Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cầu Vàng bị “hạ giá”... "cầu Bạc"!

Thứ Hai 15/04/2019 | 10:25 GMT+7

VHO- Ngay sau khi đưa vào khai thác du lịch (trung tuần tháng 6.2018), Cầu Vàng lập tức đón nhận những “cơn bão” quan tâm của dư luận báo chí truyền thông trong nước và thế giới với những lời đánh giá “gây choáng ngợp”, “đầy táo bạo”, “cực kỳ ấn tượng”… Nhiều tạp chí kiến trúc nổi tiếng của quốc tế cũng phải hạ bút ngợi khen.

Theo ông Nguyễn Quốc Thông, PCT Hội KTS Việt Nam, công trình Cầu Vàng mang dấu ấn sáng tác xuất sắc nhưng nó cũng chỉ đoạt giải Bạc của Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2018 -2019. Trong ảnh: Cầu Vàng được nhiều báo chí quốc tế đánh giá cao về ý tưởng

Có lẽ hiếm có công trình kiến trúc nào ở Việt Nam mà chỉ trong một thời gian ngắn lại gây sự thu hút mạnh đối với truyền thông quốc tế như Cầu Vàng. Thế nhưng, giới chuyên môn trong nước lại chỉ đánh giá nó chỉ xứng là cây cầu… Bạc mà thôi.

Đây là giải thưởng “đáng đồng tiền”?

“Tác phẩm Cầu Vàng ở Đà Nẵng là một hiện tượng kiến trúc điển hình cho sự nổi tiếng nhanh chóng cùng những tác động không nhỏ đến nhu cầu trải nghiệm và khám phá của đông đảo du khách trong và ngoài nước, cho dù đó là một công trình có quy mô nhỏ. Ngay trong quá trình xét Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018- 2019, hiện tượng “Cầu Vàng” đã tạo nên nhiều tranh luận và khi bỏ phiếu bình xét, công trình này suýt được… giải Vàng”, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông bật mí.

KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh, công trình “Cầu Vàng” ở Đà Nẵng nổi bật trong hạng mục Thiết kế cảnh quan của giải thưởng năm nay. Cây cầu được chú ý với ý tưởng kiến trúc độc đáo, như một dải lụa mềm mại vắt ngang Bà Nà được nâng đỡ bởi hai bàn tay đá khổng lồ, thực sự tạo ấn tượng mạnh về một công trình vừa thơ mộng, tinh tế, vừa hùng vĩ và tráng lệ.

“So với những kỳ giải thưởng trước, giải thưởng kiến trúc năm nay không hoành tráng, không có nhiều công trình đồ sộ nhưng Hội đồng Giải thưởng không hề thất vọng bởi bù lại là sự xuất hiện nhiều xu hướng mới, công trình mới mang dấu ấn sáng tác xuất sắc. “Cầu Vàng” là một ví dụ điển hình. Ngay sau khi xuất hiện, kiến trúc cây cầu đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa rất lớn, xuất hiện trên nhiều kênh thông tin không chỉ trong mà cả ngoài nước”, ông Thông nói.

Cũng theo KTS Nguyễn Quốc Thông, “Cầu Vàng” là một trong số không nhiều ý tưởng đã gây nên những tranh cãi trong hội đồng. Đến khi bỏ phiếu, “Cầu Vàng” suýt đủ điểm để đoạt giải Vàng. Tuy chỉ là một trong 11 giải Bạc của giải thưởng Quốc gia nhưng theo nhiều KTS, đây là giải thưởng “đáng đồng tiền” và dẫu có được “Vàng” hay không thì “Cầu Vàng” vẫn mỗi ngày trở thành một địa chỉ vàng của du lịch Việt Nam.

Hội đồng giải thưởng có nhãn quan tươi mới, mạnh bạo…

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018- 2019 đã đánh dấu hành trình 25 năm đồng hành cùng ngành kiến trúc nước nhà. Định kỳ 2 năm/ lần, Giải thưởng năm nay có 158 tác phẩm tham dự, thuộc 8 thể loại và 15 hạng mục (tăng 32% so với kỳ giải thưởng trước). Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cũng cho biết, điểm khác biệt ở kỳ giải thưởng năm nay không chỉ nằm ở dấu ấn sáng tạo của các giải pháp kiến trúc mà còn ở nhãn quan tươi mới và mạnh bạo của Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo mới, độc đáo nhưng khả thi của các tác phẩm kiến trúc, quy hoạch đoạt giải. Nếu như công trình nhà ở nông thôn mới đoạt giải A- tác phẩm “Nhà Bắc Hồng” đã thể hiện sự kết hợp thành công giữa hiện đại và truyền thống trong tổ chức không gian ở, tạo sự kết nối các thế hệ trong gia đình thông qua không gian sinh hoạt chung trong và ngoài nhà với triết lý “xa mà gần” thì công trình “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh” cho thấy cách tổ chức không gian chung cư hợp lý, thông thoáng, tiết kiệm mà vẫn đủ tiện ích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân với ngân sách hạn hẹp.

