Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim tài liệu: Sẽ được đưa lên Youtube và mạng xã hội

Thứ Tư 27/02/2019 | 10:02 GMT+7

VHO- “27 tác phẩm trong chương trình tổng kết hoạt động nghệ thuật hai năm 2017-2018 của Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ đã phần nào thể hiện một bước chuyển trong tư duy sáng tạo. Với diện mạo phong phú cả về đề tài lẫn cách thức thể hiện, phim tài liệu Việt đang thể hiện sự bứt phá để vượt ra khỏi khuôn khổ định kiến về những nhọc nhằn, đặc biệt trong khâu đầu ra của các tác phẩm...”, đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ chia sẻ.

Phim “Cuộc di cư của bầy cừu”

 Chuyển mình tư duy sáng tạo

Trong 3 ngày 25-27.2, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương tổ chức chương trình tổng kết hoạt động nghệ thuật hai năm 2017- 2018. Quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ, NSND Nguyễn Như Vũ cho biết, chương trình tổng kết hoạt động nghệ thuật hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác sản xuất phim của Hãng. Đây là dịp để đội ngũ sáng tác cũng như bộ phận ngoài khối nghệ thuật thuộc Hãng phim có cơ hội xem phim của nhau, đánh giá và cho điểm, từ đó rút kinh nghiệm để việc sản phim trong những năm tiếp theo sẽ tốt hơn. Kết quả đánh giá cũng là cơ sở để Hãng lựa chọn phim tham dự các giải thưởng lớn như: Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh, giải báo chí của Hội nhà báo, giải Liên hoan phim Việt Nam. Cũng theo ông Vũ, vì một số lý do khách quan, phim của hai năm 2017-2018 được dồn vào trong một chương trình tổng kết.

Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương hằng năm được giao nhiệm vụ sản xuất hơn 20 phim tài liệu và khoa học, phản ánh mọi lĩnh vực của đất nước như: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, thể thao... Bên cạnh đó, Hãng còn nhận thêm nhiệm vụ sản xuất phim tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành... và ghi chép tư liệu các hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Nguồn đề tài còn do các đạo diễn, biên kịch tự phát hiện, xây dựng kịch bản và trình lên Hội đồng duyệt kịch bản quốc gia thẩm định.

“Không chỉ có các biên kịch của hãng mà đội ngũ biên kịch bên ngoài, các cộng tác viên, nhà báo, chuyên gia đều có thể phát hiện đề tài, viết kịch bản gửi Hãng nhằm mở rộng, phát triển nguồn đề tài phản ánh. Tuy nhiên, dù là nguồn nào thì quy trình sản xuất phim vẫn luôn phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt. Hội đồng nghệ thuật của chúng tôi thường xuyên góp ý cho các tác giả từ khâu kịch bản đầu tiên đến khâu cuối cùng”, theo ông Nguyễn Như Vũ.

Trong danh mục 27 phim được chiếu, có nhiều phim được đánh giá có chất lượng cao, có tính phát hiện và cách thể hiện sáng tạo, mang đến cho không gian điện ảnh phim tài liệu một luồng gió mới. Một số phim đã giành được giải thưởng tại giải Cánh diều, một số phim sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam. Đáng chú ý, không chỉ đổi mới, đa dạng về đề tài và cách thức thể hiện, nhiều tác phẩm còn đánh dấu sự chuyển hướng trong tư duy sáng tạo, đặc biệt của những tác giả trẻ.

“Hãng phim vẫn đang tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghệ thuật để có nhiều phim đạt chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong kỳ hội nhập và phát triển. Có thể nhận thấy bước chuyển trong tư duy sáng tạo của nhiều tác giả trẻ. Một số phim có cách làm mới như không có lời bình của tác giả mà chỉ có lời tự sự, phỏng vấn nhân vật. Một số phim có độ dài vượt khung truyền thống 30 phút, kéo dài với dung lượng từ trên 50 phút đến 86 phút nhưng vẫn đảm bảo sự cuốn hút từ đầu đến cuối”, đạo diễn Nguyễn Như Vũ chia sẻ.

