“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội

VHO - Công trình chính điện cũ của quốc tự Diệu Đế (TP Huế) đang được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư thực hiện di dời đến vị trí mới, nhằm tạo cảnh quan thông thoáng cho chùa cũng như giữ lại được bức bích họa Long vân kế hội độc đáo.

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 1

Các công nhân thi công, chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời chánh điện cũ chùa Diệu Đế

Đến hết ngày 14.9, công trình điện Đại Giác (chính điện của chùa Diệu Đế) đã được lực lượng của công ty “thần đèn” Nguyễn Văn Cư thực hiện dịch chuyển lùi về phía sau gần 7 mét, dự kiến đến hết tuần này việc di dời công trình sẽ được hoàn tất. Có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công việc, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư cho biết, sau khi kéo di dời lùi công trình 18 mét đến vị trị mới, lực lượng của công ty ông sẽ tiếp tục thực hiện nâng nền của công trình lên thêm 15cm. Toàn bộ công việc này mất khoảng 10 ngày, nhưng trước đó việc khảo sát, đổ đà và cố định phần móng công trình đã mất hơn 2,5 tháng.

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 2

"Thần đèn" Nguyễn Văn Cư tại hiện trường thi công

“Công trình đã gần 70 năm, khi khảo sát có nhiều vết nứt nên cũng phức tạp. Sau ngày đầu tiên dịch chuyển được gần 4 mét, những điểm nứt cũ có rạn nứt thêm và phát sinh những điểm nứt mới, nên trong ngày hôm nay chúng tôi tiếp tục có các giải pháp, chuẩn bị kỹ thuật kỹ lưỡng để hạn chế tối đa nứt thêm, đảm bảo di dời chánh điện này đến vị trí đích an toàn”- ông Nguyễn Văn Cư nói.

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 3

Các thiết bị được lắp đặt phía dưới nền công trình để dịch chuyển

Được biết, khi thực hiện dự án trùng tu chùa Diệu Đế, chánh điện mới được xây dựng với diện tích gần 600m2, nằm quá sát với công trình chánh điện cũ này nên không gian đi lại, tổ chức các hoạt động bị hạn chế. Ban đầu nhà chùa dự định đập bỏ chánh điện cũ, đã xuống cấp; tuy nhiên bên trong công trình này đang “sở hữu” bức tranh Long vân khế hội (hay Cửu long ẩn vân) quý hiếm, có giá trị nghệ thuật nên nhiều người mong muốn giữ lại. Nhà chùa đã mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư từ TP.Hồ Chí Minh ra Huế để khảo sát việc di dời, dịch chuyển công trình cũ về phía sau đang còn thông thoáng. Công trình chánh điện cũ này có sức nặng khoảng 1.000 tấn. 

Theo Đại đức Thích Minh Đức (chùa Diệu Đế), sau khi công trình được dịch chuyển về phía sau, sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục sửa chữa, tu bổ công trình theo quy mô kiến trúc, nội thất gần như trước đây.

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 4

Trong hai ngày 13 và 14.9, lực lượng của công ty "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã dịch chuyển chánh điện lùi 7m so với vị trí ban đầu

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 5

Sau khi dịch chuyển chánh điện cũ đến vị trí mới, giữa chánh điện mới và cũ sẽ có khoảng không gian thông thoáng

Trước đây, năm 2018, khi triển khai trùng tu chùa Diệu Đế, nhà chùa dự định hạ giải điện Đại Giác và đã nhận được sự quan tâm của dư luận cũng như các góp ý tâm huyết của các chuyên gia. Sau đó, chùa quyết định không hạ giải phần nội điện điện Đại Giác, mà chỉ hạ giải phần tiền đường của chùa và triển khai xây dựng chánh điện mới áp sát vào chánh điện cũ. Dự kiến giữa 2 chánh điện mới- cũ này sẽ được kết nối với nhau bằng hệ thống máng xối. Tuy nhiên cách đây không lâu, nhà chùa đã mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ra khảo sát để xem xét dịch chuyển lùi điện Đại Giác cũ về phía sau, tạo không gian thông thoáng giữa 2 công trình.

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 6

Bên trong công trình chánh điện cũ đang được triển khai di dời

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư cho biết, bởi đây là công trình có bức tranh bích họa Long vân khế hội độc đáo nên việc di dời luôn chú trọng đảm bảo an toàn công trình và giữ gìn tác phẩm bích họa này.

Bức tranh Long vân khế hội (hay Cửu long ẩn vân) là tác phẩm được vẽ trên trần của chánh điện chùa Diệu Đế từ đầu những năm 1950. Tác phẩm gồm 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần điện và 4 con rồng ở 4 trụ cột trung tâm của chánh điện. Đây là tác phẩm được thực hiện theo phong cách nghệ thuật cung đình xưa, tương tự bức tranh trên trần của lăng Khải Định mà nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh đã thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các sử liệu vẫn chưa xác định được bức bích họa Long vấn khế hội ở chùa Diệu Đế có phải cũng được nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ hay không. Năm 2008, tác phẩm này đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là bức tranh trần lớn nhất Việt Nam. 

“Thần đèn” di dời chánh điện quốc tự Diệu Đế, lưu giữ bức tranh Long vân khế hội - Anh 7

Bức tranh Long vân khế hội nổi tiếng ở chánh điện cũ sẽ được lưu giữ nguyên trạng 

Chùa Diệu Đế từng là nơi tiềm để của vua Thiệu Trị. Sau khi ông lên ngôi, năm 1844, ông đã cho xây dựng và tôn tạo lại, sắc phong nơi đây là quốc tự Diệu Đế. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tu bổ, tuy  nhiên trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến khoảng năm 1887 thì các công trình của chùa Diệu Đế bị triệt giải. Từ năm 1953- 1955, các công trình của chùa được phục hồi và xây dựng lại dưới sự bảo trợ của Từ Cung Thái Hậu, trong đó điện Đại Giác được xây mới và xuất hiện bức tranh Long vân khế hội tồn tại cho đến hiện nay.

Quốc tự Diệu Đế là ngôi chùa có vị trí và cảnh đẹp thơ mộng nổi tiếng ở Huế. Đây cũng là ngôi chùa thường được tổ chức các lễ tắm Phật, rước Phật trong dịp Đại lễ Phật đản hàng năm của xứ Huế.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc