Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Con đường di sản” của thầy và trò ở TP.HCM: Nhân rộng cả nước, được không?

Thứ Hai 25/03/2019 | 10:10 GMT+7

VHO- Sau hơn 2 tháng triển khai, dự án “Con đường di sản” (On the road to heritages) do thầy và trò học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM thực hiện đã mang đến một sân chơi học thuật đầy ý nghĩa.

 Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đặc biệt thích thú với dự án "Con đường di sản" Ảnh: THÙY TRANG

 Tại đây, học sinh được “tắm mình” trong không gian di sản với hàng loạt sản phẩm và các hoạt động thông qua chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Dự án “Con đường di sản” do tập thể giáo viên và học sinh nhà trường triển khai thực hiện từ tháng 11.2018, bao gồm chương trình tìm hiểu kiến thức chung về di sản, về các tổ chức di sản quốc tế, tìm hiểu về các di sản của Việt Nam được công nhận là di sản thế giới, cách phân loại di sản, thiết kế, thực hiện các video clip, các poster, sách mỏng… đặc biệt là chương trình đi học thực tế đến các địa điểm có nhiều di sản theo lộ trình Ninh Bình - Huế - Hội An - Mỹ Sơn. Tại những nơi này, học sinh được tìm hiểu về đời sống và con người của phố cổ Hội An, điệu múa Chăm cùng lịch sử thăng trầm của thánh địa Mỹ Sơn, những điện đài, lăng tẩm của cố đô Huế, cảnh sắc hữu tình của Tràng An - Ninh Bình, 36 phố phường của thủ đô Hà Nội…

Trong lễ báo cáo kết quả dự án ngày 23.3, thông qua hình thức sân khấu hóa, học sinh đã tái hiện đặc sắc các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận như Hội Gióng, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh; triển lãm không gian văn hóa các di sản; hội chợ di sản; biểu diễn thời trang được thiết kế bằng những chất liệu thân thiện như vải bố, giấy, tre; chương trình đố vui kiến thức thông qua phần mềm tìm hiểu di sản; cuộc thi viết cảm nhận về di sản; thực hiện các clip về di sản vật thể - những nơi mà học sinh được đi thực tế để tìm hiểu…

Chương trình thực sự khiến người xem bất ngờ về sự đầu tư nghiêm túc, có chất lượng và mang nhiều thông điệp ý nghĩa của các học sinh. Qua đó cho thấy sự độc lập, trưởng thành, trách nhiệm và khả năng xử lý tình huống của các em. Đồng thời, với các sản phẩm tại lễ báo cáo, học sinh đã thể hiện được góc nhìn sáng tạo, mới lạ của những người trẻ, những cảm nhận khá sâu sắc trước tình trạng di tích bị xâm hại.

ThS Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn, giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia dự án này cho biết, sử dụng di sản trong dạy và học là xu thế mới trong việc giảng dạy các bộ môn khoa học xã hội, giúp học sinh nắm bắt những nội dung liên quan đến di sản và sử dụng nó trong việc giải quyết các yếu tố xã hội hiện đại. Việt Nam có rất nhiều di sản, tuy nhiên trong chương trình hiện nay, học sinh không được học nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Vì thế, xuất phát từ ý tưởng muốn cho học sinh được trang bị kiến thức về di sản văn hóa, qua đó các em có ý thức giữ gìn và quảng bá di sản thông qua các hoạt động, dự án của mình trong tương lai, giáo viên các bộ môn Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ... của trường đã thực hiện dự án. Việc tìm hiểu thông tin và thực trạng hiện tại của các di sản được UNESCO công nhận không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết mà qua đó góp phần tuyên truyền cho cộng đồng giữ gìn di sản của dân tộc. “Bên cạnh học sinh có kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý, du lịch, thì qua dự án này, học sinh còn được trang bị các kỹ năng như làm việc nhóm, ngoại ngữ, phân tích đánh giá dữ liệu, giải quyết tình huống, ứng dụng công nghệ thông tin, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và quan sát từ thực tế đưa vào bài học… Tuy nhiên, điều mà tôi và các giáo viên tâm đắc nhất là sau dự án này, các học trò của mình đã trưởng thành hơn”, ThS Nguyễn Viết Đăng Du bày tỏ.

Theo ông Đặng Hồ Tuyền, Phó hiệu trưởng nhà trường, sự thành công của dự án chứng tỏ thầy và trò đã đi đúng hướng, đây cũng chính là động lực để trường triển khai thêm nhiều dự án đột phá trong tương lai. Dự án “Con đường di sản” đã trang bị cho học sinh năng lực khám phá, biết tìm tòi kiến thức, định hướng nghề nghiệp, mang đến thông điệp: Thế hệ trẻ chung tay giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. 

 Dù mới khởi động và triển khai trong một thời gian ngắn nhưng chúng tôi thấy rất vui vì các em rất yêu di sản văn hoá, thiên nhiên của dân tộc. Khi các em biết yêu quý di sản thì các em sẽ biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị. Và các em sẽ biết bảo vệ, ngăn chặn những hành vi xâm hại di sản...

(Ông ĐẶNG HỒ TUYỀN, Phó hiệu trưởng nhà trường)

 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top