Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ít đọc sách do...​​​​​​​ thiếu sách

Thứ Tư 17/04/2019 | 10:13 GMT+7

VHO- Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Vì thế, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã rất quan tâm và đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của dân chúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn hóa đọc chưa được quan tâm phát triển đúng mức.

 Điều đó đã dẫn đến hệ lụy con người thờ ơ với sách và việc tích lũy tri thức, đã xuất hiện hiện tượng không ít người sống vô cảm, bất chấp vì thiếu hiểu biết về luật pháp, nghèo nàn về tâm hồn và gần đây là sự gia tăng các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt trong giới trẻ.

 Học sinh say sưa đọc sách tại Ngày sách Việt Nam tỉnh Bắc Ninh năm 2018 Ảnh: INTERNET

Ưa hình thức hơn tinh thần

Ông Nguyễn Quang Thạch, Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc. Bởi thực tế, ông đã phỏng vấn cá nhân và tập thể với trên 3.000 học sinh, sinh viên và người lớn trong chuyến đi bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn để tăng tốc Chương trình Sách hóa Nông thôn trong năm 2015, ông có số liệu như sau: Chỉ có 38 người biết đến cuốn sách “Những tấm lòng cao cả”, 20 người biết đến cuốn sách “Robinson Cruiso” và cuốn sách “Góc sân khoảng trời”, trong khi đây là 3 cuốn sách được trích dẫn trong sách giáo khoa nhưng rất ít trẻ em biết đến. “Qua các khảo sát trên diện rộng và trong gần hai mươi năm qua, chúng tôi thấy rằng ở nông thôn, ngoại trừ một số gia đình giáo viên, các gia đình khác hầu như không có cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa và sách bài tập nâng cao của học sinh. Gia đình thiếu sách như vậy thì học sinh không thể có thói quen đọc sách. Tuổi học trò không hình thành thói quen đọc sách thì khi lớn lên rất khó có thói quen đó”, ông Thạch nhấn mạnh.

Ông Thạch cũng cho biết thêm, ông đã đến 50 trường học ở các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương, Đông Hưng của tỉnh Thái Bình. Qua phỏng vấn ngẫu nhiên và lấy thông tin từ sổ người mượn sách của thư viện, các con số cho thấy vùng thuần nông trung bình mỗi học sinh chỉ đọc khoảng 1 đầu sách/năm. Các trường học ở khu vực thị trấn có số đầu sách được mượn cao hơn, bình quân 5 đầu sách/1 học sinh/1 năm. Thái Bình là tỉnh đồng bằng, có dân trí thuộc nhóm cao nhất cả nước và kết quả thi đại học thường nằm trong top 10 của cả nước, nhưng tỷ lệ đọc sách cũng rất thấp.

Chúng ta rất dễ dàng chỉ trích sự ít đọc của cư dân nông thôn nhưng không nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi tại sao người dân nông thôn ít đọc và làm thế nào để khuyến khích họ đọc sách. Trên thực tế, sự thiếu sách trầm trọng, sự vận hành yếu kém của hệ thống thư viện trường học là nguyên nhân cơ bản của sự ít đọc ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, sự thiếu vắng chiến lược xây dựng văn hóa cộng đồng, lấy tri thức làm chủ đạo đã chưa kích thích được tiềm năng đọc sách trong cộng đồng. Bởi vậy, sự không đọc sách do thiếu sách là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn xâm nhập đời sống cộng đồng. Điển hình là thói ưa hình thức, phô diễn vật chất hơn là tinh thần. Vô số ngôi làng xây dựng cổng làng hết hàng chục và hàng trăm triệu đồng vì để ganh đua với làng khác. Trong khi đó, một tủ sách với dăm trăm đầu sách trị giá khoảng 8-10 triệu đồng thì rất hiếm làng làm được.

Nhân rộng mô hình thư viện cộng đồng

Với một bức tranh văn hóa đọc như hiện nay, liệu chúng ta có thể cải thiện được không? Câu trả lời là không những có thể mà còn khá nhanh nếu các thành viên xã hội tận tâm cùng chung tay giải quyết. Đại diện NXB Trẻ cho rằng, để phát huy tối đa vai trò của sách đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, nhất thiết phải có sách hay và có cách đưa sách đến với mọi người hay tạo dựng được thói quen đọc sách. Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của Gia đình và Nhà trường, rồi mới đến Xã hội. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ, người lớn, người thân không bao giờ đọc sách, hãy nhớ rằng trẻ con học qua cách nhìn những gì người lớn làm. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi học sinh khi nhà trường còn chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện hay dạy cho các em học sinh cách đọc sách, hoặc có những yêu cầu học sinh phải đọc sách hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, ngoài sách giáo khoa. Và thứ ba chính là vai trò của xã hội, bao gồm của các đơn vị làm xuất bản.

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, cần nhân rộng những điển hình trong xây dựng thư viện phục vụ cộng đồng, như: Cựu chiến binh Bùi Đình Thăng ở thôn Đoàn Đào (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Ông Thăng đã xây dựng thư viện từ cuối thập niên 1990 và phục vụ nhiều ngàn người đọc trong gần 20 năm qua; Thư viện của ông Phạm Thế Cường (số 352 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) được thành lập vào năm 2008, nay có gần 30.000 đầu sách phục vụ bạn đọc; Nhóm bác sĩ Hồ Đắc Duy khởi động Tủ sách giải trí và giáo dục vào cuối thập niên 2000. Đến nay, nhóm đã nhân rộng khoảng 1.000 tủ sách… 

HIẾU NGUYỄN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top