Nghệ An: Lên phương án khẩn cấp bảo tồn đàn voi rừng

VHO- UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2020- 2025. Theo đó, hội thảo xác định 12 hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2025.

Nghệ An: Lên phương án khẩn cấp bảo tồn đàn voi rừng - Anh 1

 Biển cảnh báo người dân khu vực đàn voi hay xuất hiện để tránh xung đột

Quần thể voi ở Việt Nam thuộc loài voi châu Á hiện chỉ còn ở 13 quốc gia và đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong số 13 nước châu Á, Việt Nam còn số lượng voi ít nhất và đang bị đe dọa tuyệt chủng rất cao. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018, nước ta có khoảng 100 đến 130 cá thể voi và voi được Chính phủ xếp vào Sách đỏ, được ưu tiên bảo vệ cao nhất. Từ năm 2013, Bộ NN&PTNT đã có “Đề án bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2020”, trong đó quy hoạch các vùng ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Yok Đôn (Đắk Lắk), Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai (Đồng Nai).

Hiện quần thể voi rừng ở Nghệ An ước còn từ 13 đến 14 con, được tách thành 4 đàn nhỏ. Số lượng voi trên được phân bố ở 2 khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát khoảng 12 đến 13 con và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống 1 con. Để bảo tồn đàn voi, năm 2013, Nghệ An đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, trên cơ sở xây dựng được gần 29 km đường tuần tra rừng, 3 trạm dừng chân, 2 chòi canh lửa, 4,43 km hào ngăn voi bằng đá hộc đã có tác dụng ngăn chặn voi ra phá hoại hoa màu nhà cửa nhân dân. Từ năm 2013 đến nay không xảy ra hiện tượng voi bị săn bắn và đàn voi ở Pù Mát đã sinh thêm 2 cá thể nhỏ.

Tuy nhiên, ở Nghệ An trong thời gian qua, tình trạng xung đột giữa voi và người diễn ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng. Số lượng voi còn lại đang bị đe dọa. Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề bảo tồn voi rừng để tránh xung đột gây thiệt hại về người và hoa màu trong vùng lõi nơi voi sinh sống. Nhiều ý kiến thống nhất cần phải khảo sát thực tế để có đánh giá cụ thể voi ở Nghệ An. Trên cơ sở đó cần quy hoạch và xây dựng vùng sinh cảnh cho voi hoạt động. Có như vậy voi sẽ không còn phá hoại mùa màng và tránh xung đột với người.

Trên cơ sở thảo luận, hội thảo xác định 12 hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2025 và sẽ dành khoản kinh phí khoảng 18,7 tỷ đồng để các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc