Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh quy định đào tạo năng khiếu nghệ thuật hiện nay: Quá nhiều bất cập cần sớm sửa đổi

Thứ Tư 24/07/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- “Hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao có tới ba Bộ quản lý. Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù đối với đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì sẽ không vực dậy được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc”. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ VHTTDL về việc xây dựng chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc thù, diễn ra ngày 22.7 tại Hà Nội. Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cùng chủ trì buổi làm việc, có sự tham gia của đại diện các trường đào tạo nghệ thuật, thể thao trực thuộc Bộ VHTTDL, các chuyên gia giáo dục và đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH). 
Nhiều bất cập trong tuyển sinh và đào tạo 
Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành và có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động dạy nghề; quy định toàn bộ nội dung, hình thức, các cấp độ đào tạo nghề, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Hành lang pháp lý này cơ bản đã tạo điều kiện để hoạt động đào tạo nghề phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, qua 4 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành thì vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa được quy định, hướng dẫn một cách cụ thể. 

 Đào tạo nghệ thuật rất khác khi phải có sự kết hợp với các nhà hát. Một tiết mục báo cáo của học sinh tại lễ tốt nghiệp hệ Trung cấp lớp nghệ thuật biểu diễn chèo khóa 2016 - 2019 

Điều này đã gây nên những khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong đó có đào tạo nhân lực lĩnh vực năng khiếu nghệ thuật. Cụ thể, quy định về thời gian tổ chức đào tạo đối với các lĩnh vực đào tạo năng khiếu lại cào bằng như các lĩnh vực khác là bất hợp lý; Vấn đề đồng thời tổ chức đào tạo bậc đại học và các bậc thấp hơn trong lĩnh vực nghệ thuật; Quy định về giảng dạy và chế độ đối với giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy áp dụng chưa hợp lý với ngành nghệ thuật... Đại diện các cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL đã nêu những vấn đề trong quá trình thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua và đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao như giao các trường chủ động xây dựng thời gian đào tạo; xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong lĩnh vực nghệ thuật; chính sách cho từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể thao… 
PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng cần có sự điều chỉnh quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc có những văn bản hướng dẫn riêng đối với tuyển sinh và đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Đơn cử như quy định về thời gian cứng đào tạo của nghệ thuật giống như các ngành nghề khác là bất hợp lý. Ví dụ, đào tạo diễn viên trung cấp chuyên ngành Cải lương có thể 3 năm, nhưng với đào tạo diễn viên Tuồng thì thời gian đó lại quá ngắn và không đáp ứng được chất lượng đào tạo. Bản thân các chuyên ngành diễn viên ở các loại hình sân khấu khi đào tạo cũng đã rất khác nhau từ cách thức cho tới thời gian. Ngay cả đội ngũ giảng viên để đào tạo cho hệ trung cấp cũng phải là những người rất giỏi trong ngành để “bẻ làn, nắn điệu” cho học sinh ngay từ những câu hát, điệu múa đầu tiên. PGS.TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ VN cho biết, đã có lúc trường điều chỉnh thời gian đào tạo từ 6 năm xuống 4 năm, thế nhưng việc làm này đã không thành công. Hiện nay trường đang đào tạo 5 năm cho khóa diễn viên xiếc hệ trung cấp. 
Có thể khẳng định, công tác tuyển sinh, đào tạo đối với nghệ thuật là vô cùng khó khăn và tốn kém. Đào tạo năng khiếu nghệ thuật khác với các lĩnh vực đào tạo đại trà. Đối với các ngành, lĩnh vực khác 
 thì một thầy cô lên lớp dạy một giờ cho quy mô lớp đến hàng trăm học viên. Còn đào tạo nghệ thuật thì cần phải tổ chức thành những lớp nhỏ lẻ. Cả buổi học một thầy hoặc thậm chí là có đến 2 - 3 thầy dạy một trò. Một học sinh của trường xiếc mỗi ngày học ít nhất với 8 giáo viên, từ việc học các môn cơ bản cho tới văn hóa phổ thông. Việc tuyển sinh diễn viên xiếc cũng rất khó khăn mới tìm được những học sinh có năng khiếu. 

