Chấn chỉnh quảng cáo thông tin không rõ ràng: Không chỉ là việc Coca Cola thừa nhận và đổi slogan...

VHO- Nhiều ồn ã xung quanh slogan của Coca Cola, hãng đồ uống có tiếng lâu năm bỗng bùng lên sau thông tin về những văn bản chấn chỉnh nội dung quảng cáo không đảm bảo đúng Luật được ban hành từ Cục Văn hóa cơ sở, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo. Đáng nói là, ngay sau công văn của Cục, Coca Cola đã lập tức điều chỉnh, thay đổi slogan cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.

Một câu hỏi được đặt ra, nếu không thừa nhận đã sai, liệu một thương hiệu bề dày đình đám như Coca Cola có chịu thay đổi slogan nhanh chóng như vậy hay không? 

Thừa nhận không xét đến yếu tố ngữ văn trong cụm từ quảng cáo 

Chiều 29.6, đại diện Coca Cola Việt Nam đã gửi thông tin đến báo chí với những nội dung liên quan đến quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Theo đó, Coca Cola Việt Nam cho biết, phúc đáp công văn của Bộ VHTTDL, slogan này ngay lập tức đã được sửa thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày”. “Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam cam kết luôn tuân thủ gắt gao với các quy định về sản xuất, kinh doanh và pháp lý được quy định bởi Việt Nam…”, đại diện Coca Cola khẳng định. 

Chấn chỉnh quảng cáo thông tin không rõ ràng: Không chỉ là việc Coca Cola thừa nhận và đổi slogan... - Anh 1

Cũng theo thương hiệu, liên quan đến sự việc nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo về tính phù hợp thuần phong mỹ tục, Công ty xin tiếp nhận ý kiến chỉ đạo từ Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTTDL. Đồng thời cho biết, chương trình khuyến mãi với thông điệp ban đầu được thiết kế chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp khoén sản phẩm Coca Cola. Đáng chú ý, đơn vị này thừa nhận “đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ”. 

“Công ty trân trọng ý kiến chỉ đạo của Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTTDL và đã nhanh chóng làm việc cùng các bộ phận liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng, đảm bảo tính tuân thủ cao trong các nội dung quảng cáo sản phẩm của mình”, đại diện thương hiệu cho biết. 

Cụ thể, ngay sau khi nhận được công văn từ Cục, Công ty đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác. Hiện quy trình đang được diễn ra nhanh chóng, toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Quy trình vẫn đang được tích cực diễn ra nhằm đảm bảo sự thay đổi sẽ hoàn tất trong tuần đầu tháng 7.2019. 

Coca Cola khẳng định: “Công ty cam kết luôn tuân thủ gắt gao với các quy định về sản xuất, kinh doanh và pháp lý được quy định bởi Việt Nam. Đồng thời, Công ty đã có công văn chính thức gửi đến Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTTDL báo cáo các nỗ lực của công ty trong việc tuân thủ cao các chỉ đạo từ cơ quan quản lý…”. 

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, việc tiếp thu và nhanh chóng thay đổi slogan quảng cáo của thương hiệu Coca Cola chính là mục đích chấn chỉnh nội dung thông tin không đảm bảo rõ ràng, đầy đủ của sản phẩm quảng cáo mà các văn bản đã ban hành của Cục hướng đến. Theo Cục trưởng, là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp quảng cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp kiểm tra, phát hiện dấu hiệu chưa tuân thủ thì việc chấn chỉnh kịp thời hoặc phối hợp xử lý vi phạm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Việc yêu cầu chấn chỉnh quảng cáo Coca Cola là một trong những trường hợp như vậy. 

Cùng với sự khắc phục kịp thời từ phía Coca Cola, văn bản điều chỉnh của Cục Văn hóa cơ sở cũng đã nhận được sự phối hợp tích cực từ các địa phương. Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động, một biển quảng cáo có slogan “Mở lon Việt Nam” đã bị dỡ và doanh nghiệp quảng cáo bị phạt hành chính 25 triệu đồng. Đây là một biển quảng cáo lớn đặt ở ngã năm Ô Chợ Dừa nhưng không xin phép. 

Tại nhiều địa phương khác, các Sở VHTTDL, Sở VHTT cũng đã ra văn bản chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, thẩm định và không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo nếu có cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Bộ phận Thanh tra một số địa phương đã tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý nếu phát hiện sản phẩm quảng cáo có cụm từ không rõ nghĩa này. 

