Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khi phim Việt đang “yếu toàn tập”?

Thứ Hai 01/04/2019 | 10:25 GMT+7

VHO- Những trăn trở cũng như sự đau đáu trước thực trạng phim Việt ngày càng rơi vào tình trạng tụt hậu, khó khăn đã được các chuyên gia, nhà làm phim mang ra “mổ xẻ” tại hội thảo khoa học “Phim Việt Nam - thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo do Bộ VHTTDL, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) và Hội Điện ảnh TP.HCM phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua.

Có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng…

Theo nhiều đại biểu, từ khi chủ trương xã hội hóa đi vào thực tiễn, hoạt động điện ảnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí từng lâm vào khủng hoảng kéo dài. PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng điều này không khó hiểu. Nếp hoạt động được nhà nước “bao trọn gói” từ khi sinh thành dường như bị đột ngột xóa bỏ thay vì có một lộ trình phù hợp. “Trong khi đó thị trường điện ảnh tự do nước ta chưa được định hình, chưa có mối liên thông đáng tin cậy giữa chế tác phim với hệ thống chiếu bóng, khiến sản xuất trì trệ nghiêm trọng”, PGS.TS Trần Luân Kim nhớ lại.

Đánh giá tổng quan về phim Việt giai đoạn vừa qua, các nhà phê bình và làm phim không khỏi trăn trở khi phim nước ta “yếu toàn tập”, đặc biệt là ở khâu kịch bản. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, công tác xây dựng kịch bản đang là lỗ hổng lớn trong điện ảnh Việt Nam. “Muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng Biên tập của các hãng phim đang chất hàng đống kịch bản nhưng không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay”, đạo diễn Đào Bá Sơn tâm tư.

Đó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim của ta đang săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa nó. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng thành công, ngoài một vài phim như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ hay bộ phim Người phán xử được VTV Việt hóa và chiếu thành công với lượng khán giả kỷ lục thì cũng đã có khá nhiều bộ phim bị thất bại. Trước thực tế này, một nhà làm phim hốt hoảng cho rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu như nền điện ảnh Việt Nam đa số chỉ là mua kịch bản gốc hoặc phiên bản phim nước ngoài?

Theo nhà báo Tô Hoàng (Hội Điện ảnh Việt Nam), phim Việt đang rơi vào tình trạng “chân không tới đất, cật không thấy trời”. “Xem phim Việt bây giờ không thấy hiển hiện trên màn ảnh nông thôn, thành thị, miền biển, miền núi của nước ta. Hầu như tất cả là villa, xe hơi và cuộc sống vô lo, vô nghĩ của đám trẻ với các mốt thời trang... Nạn “xâm thực” dịu ngọt, êm ả của điện ảnh Hàn Quốc đã thấm vào lời ăn tiếng nói, cách ứng xử,… của các nhân vật trong phim Việt. “Để nắn chỉnh phần nào tình trạng này, tôi tha thiết kêu gọi các nhà sản xuất, các đạo diễn hãy quay trở lại với nền văn học nước ta, nếu muốn tìm một kịch bản hay… Một nền điện ảnh nhân văn, mang đậm phong vị quê hương xứ sở mình, giàu ngôn ngữ điện ảnh, không mắc phải những căn bệnh lai căng, bắt chước nay giống Hàn, mai giống Hollywood, ngày kia giống Đài Loan,… dứt khoát phải được bén sâu gốc rễ vào chính nền văn chương của quê hương mình”, nhà báo Tô Hoàng nói.