Qua rồi thời... nhọc nhằn phim tài liệu

27 phim được đánh giá đều bám sát thực tế cũng như phản ánh những khía cạnh đa dạng của cuộc sống, hoàn thành vai trò người chép sử bằng hình ảnh của phim tài liệu. Chuyện những người lính già (biên kịch Đỗ Thị Huyền Trang, đạo diễn Dương Ngọc Hòa, quay phim Nguyễn Anh Tuấn) với thời lượng 33 phút đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem khi được sống trong dòng hồi ức của những cựu chiến binh, những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm về trước. Ông Tây nước mắm (biên kịch Vũ Thị Diệp, đạo diễn Nguyễn Như Vũ, Đào Đức Thanh, quay phim Đào Đức Thanh) kéo dài gần 56 phút nhưng khá thú vị với các chi tiết sống động kể về ông Tây nước mắm Didier Corlou, một đầu bếp Pháp đã sáng tạo, dùng nước mắm Việt Nam để làm nên hương vị độc đáo của mỗi món ăn.

Chuyện từ hạt muối (biên kịch, đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng; quay phim Nguyễn Phương Hoa, Hoàng Gia Triệu) từ câu chuyện hạt muối sau thảm họa môi trường Formosa để cảnh báo việc chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi môi trường bị hủy hoại. Biên kịch, đạo diễn trẻ Đặng Thị Linh sau tiếng vang của Chuyện ngày hôm qua, bộ phim kể về hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của ban nhạc Bức Tường, trong năm 2017 tiếp tục tạo dấu ấn với tác phẩm dài 63 phút Cuộc di cư của bầy cừu. Phim kể về giai đoạn nhiều biến cố trong cuộc sống của một gia đình dân tộc Chăm, làm nghề chăn cừu thuê trên vùng đất đầy nắng gió ở Ninh Thuận. Dù đi đến đâu, họ vẫn theo phong tục tập quán truyền thống của người Chăm và luôn biết cách để gắn kết gia đình với cộng đồng, làng xóm...

Nhận định sự chuyển biến đáng mừng trong tư duy sáng tạo của lớp đạo diễn trẻ với nhu cầu bứt phá và khát khao đổi mới, đạo diễn Nguyễn Như Vũ cũng chia sẻ những trăn trở khi một số đề tài quan trọng dù đã được Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ viết kịch bản nhưng chưa kịp hoàn thiện để triển khai. “Đơn cử như đề tài chống tham nhũng. Hi vọng sau khi hoàn thiện, Hãng sẽ sản xuất phim đề tài này trong năm 2019”, ông Nguyễn Như Vũ.

Một hạn chế khác được NSND Nguyễn Như Vũ chỉ ra là một số đạo diễn còn dễ dãi trong công tác xử lý tư liệu, dẫn đến hình ảnh trong phim bị lặp lại, trong khi Hãng sở hữu một kho tư liệu lớn. Một vài phim chưa khai thác cách thể hiện mới mà vẫn theo lối mòn cũ kỹ, nhất là ở đề tài phim tuyên truyền ... Mặc dù vậy, NSND, đạo diễn Nguyễn Như Vũ cũng cho rằng, hơi thở và sức sống của phim tài liệu bây giờ đã thay đổi. “Nếu nói phim tài liệu gặp nhiều khó khăn và không ít nhọc nhằn thì đó là nhận xét của 5-10 năm trước. Tôi cho rằng sức sống của phim tài liệu những năm gần đây đã khác rất nhiều rồi”, ông Vũ nói. 

 Phim tài liệu đang được Nhà nước rất quan tâm đầu tư và đầu ra cũng khá rộng mở. Tất cả phim của Hãng đều được phát trên sóng truyền hình và phát nhiều lần. Sắp tới, Hãng cũng tính toán mở rộng diện phủ sóng của các phim được sản xuất trên Youtube hay một vài kênh, mạng xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng...

(NSND NGUYỄN NHƯ VŨ, quyền Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học TƯ)

 

 NGÂN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top