  Cục Văn hóa cơ sở không cấm quảng cáo của Coca Cola, tuy nhiên để đảm bảo thông tin quảng cáo rõ ràng, đầy đủ, doanh nghiệp này cần phải sửa, thêm chữ cho rõ ràng thông điệp, nội dung muốn quảng cáo. Cụm từ được nhãn hàng Coca Cola sử dụng trong chiến dịch quảng cáo hoàn toàn không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định đã được nêu rõ trong Luật Quảng cáo. (Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở NINH THỊ THU HƯƠNG)

Đủ để “tuýt còi” 

Như vậy, ở góc độ quản lý nhà nước thì những văn bản chấn chỉnh của Cục Văn hóa cơ sở đã cơ bản đạt được mục đích. Thế nhưng, những thông tin bao phủ cả các trang báo lẫn mạng xã hội lại phần nhiều đi vào phân tích ngữ nghĩa của cụm từ được Coca lựa chọn cho chiến dịch quảng cáo trước khi sửa đổi: “Mở lon Việt Nam”. Có phản cảm hay không? Thiếu thẩm mỹ ở đâu mà lại bị cấm?... Nhiều câu hỏi tương tự đã được đặt ra. 

Chia sẻ về quan điểm của cơ quan quản lý, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương khẳng định, Cục không cấm quảng cáo của Coca Cola, tuy nhiên để đảm bảo thông tin quảng cáo rõ ràng, đầy đủ, doanh nghiệp này cần phải sửa, thêm chữ cho rõ ràng thông điệp, nội dung muốn quảng cáo. Cụm từ được nhãn hàng Coca Cola sử dụng trong chiến dịch quảng cáo hoàn toàn không rõ nghĩa, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo theo quy định đã được nêu rõ trong Luật Quảng cáo. 

Quan điểm của cơ quan quản lý đối với một lĩnh vực nhạy cảm, vấp phải những tranh cãi trái chiều là điều khó tránh. Nhưng, sòng phẳng và công bằng thì chỉ riêng sự tối nghĩa, thiếu thông tin đầy đủ của cụm từ quảng cáo khiến dư luận xôn xao kia, cũng đã đủ lý do để các nhà chức trách tuýt còi. Một nhà báo nhiều kinh nghiệm chia sẻ: “Nếu quảng cáo là “Mở lon Coca” thì không vấn đề gì, nhưng là “Mở lon Việt Nam” thì hết sức nhạy cảm. Quảng cáo phải có phông nền văn hóa. Chỉ thế là đã đủ lý do để nhà quản lý phải tuýt còi…”. 

Nhiều ý kiến khác nhận định, chỉ riêng việc quảng cáo không đầy đủ tên gọi của sản phẩm, cùng với cách gán sản phẩm của mình với danh xưng một quốc gia để quảng cáo đã là quá sai. 

“… Tôi chỉ nghĩ về từ Việt Nam. Mở lon Việt Nam là mở cái gì? Tại sao họ lại dùng từ Việt Nam ở đây? Có phải ý muốn nói đây là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và dùng cho người Việt? Hoặc đây là sản phẩm của hãng muốn dành cho người Việt Nam thưởng thức? Nếu đúng vậy người ta hoàn toàn có thể dùng câu khác sáng nghĩa hơn, truyền được nhiều thông điệp hơn, ví dụ như “Mở lon Coca Việt”, hoặc “Coca của người Việt”… hay ít ra là “Mở lon trên đất Việt”… 

Việt Nam là tên của một quốc gia. Coca chỉ là một hãng đồ uống đến từ một xứ sở khác. Kể cả có là sản phẩm do chính người Việt, của doanh nghiệp Việt sản xuất đi nữa, muốn gắn tên quốc gia vào sản phẩm để quảng bá, cũng cần phải cân nhắc và phải được xem xét chặt chẽ. Không thể tùy tiện dùng tên quốc gia thiêng liêng rồi ghép lung tung với từ khác tạo ra sự lập lờ chữ nghĩa, nhằm mục đích lăng xê sản phẩm một cách bừa bãi thế được…”. 
Có lẽ, trong một rừng ý kiến từ dư luận thì chia sẻ này trên mạng xã hội là một góc nhìn khách quan, điềm tĩnh. Cái lý bao trùm khiến cơ quan quản lý nhà nước phải đồng loạt ban hành đến 3 văn bản chấn chỉnh cũng bắt nguồn từ việc không thể dùng danh xưng đất nước để quảng cáo cho thương hiệu một cách tùy tiện. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đã nói rõ, tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng. 

Động thái phản ứng, tiếp thu và sửa đổi slogan nhanh chóng của Coca Cola cũng đã cho thấy sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết và kịp thời. Nếu không tự nhận thấy mình đã sai thì có lẽ một thương hiệu lớn như Coca Cola sẽ không phản ứng nhanh đến vậy. Và càng chắc chắn, với một bề dầy đã có, họ cũng không dại gì để xem sự việc lần này như một chiêu trò để PR, để được xuất hiện lan tràn trên các trang báo cũng như mạng xã hội trong những ngày qua. 

 H.VY

Ý kiến bạn đọc