Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- “Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của người Việt, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam và mọi người dân Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”. 

Trong di sản văn hóa dân tộc, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một nguồn cội. 

 Những ngày qua, nhất là hôm qua (14.4), hàng vạn con dân đất Việt đã tụ hội về Đền Hùng để dự ngày Giỗ Tổ Ảnh: NGỌC TÚ 

1 Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng như lớp phù sa lắng đọng và bồi tụ trong tâm thức người Việt, được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và cả ý chí của cả dân tộc… Ngày 6.12.2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vì những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết, tri ân tưởng nhớ, tôn kính tổ tiên. 
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Đây cũng là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài; là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 
Năm Kỷ Hợi – 2019, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 3 tỉnh Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức từ ngày 12- 14.4). Tuy nhiên, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, trưng bày, triển lãm... đã được tổ chức từ ngày 1.3 năm Kỷ Hợi (tức từ ngày 5.4.2019) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Thông qua tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh… 
2 Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần Lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; gắn các hoạt động Hội vui tươi, lành mạnh, văn minh, tiết kiệm và thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân chủ động tham gia. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyệt đối; rút ngắn thời gian do cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức để dành nhiều thời gian cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện vai trò chủ thể trong các chương trình. Các hoạt động chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hoá, nguồn tự chủ của các đơn vị tham gia thực hiện. 
Nét mới nổi bật của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay là phương châm xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Hầu hết các nhiệm vụ trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi - 2019 được giao cho các Sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị một cách chuyên sâu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cũng theo hướng tinh thần xã hội hoá, để dần dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng, để người dân thực sự làm chủ lễ hội. Hoạt động dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng không chỉ còn là hoạt động chính do UBND tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện mà bắt đầu từ năm nay, toàn bộ 13 huyện, thành, thị cũng thực hiện nội dung này theo chương trình, kịch bản riêng của mỗi địa phương. Việc này vừa phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương tham gia vào các hoạt động Giỗ Tổ, củng cố khối đại đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện đúng giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là sự riêng có của dân tộc Việt Nam. 
3 Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai thực hiện “5 không” tại lễ hội. Tổ chức chỉnh trang cơ sở vật chất tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng như đầu tư, tôn tạo cảnh quan khu vực Ngã 5 Đền Giếng; chỉnh trang cảnh quan trục hành lễ; sắp xếp, bố trí các điểm kinh doanh dịch vụ đảm bảo khoa học, hợp lý và phù hợp với cảnh quan chung của Khu Di tích; nâng cấp các bãi đỗ xe theo hướng giao thông khép kín; xây dựng mới các khu vệ sinh cao cấp phục vụ nhân dân và du khách thập phương... 
Xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; chống ùn tắc, chen lấn, xô đẩy và đảm bảo an toàn giao thông; có các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khi có sự cố xảy ra. Triển khai đưa vào hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hướng dẫn người dân và du khách về giao thông, điểm tham quan, tour du lịch và các dịch vụ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng tại các địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận nhanh nhất thông tin phản ánh của nhân dân và du khách… 

 HỒ ĐẠI DŨNG (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019) 
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top