Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Vụ 3 trẻ mầm non bị bỏng: Dạy kỹ năng sống nhưng thiếu kỹ năng an toàn

Thứ Hai 12/08/2019 | 10:31 GMT+7

VHO- Cô P.T.H, hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn Hà Nội trong cuộc trao đổi với Văn Hóa chiều qua 11.8 về vụ việc đáng tiếc 3 trẻ mầm non tại Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ ở xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, Hà Nam) bị bỏng nặng khi đang học bài học về kỹ năng kêu cứu và thoát hiểm cho rằng, nguyên nhân chính là do giáo viên chưa nhận thức đúng về bài giảng kỹ năng sống cho trẻ.

 Diện tích bỏng trên cơ thể các bé lên tới 50-60%

 Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ

Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nam kiểm tra, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm các cá nhân gây ra vụ việc, làm rõ vấn đề: Sở GD&ĐT có chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng thoát hiểm cho trẻ như trong vụ việc này hay không. Theo ông Minh, Bộ GD&ĐT không chỉ đạo thực hiện những nội dung giáo dục kỹ năng sống chưa qua thẩm định, cũng không khuyến khích hoạt động giáo dục kỹ năng sống mà không đảm bảo an toàn cho trẻ như ở Nhóm trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ.

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Quang Tuyến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên cho biết, lớp mầm non tư thục Tuổi Thơ mới hoạt động được 3 tháng, hiện có 2 lớp với 4 giáo viên và 20 học sinh. Trong đó lớp 2 tuổi có 6 trẻ, lớp 3-5 tuổi gồm 14 trẻ. Giờ học xảy ra sự cố là giờ giáo viên hướng dẫn các cháu kêu cứu và chạy thoát khi gặp cháy chứ không phải hướng dẫn các con phòng chống cháy nổ. Theo ông Trần Quang Tuyến, các giáo viên tại Cơ sở mầm non tư thục Tuổi thơ nói riêng và các cô giáo trong hệ thống mầm non của huyện Duy Tiên nói chung đã được Công an tỉnh Hà Nam hướng dẫn và cấp chứng chỉ về kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm.

Nhận định việc giáo viên cho cồn vào mâm đốt lửa, ông Trần Quang Tuyến cho rằng hành động đó để tạo tình huống cháy giả định. “Tuy nhiên, khi châm lửa các cô lại không đóng cửa sổ khiến gió lùa vào thổi cồn đang cháy bắn vào người các cháu gây bỏng”, ông Tuyến nói. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng việc dùng cồn trong giờ dạy trẻ mầm non là rất nguy hiểm. Lẽ ra những người xây dựng và duyệt chương trình mầm non của Hà Nam phải biết và cảnh báo giáo viên thận trọng. Và như vậy ngoài giáo viên dạy trực tiếp, Sở GD&ĐT Hà Nam cùng Phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên không thể vô can trong việc 3 trẻ mầm non bị bỏng.

 Một giờ lên lớp của CSPCCC cho trẻ mầm non Ảnh HÀ TRÌ

Giáo viên chưa nhận thức đúng về bài giảng

Cô giáo P.T.H đã nói như thế khi được hỏi về nguyên nhân vụ việc. Theo cô giáo H, hằng năm Bộ GD&ĐT đều có hướng dẫn chung nhiệm vụ đầu năm học. Căn cứ vào đó, Sở GD&ĐT các địa phương sẽ xây dựng cụ thể kế hoạch cả năm học cho tất cả các bậc học, trong đó có lồng ghép phần kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Các trường mầm non tùy theo độ tuổi của trẻ để xây dựng chương trình học phù hợp theo khung hướng dẫn của cấp trên. Tại Hà Nội và nhiều địa phương, khi dạy các bài học về kỹ năng thoát hiểm và kêu cứu trong đám cháy, giáo viên thường rất có ý thức trong việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, thường thì khi hướng dẫn phòng cháy và thoát khỏi đám cháy cho trẻ không sử dụng hiện trạng thật là có khói lửa. “Trong các tiết học như thế, chúng tôi thường minh họa bằng tiếng còi giả định báo cháy, còn nếu cho trẻ học ngoài trời thì thường phối hợp với Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) để làm hiện trường nhưng cũng rất hạn chế”, cô H nói.

Được biết, mục tiêu hướng tới trong chương trình dạy kỹ năng sống đối với trẻ mầm non là kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng chống ngạt chứ không phải hướng dẫn trẻ dập đám cháy hay chữa cháy, càng không phải cho trẻ xem đám cháy thế nào mà phải tạo đám cháy giả định. Tuy nhiên, do nhận thức về cùng một vấn đề có khác nhau dẫn đến phương pháp dạy khác nhau và phát sinh những hậu quả đáng tiếc, tuy không cố ý nhưng tình huống quá nguy hiểm.

Qua tìm hiểu được biết, nhiều trường thường mời CSPCCC hướng dẫn, tập huấn giáo viên các kỹ năng liên quan tới thoát hiểm tại các đám cháy. Có trường còn mời CSPCCC đến tận trường hướng dẫn các cháu nhóm 4 tuổi và 5 tuổi kỹ năng thoát hiểm khi có đám cháy chứ không phải hướng dẫn phòng cháy chữa cháy. Giáo viên thì chỉ hướng dẫn các cháu kỹ năng cơ bản lấy khăn che miệng hay bò sát đất để chống ngạt. Còn việc tạo lửa để minh họa trong các lớp học thì rất hãn hữu. “Nhiều khi chúng tôi chỉ thắp một ngọn nến nhưng cũng phải quy định khoảng cách an toàn tuyệt đối đối với học sinh, chưa bao giờ và không bao giờ đốt cồn minh họa đám cháy”, một giáo viên mầm non tại Hà Nội chia sẻ…

Có thể nói, việc không có những hướng dẫn cụ thể về các tiết học kỹ năng sống đã khiến giáo viên phải mày mò tự tìm hiểu phương pháp giảng dạy, dẫn đến vụ việc 3 cháu nhỏ bị bỏng nặng. Về vụ việc này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết đang chờ báo cáo chính thức của Phòng GD&ĐT Duy Tiên để có hướng chỉ đạo, xử lý vụ việc, báo cáo Bộ GD&ĐT.

 QUỐC HÙNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top