 “Hai Phượng” và “Cua lại vợ bầu” (ảnh phải ) là hai phim Việt ăn khách nhất vừa qua được xem là điển hình tiêu biểu để các nhà làm phim nghiên cứu xu hướng làm phim thu hút khán giả

Đi tìm nghệ thuật ăn khách

Trở lại câu chuyện về những bộ phim hay, thu hút khán giả, đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn nói rằng, phim chiếu Tết 2019 vừa qua là một hiện tượng đặc biệt. Nó đặc biệt ở doanh thu đột phá trong điện ảnh, mà đại biểu là hai bộ phim Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh, cho thấy một tín hiệu vui đối với nhà đầu tư và nhà sản xuất điện ảnh Việt. Sau hiện tượng này thì sự kiện bộ phim Hai Phượng đạt doanh thu kỷ lục trên 200 tỉ đã tạo một cú hích mới về thể loại phim hành động.

“Điều đáng mừng là những dòng phim thảm họa, hài nhảm, rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã không còn đất dụng võ. Dòng chảy của điện ảnh thị trường thực tế đã chứng minh rằng những bộ phim ăn khách đều được đầu tư nghiêm túc, bài bản, đánh trúng vào thị hiếu khán giả”, đạo diễn Đào Bá Sơn nhìn nhận. Song cũng theo đạo diễn này, bên cạnh vẫn có những bộ phim hay về nghệ thuật kể chuyện và ngôn ngữ điện ảnh như Song lang, Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Nhắm mắt thấy mùa hè,… nhưng lại thất bại ở phòng vé.

Sự thất bại này cũng như hàng loạt phim có giải thưởng cao thuộc dòng phim nhà nước như Trăng nơi đáy giếng, Long Thành cầm giả ca, Đừng đốt, Những người viết huyền thoại,… Những dẫn chứng đó phần nào nói lên một thực tế, dù phim có giá trị văn hóa lịch sử nhưng chỉ nghiêng về nghệ thuật mà thiếu nghiên cứu tính thị trường thì chắc chắn thất bại về doanh thu. “Ngày nay ăn khách đã trở thành một nghệ thuật. Làm sao để phim có nhiều khán giả đến xem? Nếu như điện ảnh thị trường đã lên ngôi “Hoàng đế” thì khán giả hôm nay đối với chính họ là “thượng đế”, các thượng đế thường xuyên đến rạp hầu hết là bạn trẻ trong độ tuổi 15-30, vì thế nhà làm phim phải nghiên cứu dòng phim phù hợp với sở thích của những thượng đế trẻ này ”, đạo diễn Đào Bá Sơn nói.

TS nghệ thuật, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú nói thêm, để có được phim thu hút khán giả, các nhà làm phim cần phải đến rạp để đo thị hiếu người xem. “Thị hiếu khán giả với thị trường điện ảnh hôm nay đã và đang là đòi hỏi cần thiết đến tư duy mở cửa, thông thoáng từ sáng tác đến thẩm định và dẫn dắt thị hiếu thẩm mỹ. Có thể thấy thị hiếu khán giả hôm nay đã đổi về lượng và chất. Bên cạnh lớp khán giả ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn, vẫn có nhiều khán giả dễ dãi. Vậy người sáng tác tự do điều chỉnh mình hay ve vuốt thị hiếu khán giả để phim ăn khách?”, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú băn khoăn.

Theo các nhà phân tích, trong những năm gần đây số lượng phim ngày càng phát triển nhưng chất lượng không cao. “Nó giống như chúng ta đang có quá nhiều thực phẩm nhưng lại quá ít chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất dinh dưỡng phù hợp với khán giả trẻ. Vẫn còn ít chất dinh dưỡng cho tâm hồn Việt, cho lòng yêu thương và vẻ đẹp cuộc sống”, một đạo diễn chia sẻ.

 Muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng Biên tập của các hãng phim đang chất hàng đống kịch bản nhưng không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay.

(Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn)

 Có thể thấy thị hiếu khán giả hôm nay đã đổi về lượng và chất. Bên cạnh lớp khán giả ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn, vẫn có nhiều khán giả dễ dãi. Vậy người sáng tác tự do điều chỉnh mình hay ve vuốt thị hiếu khán giả để phim ăn khách?

(TS, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú)

 

THUỲ TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top