Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Pháp phê chuẩn luật buộc Facebook, Google phải nộp "thuế đường link"

Thứ Sáu 26/07/2019 | 11:17 GMT+7

VHO- Ngày 24.7 vừa qua, Pháp là thành viên EU đầu tiên phê chuẩn luật được sửa đổi của EU về bản quyền được Nghị viện châu Âu thông qua hồi tháng 3 vừa rồi. Luật mới này liên quan trực tiếp và tác động mạnh mẽ tới việc đăng tải thông tin và kinh doanh trên mạng Internet của những tập đoàn công nghệ số lớn trên thế giới và các mạng xã hội như Google hay Facebook. Nghị viện châu Âu cho các nước thành viên EU thời gian 1 năm để chuyển luật chung này của EU thành luật quốc gia cho áp dụng và thực thi ở quốc gia. Quốc hội Pháp đã phê chuẩn luật này.

 Quy định mới ảnh hưởng ít nhiều đến các “ông lớn” của làng công nghệ

Trên danh nghĩa, luật này không hoàn toàn mới mà chỉ là sửa đổi và bổ sung cho luật áp dụng lâu nay trong EU, nhưng trong thực chất thì đấy là việc thích ứng hoá luật bản quyền của EU cho thời đại kỹ thuật công nghệ số. Nó gây tranh luận rất sôi động trên dư luận và cả bất đồng quan điểm giữa các thành viên EU. Phe ủng hộ nó thì nhấn mạnh nhu cầu về kiểm soát và giám sát Internet để bảo vệ bản quyền cho những thông tin và sản phẩm được đăng tải trên đó cũng như để khắc phục tình trạng kẻ không có bản quyền về những thông tin và sản phẩm ấy lại kiếm bẫm. Những hãng như Google hay Amazon và những mạng xã hội như Facebook hay Twitter bị luật mới này chế tài cũng chính vì thế.
Cụ thể ở đây là Điều 11 và Điều 13 trong luật mới. Điều 11 quy định là các hãng nói trên kinh doanh hoặc để cho kẻ khác sử dụng làm nền để kinh doanh với thông tin, bài viết hay sản phẩm của bên khác thì phải trả tiền cho chủ sở hữu của những sản phẩm kia. Cách tiếp cận ở đây là các hãng này không trực tiếp kinh doanh với những sản phẩm ấy nhưng để cho kẻ khác sử dụng mình nhằm mục đích kinh doanh thì cũng vẫn phải đóng nộp thuế. Vì thế, quy định ở điều này trong luật bản quyền mới của EU còn được gọi là “Thuế đường link”. Điều 13 ràng buộc các hãng nói trên vào trách nhiệm phải sàng lọc trước khi cho đăng tải để ngăn chặn ngay từ đầu việc đăng tải lên trên sản phẩm của họ những điều vi phạm quy định về bảo vệ bản quyền cho tác giả. Có thể thấy qua đó là luật mới này của EU không nhằm vào những bên trực tiếp vi phạm bản quyền tác giả vì không chế tài trực tiếp được họ nhưng nhằm vào các hãng cung ứng dịch vụ và sản phẩm có thể giúp các bên kia bất chấp quy định về bảo vệ bản quyền tác giả. Việc áp dụng luật mới này sẽ giúp ngăn chặn được rất đáng kể tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong thời đại kỹ thuật công nghệ số và đảm bảo được sự công bằng nhất định cho tác giả. Phe ủng hộ nhìn nhận luật mới này thuần tuý dưới giác độ pháp lý và đạo lý.
Phía phản đối lập luận rằng luật này với những nội dung chính như thế gây cản trở lớn cho việc lưu thông thông tin trên mạng Internet, huỷ hoại cái gọi là “sự tự do trên mạng Internet” và từ đó liên hệ đến không đảm bảo tự do ngôn luận và báo chí, tức là gắn nó với chính trị và dân chủ, nhân quyền. Phe này không hề yếu trong EU nhưng rõ ràng không mạnh bằng phe ủng hộ luật kia. Xưa nay, việc thực hiện các quyền tự do nói trên luôn phải được đi cùng với việc chống lạm dụng chúng vào bất cứ mục đích gì. Ở thời đại kỹ thuật công nghệ số, chuyện chống lạm dụng này lại càng thêm cần thiết và cấp thiết, càng thêm quan trọng và không thể tránh khỏi.
Có thể thấy được là cách tiếp cận của EU với luật mới về bản quyền này là thích hợp và thức thời. Ở thời đại kỹ thuật công nghệ số, việc sao chép nội dung, lấy cắp ý tưởng và lạm dụng sở hữu trí tuệ không chỉ dễ dàng hơn thời trước rất nhiều mà còn đưa lại những nguồn thu lời bất chính lớn cho những bên chủ ý vi phạm quy định về bảo vệ bản quyền tác giả. Vì thế, luật pháp liên quan phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung hay làm mới để ngăn chặn, răn đe và cả trừng phạt nữa khi cần thiết.
Trên phương diện này, nhà nước ở các quốc gia hay các tổ chức tập hợp nhiều quốc gia phải chịu trách nhiệm trước hết trong lập pháp và hành pháp để có được các luật và chế tài pháp lý nghiêm minh. Chỉ như thế thì rồi mới có thể khép các hãng như Google, Facebook hay Amazon vào trách nhiệm bảo vệ bản quyền tác giả và công bằng cho tác giả cũng như tạo dựng và thúc đẩy văn hóa ứng xử lành mạnh trong việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm trên nền Internet ở thời đại kỹ thuật công nghệ số. 

 LÔ GIANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top