Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ươm mầm "con chữ" nơi cửa Phật

Thứ Tư 03/04/2019 | 11:10 GMT+7

VHO-Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất… nhưng suốt 16 năm qua, chùa Long Cát (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) trở thành lớp học tình thương, là địa điểm hỗ trợ thiện nguyện giúp con em đồng bào dân tộc Raglai nghèo biết đến cái chữ; tạo hành trang vững bước cho các em chắp cánh ước mơ, hoài bão trong tương lai…

Các em nhỏ được cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Linh kèm cặp, tập viết những nét chữ đầu tiên

 Những tia nắng cuối ngày lặng dần sau lưng núi cũng là lúc các em nhỏ đi bộ, vượt suối đến với lớp học tình thương. Lớp học này không tiếng trống trường, các em bước vào lớp học trong lặng lẽ. Lớp học chỉ bắt đầu sôi động khi những gương mặt hân hoan của các em nhỏ ê a đánh vần bài giảng.

Đã 3 năm nay, để tăng khả năng đọc, phát âm chuẩn tiếng Việt và hiểu rõ các phép tính, em Pinăng Hào học lớp 4, Trường Tiểu học Công Hải đều đặn đi bộ hơn 2 km đến với lớp học này. Trên tay cầm cuốn vở và bút mực mới, Hào rụt rè: Nhà em ở xa và phải đi bộ đến lớp, nhưng em vẫn thích đến lớp học tình thương của chùa Long Cát. Đến đây, em không chỉ học thêm kiến thức, biết đọc, biết viết mà còn được chơi với các bạn bè mới, rất vui.

Nhiều bậc cha mẹ sau giờ lên nương rẫy lại tận tình đưa con mình đến lớp học. Họ ao ước lớp học tình thương tại chùa sẽ cho con mình biết viết, biết đọc thạo tiếng Quốc ngữ và làm được các phép tính.

Chị Katơr Thị Sanh (xã Công Hải) tranh thủ đưa con trai Katơr Hoàng Khương (10 tuổi) đến lớp học tình thương ở chùa Long Cát chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ chồng tui không biết chữ nên không thể giúp con trong việc học. Ở trường Khương đang học lớp 4 nhưng hơi yếu nên gia đình đã xin cho cháu vào lớp học tình thương để các thầy cô củng cố thêm kiến thức giúp cháu”.

Còn chị Katơr Thị Dung (28 tuổi) có 3 con đang theo học tại lớp học này, trong đó con trai lớn của chị là Katơr Huy đã 10 tuổi rồi nhưng mới học đến lớp 2 nói: “Học lực của Huy tại trường được đánh giá kém về phần đọc, viết, phát âm tiếng Việt, làm toán chậm. Mình muốn đưa con đến lớp để các thầy giáo trong chùa dạy con mình biết chữ nhiều hơn”, chị Dung bộc bạch.

Lớp học tình thương bắt đầu từ 17 giờ đến 19 giờ vào các ngày thứ Hai, Ba và Năm trong tuần. Trước mỗi buổi học, nhà chùa tổ chức nấu cơm, mì tôm... để các em ăn lót dạ, yên tâm học tập. Số lượng con em đồng bào Raglai nghèo ở xã Công Hải đến với lớp học tình thương ngày càng tăng. Hiện có hơn 150 con em đồng bào ở các thôn như Xóm Đèn, Suối Vang, Ba Hồ… của xã Công Hải và một số em ở xã vùng cao Phước Kháng đến tham gia lớp học tình thương này.

Ông Đặng Đình Trọng, Trưởng ban Hộ trị Tam Bảo chùa Long Cát thổ lộ: Chùa chỉ có 4 phòng học, chủ yếu giúp các em học sinh vùng đồng bào Raglai nghèo không có điều kiện đến trường được tiếp cận gần với con chữ; hoặc giúp các em học lực yếu bổ sung kiến thức, học thêm tiếng Việt... Để các em ra lớp đầy đủ, các thành viên trong chùa phải đến tận nhà vận động, nhất là các em lớn thường bị bạn bè rủ rê nghỉ học, đi làm ăn xa.

 Trước mỗi buổi học, chùa Long Cát tổ chức bữa ăn để các em yên tâm học tập

“Từ những đóng góp của các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân… nhà chùa còn may quần áo, mua giày, dép mới, xe đạp để tặng các em; giúp đỡ về sách vở, bút viết để các em đến lớp đầy đủ”, ông Trọng chia sẻ.

Hầu hết các giáo viên dạy tại lớp học tình thương chùa Long Cát đều là giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Công Hải. Họ không những truyền dạy kiến thức về tiếng Việt, Toán… theo chương trình của ngành GD&ĐT, đem từng con chữ đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; mà còn là cách để những giáo viên này duy trì sĩ số tại lớp học chính quy. Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, một giáo viên của Trường Tiểu học Công Hải đang dạy tại lớp học tình thương cho biết: Các em học ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn. Soạn giáo án, tìm cách dạy phù hợp với chuẩn chương trình giáo dục đề ra, thì các em mới đến học đông đủ. Tham gia giảng tại lớp học tình thương cũng là điều kiện để mình vận động học sinh ra lớp chính quy, không bỏ học giữa chừng…

Những ngày đầu thành lập lớp học tình thương, bản thân sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, trụ trì chùa Long Cát đã không quản ngại ngày đêm đến tận nhà, lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh cho con em đến lớp; đồng thời, mời các thầy, cô giáo tâm huyết, tận tụy về dạy học cho các em. Nhờ sự tận tâm, nỗ lực kêu gọi của sư cô, vận động phật tử, các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân góp sức, ủng hộ kinh phí, nên các em đến chùa học rất đông. Sư cô Đức Thịnh cho biết: Không những đảm bảo về số lượng, nhưng chất lượng học tập của các em được nhà chùa hết sức quan tâm. Lớp không chỉ xóa mù chữ, mà còn mong muốn các em được vươn xa trong học tập. Sau này, trở thành những người có ích, đóng góp công sức xây dựng cho đất nước.

Ông Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã Công Hải cho biết: Trong nhiều năm qua, chùa Long Cát là một trong những nơi góp phần rất nhiều trong công tác vận động con em đồng bào đi học. Mong rằng, trong thời gian tới, chùa Long Cát tiếp tục vận động các Mạnh Thường Quân, tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ lớp học tình thương, cùng với địa phương làm tốt công tác xóa mù chữ cho con em đồng bào Raglai nơi đây.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của sư cô Thích Nữ Đức Thịnh, cùng với các thầy cô nơi đây sẽ góp phần vận động các em ra lớp, chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo ở huyện vùng cao tỉnh Ninh Thuận được bay cao. 

 PHAN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top