 8x,9x đều có một lưng vốn văn chương nhất định. Đồng thời trong số họ phần lớn đã tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài nước, một số công tác ở các cơ quan chuyên môn về văn chương điều ấy là hết sức thuận lợi để họ viết nên những tác phẩm vừa có giá trị về nghệ thuật, vừa có sự giá trị về nội dung, bám sát với giai đoạn lịch sử họ đang sống.”, Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội nhấn mạnh.

Nhiều chuyên đề đã được các nhà văn, nhà thơ trình bày tại tọa đàm: Phân hóa đội ngũ văn trẻ; Quan sát sự tìm tòi cách tân của một nhóm các nhà thơ trẻ; Nhận diện văn xuôi trẻ Hà Nội;…

Nhà văn Nhật Phi, người từng đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 5 nhận định: “Tổng quan thì hầu như các tác giả trẻ không chừa lại một thể loại nào của văn xuôi: truyện ngắn có, truyện vừa có, truyện dài có, tiểu thuyết,  và phê bình cũng không hề thiếu. Tại thế kỷ 21 và trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các tác giả trẻ ngày nay không chỉ được vun đắp bằng ca dao, tục ngữ, những truyện kể hay sách vở, “sở học” của họ không gói gọn trong văn chương mà còn mở rộng ra điện ảnh, truyện tranh, game từ các nền văn hóa trên thế giới. Chưa khu nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, nói không ngoa rằng các tác giả trẻ, một thế hệ đa văn hóa đã trình diện một bộ mặt rất gần với văn chương thế giới”.

Còn đó những mặt trái

Bên cạnh nhưng cống hiến tích cực mà những nhà văn trẻ mang lại cho văn học nước nhà, tọa đàm cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt trái của văn học trẻ đang đối mặt. Thế mạnh của những nhà văn trẻ hiện nay là có điều kiện tiếp cận thực tế qua nhiều kênh thông tin: báo chí, du lịch, các tác phẩm khác của đồng nghiệp cũng như tư tưởng cởi mở trong tiếp cận vấn đề nhưng dường như họ chưa thực sự dấn thân vào thực tế, “nạp” thêm tư liệu để rồi không ít lực lượng các tác giả trẻ viết dễ dãi đáp ứng tâm lý độc giả, ít đầu tư công sức, theo dòng văn chương thương mại, nhàn nhạt, non kém về ý tưởng. Nội dung xoay quang những chuyện ái tình nhạt như nước ốc, tô vẽ cường điệu những nỗi buồn tình vu vơ vớ vẩn cho tăng thêm phần u ám, chạy theo những vấn đề thời thượng với những rung cảm hời hợt, giả tạo.

Nhà thơ Đặng Thế Sơn cũng chia sẻ, có một số nhà thơ trẻ loay hoay lập danh, lập ngôn, thường bắt công chúng phải đọc và chấp nhận thơ mình một cách vội vã đôi khi còn chưa chín về cảm xúc lẫn ngôn ngữ thơ. Từ đó chúng ta thấy rằng số tập thơ in ra thì nhiều nhưng thơ hay thì ít. Không ít người đã thoát ly đời sống cộng đồng, khai thác quá sâu vào những mất mát, nỗi buồn cá nhân mà quên đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, tự biến tác phẩm của mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có những tiếng nói chia sẻ với cộng đồng nên khó tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa.

Thực tế cho thấy mười năm qua thơ trẻ Hà Nội vẫn chưa thực sự có một tên tuổi nào bứt phá hẳn lên để tạo thành một điểm nhấn trên văn đàn, hay gây được sự quan tâm của công chúng. Không ít những tác phẩm có mở đầu được cho là rất hoành tráng nhưng kết thúc lại không đọng lại cho bạn đọc ý niệm nào. Hay thậm chí thiếu cả những nhân vật có tính biểu tượng cho một giai đoạn, lĩnh vực, những người lạ mà quen biết.

Trước những tiêu cực đang tồn tại ở một số nhà văn trẻ, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện chất lượng các tác phẩm văn học. Các tác giả phải tự học và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của bản thân, dấn thân vào thực tế để viết sâu và hay hơn. Đặc biệt, cần phải đọc và học những người đi trước, đọc của bạn bè để tránh những cái đã được viết, đã nói và tích lũy thêm kiến thức cho mình.

Thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ tương lai sẽ là lứa kế cận của những bậc tiền bối đi trước, chính vì vậy, điều cần làm hiện nay là tìm ra những sáng tạo, cách tân và có những bước ngoặt lớn để văn học Việt Nam thật sự để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top