 Tuyển sinh diễn viên xiếc chuyên nghiệp từ độ tuổi còn rất nhỏ, 1 khóa tuyển sinh có 35 học sinh được 
tuyển từ hơn 6.000 em 

Ví dụ như mùa tuyển sinh năm vừa qua với hơn 6.000 học sinh từ vòng sơ tuyển cho đến chung tuyển và vòng cuối thì chỉ còn có 35 học sinh. Để tuyển được 35 học sinh này, hội đồng tuyển sinh đã phải di chuyển tới 260 trường học ở miền Bắc. Tuyển học sinh vào xiếc khó đến vậy và lưu lượng học sinh trong trường chỉ có thể lên tới 150 em. Vì vậy, để đạt tiêu chuẩn nâng cấp lên bậc cao đẳng đối với Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là bất khả thi nếu cứ dựa theo quy định bắt buộc phải có tối thiểu là 500 học sinh, sinh viên/năm. 
“Chồng chéo” về cơ chế quản lý và chính sách 
Báo cáo thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết khi hiện hai Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH cùng quản lý nhà nước đối với một cơ sở giáo dục như Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.HCM, ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội… Thực tế này dễ dẫn đến sự chồng chéo về thực hiện chính sách và các quy định về quy trình đào tạo, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, về đội ngũ giảng viên, giáo viên và chế độ làm việc, chế độ chính sách ưu đãi đối với giảng viên, học sinh, sinh viên; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vấn đề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Bên cạnh đó, quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 48/2015NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định đối với khối đào tạo đặc thù năng khiếu nghệ thuật như: Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đang triển khai trong các đại học, học viện, các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như cao đẳng, trung cấp văn hóa nghệ thuật, các ngành, nghề chuyên môn đặc thù khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu. 



 Nếu không tiến hành nghiên cứu, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện nay thì đào tạo năng khiếu nghệ thuật sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong ảnh: Tiết mục Khát vọng của học sinh trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ảnh: THÚY HIỀN 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, Luật giáo dục nghề nghiệp đang là cơ sở pháp lý rất quan trọng tạo cơ sở ổn định cho phát triển đào tạo nghề nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bất cập đối với ngành đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật. Theo Thứ trưởng, hiện một trường đào tạo năng khiếu, nghệ thuật, thể thao có tới ba Bộ quản lý. Vì thế, nếu không có cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành năng khiếu nghệ thuật thì khó có thể vực dậy được được lĩnh vực này. Kéo theo đó là nguy cơ mất nguồn nhân lực và không bảo tồn được nghệ thuật truyền thống dân tộc. Thứ trưởng mong muốn các ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận và báo cáo Quốc hội để hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Bộ VHTTDL, qua đó nhằm hoàn thiện, bổ sung chính sách pháp luật giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Ông Triệu Thế Hùng cũng cho biết, đoàn làm việc ghi nhận và tiếp thu những đề xuất của Bộ VHTTDL, trong đó có vấn đề về chính sách đào tạo, đào tạo chuyên sâu đối với các ngành VHNT; đầu tư có trọng điểm đối với ngành VHNT, thể thao; đối tượng đào tạo dân tộc thiểu số; quy định bằng cấp đối với cán bộ giáo viên trong đào tạo VHNT là chưa hợp lý… 

 Quy định cần bám sát với thực tế đào tạo 
“Yêu cầu quan trọng đối với giảng viên nghệ thuật đó là trình độ chuyên môn phải tốt. Lực lượng giảng viên hiện nay đều là các NSND, nghệ nhân dân gian... Muốn huy động được tài năng cho công tác giảng dạy thì phải có chính sách riêng cho họ. Tôi cho rằng cần phải có quy định bám sát với thực tế đào tạo nghệ thuật và trước tiên, đó là cần một cách ứng xử khác đối với công tác đào tạo tuyển sinh năng khiếu đặc thù như nghệ thuật, thể thao...”. 

(GS, TSKH PHẠM LÊ HÒA) 

 

  Cần phải thay đổi nhận thức 
“Đào tạo nghệ thuật nhất là diễn viên thì không thể đòi hỏi phải có học hàm, học vị đối với các giảng viên là NSND, NSƯT. Nếu thực hiện theo quy định cứng là không cho đào tạo sơ cấp, trung cấp thì chẳng khác nào “giết chết” nghệ thuật. Những bất cập đối với các cơ sở đào tạo năng khiếu là lỗi từ văn bản. Những kiến nghị của các cơ sở đào tạo năng khiếu cho thấy cần phải có sự thống nhất trong điều hành quản lý. Cái khổ nhất hiện nay đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật đó là việc áp dụng rạch ròi giống như các cơ sở đào tạo ở lĩnh vực khác. Việc quy định chi tiết đào tạo năng khiếu nghệ thuật, thể thao... phải do Bộ VHTTDL đề ra. Đã tới lúc cần thay đổi nhận thức về tư duy đào tạo đối với các chuyên ngành đặc thù này”.

(TSKH PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN) 

 NGUYỄNTHÚY HIỀN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top