Cũng bởi “điểm cộng” là tính khả thi của các công trình nên dễ dàng nhận thấy sự ghi nhận của Hội đồng Giải thưởng dành cho những công trình trường học được thiết kế theo xu hướng tiến bộ, tổ hợp hình khối đơn giản, chắt lọc, dây chuyền công năng mạch lạc, kết hợp cảnh quan sân vườn với các giải pháp chiếu sáng, thông gió và che chắn nắng… làm tăng thêm tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng của công trình, đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư. Tiêu biểu như Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị, Trung tâm Đào tạo Học viện Viettel… Hay đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Pleiku” cũng đã rất thành công khi đưa ra giải pháp về điều chỉnh hợp lý động lực và mục tiêu phát triển đô thị theo hướng “Thành phố vì sức khỏe”, cùng với việc tạo nét đặc trưng hình thái không gian đô thị Pleiku trên cơ sở khai thác hệ thống núi lửa dương và âm liên kết với các hồ nước , dòng suối thay đổi theo sự đa dạng của địa hình.

Bên cạnh đó, đồ án “Thiết kế cảnh quan Khu đô thị sinh thái biển Lạc Việt” với không gian dòng suối được khai thác khéo léo thành trục cảnh quan sinh thái chính, tạo điểm nhấn hấp dẫn của khu đô thị cũng được đánh giá cao

“Năm nay, trong cơ cấu giải thưởng có giải cho tác phẩm ứng dụng công nghệ mang tính đột phá, nhưng rất tiếc là Hội đồng đã không chọn được tác phẩm nào đáp ứng tiêu chí của giải. Đây là vấn đề cần khuyến khích trong những kỳ tới…”, KTS Nguyễn Quốc Thông cho hay.

Điểm đặc biệt của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay là sự ghi dấu 25 năm chặng đường Giải thưởng, mốc thời gian đủ để nhìn lại và đánh giá về Giải thưởng Kiến trúc trong đời sống xã hội. Theo đó, giới chuyên môn nhận định, qua 12 kỳ Giải thưởng cho thấy Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đã góp phần ghi nhận và phát hiện tài năng của giới KTS, nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc, đồng thời khích lệ tư duy sáng tạo theo xu hướng tiến bộ và trách nhiệm xã hội của KTS đối với sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà… 

 Ngày 25.7.2018, trang web nổi tiếng toàn cầu về kiến trúc Archdaily đã có bài viết chia sẻ hình ảnh ngoạn mục về Cầu Vàng, với tiêu đề “Vietnam’s Daring Golden Bridge Takes a “Hands-On” Approach to Tourism” (tạm dịch là “Tận mắt chiêm ngưỡng thiết kế táo bạo của cây Cầu Vàng ở Việt Nam”).

Archdaily đã mô tả về Cầu Vàng: “Trên ngọn núi cao nhất Đà Nẵng, Việt Nam là một cây cầu có thiết kế độc đáo. Uốn lượn theo chiều dài 150 mét, xung quanh là hoa khoe sắc, cây cầu vàng lấp lánh tựa lưng vào núi Bà Nà và được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ”. Cần phải nhấn mạnh, những công trình được xuất hiện trên Archdaily chưa bao giờ là những tác phẩm kiến trúc… bậc trung.

 

 Tác phẩm Cầu Vàng ở Đà Nẵng là một hiện tượng kiến trúc điển hình cho sự nổi tiếng nhanh chóng cùng những tác động không nhỏ đến nhu cầu trải nghiệm và khám phá của đông đảo du khách trong và ngoài nước, cho dù đó là một công trình có quy mô nhỏ. Ngay trong quá trình xét Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018- 2019, hiện tượng “Cầu Vàng” đã tạo nên nhiều tranh luận và khi bỏ phiếu bình xét, công trình này suýt được… giải Vàng.

(Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông)

 

 HÀ NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top