Bản Xiêng Vang nhớ bác Hồ

VHO- Ngày 18.2.1930 trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết: “Chừng 10 hay 15 ngàn người An Nam di cư ở Xiêm và ở Lào… Họ chỉ có thể được tổ chức vào “Hội Ái hữu” với tư tưởng yêu nước và chống đế quốc… Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam nhưng phải quay trở lại”. Ở Lào, Nguyễn Ái Quốc đã đến Xiêng Vang, một bản người Việt thuộc huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn.

Bản Xiêng Vang nhớ bác Hồ - Anh 1

 Một gia đình người Việt ở Xiêng Vang giữ nghề làm bánh gai

 Giữ nghề Việt trên đất Lào

Chúng tôi đến Xiêng Vang, một bản người Việt trên đất Lào thuộc huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn từ sáng sớm một ngày giữa tháng 6.2022. Chị Nguyễn Thị Hà, 42 tuổi, cán bộ phụ nữ Xiêng Vang đón chúng tôi cho biết: Bản hiện nay có 62 hộ với hơn 100 nhân khẩu. So với trước thì số lượng giảm nhiều, phần do tách từ một bản cũ nay thành ba bản mới, phần do nhiều người trẻ ở đây đã đi đến Viêng Chăn, ra Thà khẹc và nhiều vùng quê khác trên đất Lào lập nghiệp.

Trao đổi với chị Hà về đời sống của bà con trong bản Xiêng Vang, chị nói: “Người dân ở đây đời nối đời luôn quý trọng Bác Hồ, hướng về quê hương, Tổ quốc. Ai ai cũng cần cù chăm chỉ, ngoài trồng lúa, chăn nuôi, người Việt ở Xiêng Vang còn làm nhiều nghề phụ với những sản phẩm truyền thống Việt Nam đã có hàng trăm năm trước trên đất Lào như làm bánh gai, bánh phở khô, bánh chưng, lạp sườn”… Bánh phở làm tại Xiêng Vang vẫn giữ lối làm xưa, cắt sợi phở bằng tay, phơi nắng tự nhiên nên được bà con người Lào xa gần ưa chuộng, sản phẩm làm ra thường được các đại lý đến mua ngay tại nơi sản xuất chở đi khắp các chợ trong vùng và sang cả các tỉnh khác. Bánh chưng gói theo đòn như kiểu bánh tét ở Việt. Nhân dân hai bên bờ sông dù thuộc đất Lào hay đất Thái đều thích dùng bánh người Việt ở Xiêng Vang làm mỗi khi có hội, có việc chứ không nhất thiết chỉ là ngày tết…

Được chị Hà giới thiệu, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Vắn - một hộ chuyên làm bánh phở khô. Bà Vắn sinh ở Lào nhưng cha mẹ đều là người từ Quảng Bình sang. Bà nói nhà mình có người ở Viêng Chăn, ở Thà khẹc nhưng bà vẫn chỉ muốn ở Xiêng Vang. Bà mau mắn chỉ và kể cho chúng tôi nghe về những kỷ vật trong lần về Việt Nam, thăm Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, về Nghệ An thăm nhà của gia đình Bác ở Làng Sen… Hướng về ban thờ Bác của nhà mình, bà nói: “Nhà tôi và các nhà trong bản đều có ban thờ Bác. Có lúc tôi đã ngủ mơ thấy Bác về Xiêng Vang. Lễ tết, sinh nhật Bác, ngày Bác mất, mọi người trong bản đến khu tưởng niệm để thắp hương tưởng nhớ Bác. Theo phong tục, chúng tôi mang các loại bánh nhà làm, trái cây trong vườn nhà mình dâng lên Bác”.

Gặp chị Lê Thị Tịa ở Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiêng Vang - một công trình do Nhà nước Lào đầu tư kinh phí trên khu đất rộng hơn 16.000m2 do 13 hộ dân Việt kiều hiến đất ngay chính tại nơi Bác Hồ đã từng bí mật đến hoạt động cách mạng năm xưa, chúng tôi được biết thêm rằng, gia đình chị Tịa đến Xiêng Vang từ lâu, nhà chị có tới 4 đời ở Xiêng Vang và chuyên làm bánh gai. Bản thân chị Tịa được mẹ truyền nghề và tiếp tục làm bánh ngay cả khi lập gia đình ra ở riêng từ hơn 20 năm trước. Hai người con lớn của chị đã có gia đình nhưng vẫn cùng cha mẹ theo nghề làm bánh. Ở Lào, người Việt làm bánh gai chỉ gói một lớp lá chuối khô trong cùng, bên ngoài mấy lớp đều gói bằng lá tươi. Gói bánh phải cẩn thận khéo giữ cho nhân luôn kín trong vỏ bánh mới không thiu. Hấp bánh dùng lửa củi, đủ hai giờ liền từ lúc nước sôi và phải biết cách điều chỉnh lửa bánh mới chín đều và giữ được hương vị trong vài ngày. Chị Tịa cho biết: “Nhớ ơn Bác, mỗi dịp lễ tết, gia đình tôi luôn chọn những chiếc bánh đẹp nhất dâng lên thắp hương trên bàn thờ Bác tại Nhà lưu niệm”.

Khắc ghi hình ảnh Bác trong tim

Ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chưa ai được gặp Bác Hồ song những điều các bà, các chị nhớ về Người luôn in đậm theo lời kể của những người lớn tuổi. Ai ai cũng ghi lòng tạc dạ rằng: “Bác Hồ kính yêu đã có lần đến bản Xiêng Vang của mình”. Khi có nhà trưng bày, các chị đã xem và nói rằng, các tài liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác cho biết rằng những năm 20-30 của thế kỷ trước, Bác Hồ khi đó còn gọi là Nguyễn Ái Quốc đã bí mật đến nước Lào, về sống ở Xiêng Vang với bí danh Thầu Chín. Kiều bào ở Thái hầu hết chỉ biết tên Người là Thầu Chín.

Nhà trưng bày còn giới thiệu những dòng chữ của Bác nói về những hoạt động bí mật ở Lào, về những điều giặc Pháp đã theo dõi để bắt Nguyễn Ái Quốc giúp cho mọi người hiểu thêm những gian khó mà Thầu Chín đã phải chịu đựng. Còn khi nhắc đến các hình ảnh chụp chung giữa “Lung - Bác Hồ Chí Minh” với các “Lung nhày” của cách mạng Lào như “Lung - Bác Cay xỏn Phôm vi hản, Lung - Bác Xu pha nu vông…thì ai ai trong chúng tôi cũng biết các bác đã sát cánh đoàn kết bên nhau vượt qua gian khổ và giành thắng lợi như thế nào? Tất cả đều tự hào rằng Khu tưởng niệm Bác Hồ đã được xây dựng theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào trong đó có Việt kiều ở bản Xiêng Vang, thể hiện sự biết ơn và ghi nhận những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã khai sáng và dày công vun đắp cho quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào.

Các bà các chị cũng cho biết thêm rằng, trong năm 2022 này, người dân Xiêng Vang không chỉ vui mừng khi nhận được sự quan tâm của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào trong việc hoàn thành kế hoạch chỉnh lý nâng cấp Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 10 năm hoạt động, mà bà con ở địa phương còn được tiếp nhận và thực hiện dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Xiêng Vang, công trình thủy lợi lớn nhất cho đến nay của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Chính phủ và nhân dân Lào. Trong tương lai gần, bản Xiêng Vang sẽ ngày càng thêm đổi mới, nhân dân Xiêng Vang ngày càng thêm ấm no hạnh phúc như mong muốn của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời. 

HÀ VI

Ý kiến bạn đọc