Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hải Phòng: “3 không” tại các di tích lịch sử, văn hóa

Thứ Tư 27/02/2019 | 10:02 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, tại một số di tích lịch sử văn hóa đang bộc lộ những bất cập trong công tác tổ chức và quản lý. Tuy nhiên, một số di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tại TP Hải Phòng: Di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) và Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (xã An Đồng, huyện An Dương) trở thành điểm sáng về công tác tổ chức và quản lý. 

Nơi dừng chân có nước uống miễn phí tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh 

 Công tác quản lý tại các địa danh với tiêu chí “3 không” (không hàng quán, không thu phí dịch vụ và không rác thải). Qua đó, tạo sự thoải mái và hài lòng khi du khách đến tham quan, du lịch. 
Di tích Bạch Đằng Giang là quần thể lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trên cửa sông Bạch Đằng gắn với 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cụ thể: năm 938 Ngô Quyền đánh quân Nam Hán; năm 981 Lê Hoàn đánh quân Tống và năm 1288 Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Nguyên Mông. Khu di tích Bạch Đằng Giang có diện tích 20 ha, do các nhà hảo tâm góp sức xây dựng, nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh. Tại đây có miếu thờ các tử sĩ hy sinh trên sông Bạch Đằng. Từ cổng vào, vườn đá cuội và một trụ đá cao 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Ngôi đền đầu tiên Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đền Bạch Đằng Giang thờ Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. 
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối trong tứ linh từ của khu di tích. Ngoài ra còn có đền thờ Thánh Mẫu. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) xây trên núi Tràng Kênh, du khách bao quát toàn cảnh vẻ đẹp của vùng đất Tràng Kênh. Tại khu bờ sông có tượng đài bằng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là mô hình bãi cọc Bạch Đằng xưa kia… Những hàng cau xanh tốt như những người lính canh gác vùng cửa biển. 
Hằng ngày, việc duy trì các hoạt động như: trông xe, dọn vệ sinh do người dân tự nguyện tham gia, công đức cho khu di tích. Đến đây tham quan, vãn cảnh, du khách cảm nhận sự thanh tịnh, trang nghiêm và trật tự... Khu vực nhà khách khang trang, sức chứa 1.000 người, nước uống miễn phí; khu vực vệ sinh sạch sẽ. Khu vực bãi gửi xe rộng 2.000m2, người trông coi miễn phí. Khu nhà khách tại di tích Bạch Đằng Giang được phủ sóng Wifi miễn phí phục vụ du khách. Mới đây, trong khuôn  viên của di tích có khu vườn tượng bằng đá, tái hiện quá trình quân và dân ta chuẩn bị bãi cọc trên sông Bạch Đằng để chống quân xâm lược. Khi đến đây, du khách cảm nhận được sự thanh bình, trong lành và tĩnh tâm. Trên con đường hành hương, du khách thu gom rác vào nơi quy định. Tại đây không có việc chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào. Trong khu di tích trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát, soi bóng xuống dòng sông Bạch Đằng thơ mộng, hùng vỹ. 
Hằng ngày, khu di tích mở cửa từ 7 - 19h. Di tích Bạch Đằng Giang còn là điểm tham quan lịch sử tích hợp trải nghiệm đối với các bạn trẻ, các học sinh, sinh viên. Khu Nhà bảo tàng: trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng - nhân chứng lịch sử. Các trường học trong và ngoài thành phố thường đưa học sinh đến tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Đây là phương pháp giáo dục lịch sử kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, thu hút các thầy, cô giáo, các phụ huynh và học sinh nhiệt tình tham gia. 
Ngày 30.1.2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng khánh thành Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh rộng 3,04 ha. Đây là Di tích lịch sử quốc gia được xây dựng từ nguồn vốn huy động từ công tác xã hội hóa. Công trình gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm (đền chính), nhà tiền bái, hậu cung, nơi đặt ban thờ và tượng thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; nhà Tả vu, nhà Hữu vu trưng bày các hiện vật về thân thế sự nghiệp của đồng chí, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, đón khách, chuẩn bị soạn lễ; 2 nhà bia và các công trình phụ trợ khác. 
Đồng chíNguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng, góp phần vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ (Tổng Liên đoàn Lao động ngày nay), Bí thư đầu tiên Đảng bộ TP Hải Phòng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc, tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, trọn đời hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc... Ngày 30.7.1932, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về Hải Phòng và sáng 31.7.1932, chúng thi hành bản án tử hình đồng chí cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân trước cửa Đề lao Hải Phòng (Nhà lao Sông Lấp). 
Sau 75 năm thất lạc do thăng trầm và biến cố của lịch sử, ngày 21.9.2007, tại khuôn viên Công ty cổ phần Giày Thống Nhất (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng), di hài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được tìm thấy. Theo nguyện vọng của công nhân, Công đoàn cả nước và thành phố, TP Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhất trí chủ trương xây dựng Nhà tưởng niệm tại nơi tìm thấy di hài của hai đồng chí. Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là địa chỉ đỏ của thành phố, nơi giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân. 
Trong những năm qua, nơi đây đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành về thăm; hàng ngàn tập thể, cá nhân trong và ngoài thành phố đến dâng hương tưởng niệm. Ban quản lý đã xây dựng mô hình “3 không” (không mất tiền dịch vụ, không bán hàng rong, không xả rác) tại nhà tưởng niệm. Quang cảnh công trình khang trang, sạch đẹp, cây xanh bóng mát, không có hàng quán. Các tuyến đường nội bộ trong công trình được lát đá rộng rãi, xen lẫn cây xanh để du khách đi lại. Trong khuôn viên có hồ nước rộng, trên hồ có đàn thiên nga bơi lội, tạo không khí thanh bình. Tại các khu vực nghỉ dừng chân có trụ nước sạch miễn phí để du khách uống. Từ khi khánh thành đến nay, Nhà tưởng niệm Nguyễn Đức Cảnh đón trên 1.000 lượt du khách đến tham quan mỗi ngày… 

HẢI ĐĂNG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top