Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

10 năm Học viện Âm nhạc Huế: Phát triển trên thế mạnh của âm nhạc truyền thống

Thứ Hai 06/11/2017 | 09:46 GMT+7

VH- Trong suốt 10 năm thành lập, Học viện (HV) Âm nhạc Huế không chỉ đào tạo tài năng âm nhạc mà còn góp phần trong công tác bảo tồn các ngành âm nhạc truyền thống của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Mặc dù được thành lập muộn hơn so với các cơ sở đào tạo âm nhạc ở hai đầu đất nước, nhưng HV Âm nhạc Huế vẫn không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ CBGV. Trong số 147 CBGV thì có 4 tiến sĩ cùng 6 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh, 89 giảng viên là thạc sĩ. Mới đây, HV đã làm thủ tục cho một giảng viên sang Học viện Âm nhạc Krakov (Ba Lan) để làm trợ giảng.
Trong thực trạng khó khăn chung về công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghệ thuật, hằng năm HV Âm nhạc Huế đã có các giải pháp quảng bá và tuyển sinh tại các địa phương trong khu vực. Hiện nay, tổng số HSSV hệ chính quy của HV là 415 và hệ không chính quy là 408. Đến nay, ngoài 15 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã liên kết đào tạo, HV cũng đã mở rộng đào tạo tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước..., góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên âm nhạc cho các tỉnh theo nhu cầu xã hội. Để công tác dạy và học đạt hiệu quả cao, HV đã chú trọng xây dựng 5 giáo trình, gồm: giáo trình Nhạc nhẹ, giáo trình Ký xướng âm Trung cấp 4 năm, giáo trình Lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam (tập 1), giáo trình Nhã nhạc (tập 2: phần Tiểu nhạc) và giáo trình Văn hóa Huế. Đồng thời luôn khuyến khích CBGV học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Trong năm học 2016-2017, HV cũng đã có 15 em được nhận học bổng Toyota, 5 em nhận học bổng Kumho Asiana.

Phối cảnh dự án Nhà hát Sông Hương và cơ sở hạ tầng của Học viện Âm nhạc Huế


ThS Hoàng Thanh Sơn, Phó Giám đốc HV cho biết: TP Huế là điểm đến của du lịch, với nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa, là môi trường thuận lợi để những tài năng trẻ của HV biểu diễn. Việc thành lập 5 dàn nhạc, ban nhạc và tổ chức biểu diễn định kỳ hằng tuần tại khu Nhà kèn (công viên 3/2 ven sông Hương) đã tạo được nhiều dấu ấn trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Để bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế, mới đây HV cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, như: Đêm diễn giao lưu với nhóm nhạc Travelling Jazz (Pháp); chương trình biểu diễn của nghệ sĩ piano Hinrich Alpers (Đức); tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Lịch sử nhạc phổ thông Việt Nam và các nước láng giềng” của GS Enric Henry (Hoa Kỳ)...
Với thế mạnh được thành lập trên vùng đất miền Trung- Tây Nguyên, nơi có nhiều di sản âm nhạc của thế giới và quốc gia, nên HV xác định bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc di sản truyền thống được đặt lên hàng đầu với định hướng chiến lược phát triển đi lên bằng con đường Dân tộc Nhạc học. Hiện nay, HV đã có một Viện nghiên cứu Dân tộc Nhạc học, một khoa Âm nhạc di sản duy nhất của cả nước, và các giáo trình cấp Bộ đặc trưng. Ngoài ra, nhiều công trình NCKH cấp Bộ về âm nhạc di sản cũng đạt kết quả cao, như đề tài: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ca Huế; Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Hò Bả trạo; Đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào đào tạo chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Huế… HV cũng thường xuyên kết nối và mời các nghệ nhân tên tuổi để giảng dạy, truyền nghề cho HSSV về các loại hình âm nhạc di sản…
Qua 10 năm thành lập và phát triển, các thế hệ thầy và trò của HV Âm nhạc Huế đã và đang xây dựng cho mình một thương hiệu đào tạo uy tín của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hướng đến chuẩn hóa và trở thành cơ sở đào tạo lớn về lĩnh vực âm nhạc của cả nước.
 

Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất cho việc dạy và học
Là một đơn vị “sinh sau đẻ muộn” so với các cơ sở đào tạo âm nhạc ở hai đầu đất nước, nhưng HV Âm nhạc Huế đã từng bước phát triển, trở thành điểm đào tạo trọng điểm ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Báo Văn Hóa đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Việt Đức (ảnh) - Giám đốc HV Âm nhạc Huế nhân kỷ niệm 10 năm thành lập.

P.V: Thưa ông, ông có thể cho biết những hướng đột phá trong chiến lược phát triển của HV Âm nhạc Huế đến năm 2020, tầm nhìn 2030?
- TS Nguyễn Việt Đức: HV Âm nhạc Huế chủ yếu tuyển sinh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là vùng đất còn nhiều khó khăn so với hai đầu đất nước nhưng lại giàu bản sắc văn hóa âm nhạc. Đã có 3 di sản âm nhạc được UNESCO công nhận, gồm: Nhã nhạc cung đình Việt Nam; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Ví giặm Nghệ-Tĩnh; cùng hai loại hình âm nhạc di sản quốc gia là ca Huế và hô Bài chòi. Thế nên, mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển HV là đi lên bằng con đường Dân tộc Nhạc học, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới…
Ngoài việc xây dựng đội ngũ Tiến sĩ, PGS và GS đủ về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của một đơn vị đào tạo nghệ thuật âm nhạc đặc thù, HV cũng chú trọng xây dựng biên soạn chương trình, giáo trình, tiếp cận với các giáo trình tiên tiến của khu vực và trên thế giới; trang bị thiết bị dạy học đủ chuẩn, xây dựng một thiết chế văn hóa hiện đại; có chính sách thoả đáng để thu hút người học, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, biểu diễn và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là chuyên ngành Dân tộc Nhạc học.
Để HSSV bắt kịp với xu thế hội nhập của quốc tế, HV đã có những hướng đi gì trong công tác đào tạo?
- Từ năm 2012 đến nay, HV liên tục tuyển chọn tài năng trẻ âm nhạc vào ngày HSSV Việt Nam hằng năm (9.1), và thường xuyên mời các GS đầu ngành ở Hà Nội, TP.HCM tham gia giảng dạy. HV đã chủ động xây dựng các đề án về đào tạo ngoại ngữ, đào tạo tài năng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chuyên ngành, Bộ chủ quản. Việc thành lập các Ban nhạc phục vụ định kỳ các ngày cuối tuần ở hai bờ sông Hương đã tạo điều kiện cho HSSV được cọ xát thực hành, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn, góp phần xây dựng một nét sinh hoạt văn hóa tại thành phố Huế.
Để bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế, HV đã và đang đẩy mạnh nâng cao trình độ ngoại ngữ cho HSSV, cập nhật các giáo trình tiên tiến, đổi mới phương pháp dạy học, trao đổi các giảng viên trong và ngoài nước, trang bị nhạc cụ đủ chuẩn… Nếu không đáp ứng các yêu cầu trên thì dễ bị tụt hậu, nhất là trong tình hình hiện nay.
HV đã xây dựng và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học như thế nào?
- Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong các năm gần đây HV đã trang bị thêm nhạc cụ giao hưởng, piano, nhạc cụ dân tộc… phục vụ đào tạo. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, HV cần phải tích cực, chủ động tìm cơ chế, tìm nguồn thu để các phương tiện phục vụ đào tạo, các nhạc cụ ngày càng chất lượng và hoàn thiện hơn. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 cho HV Âm nhạc Huế (kinh phí 148 tỉ đồng); và dự án Nhà hát Sông Hương (hơn 198 tỉ đồng). Hy vọng trong vòng 5 năm tới, cơ sở vật chất của HV sẽ khang trang, hiện đại và đáp ứng được tiêu chí đào tạo của các chuyên ngành về âm nhạc; đồng thời, cũng kỳ vọng HV Âm nhạc Huế cũng sẽ trở thành một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
P.V (thực hiện)


T. An
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top