Bảo tồn Âm nhạc dân gian Tây Nguyên : Đừng để thanh âm cồng chiêng cứ vắng dần
VHO- Những thanh âm mang hơi thở của núi, của rừng, của sông, của suối… thông qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Tây Nguyên, đã tạo nên các giai điệu tuy mộc mạc đơn sơ nhưng không kém phần trầm hùng, bay bổng, đằm thắm mượt mà...
Cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các nghệ nhân “Báu vật nhân văn sống”
Tuy nhiên, gia tài âm nhạc phong phú, độc đáo ấy đang đứng trước những thách thức gìn giữ và phát huy, biến đổi để thích ứng với xã hội đương đại.
Kho âm nhạc dân gian độc đáo
Tại buổi tọa đàm Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Tây Nguyên có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời - là vùng đất mang đậm nét văn hóa dân gian đa dạng và độc đáo của Việt Nam, hiếm thấy nơi nào có được.
Đồng bào Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho âm nhạc độc đáo, phong phú và “lung linh như ánh sao trời”, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, sáng tác âm nhạc trong và ngoài nước. “Nói đến âm nhạc Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy, với phương thức sản xuất chủ yếu và cơ bản là chọc trỉa; là nói đến một nền văn hóa được ra đời trong xã hội tiền nhà nước, mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thủa mới lọt lòng cho đến lúc về với thế giới Atâu. Trong đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể, truyền miệng của thế giới”. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử”, ông Hoan nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, nhạc sĩ, NSƯT A Đũh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, đã từ bao đời nay, các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc bản địa ở Kon Tum nói riêng như: Ba Na, Xơ Đăng, J’rai, Giẻ Triêng, Brâu... bằng tài năng đã sáng tạo và sở hữu kho tàng văn hóa riêng của mình, trong đó, nghệ thuật âm nhạc vô cùng phong phú, đa dạng, là tài sản vô giá của đồng bào. Theo NSƯT A Đũh, nói đến âm nhạc là nói đến cuộc sống của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, đều gắn với núi rừng, sông suối… Qua lao động họ đã sáng tạo ra những làn điệu cho riêng mình như: Hri Hơ’mon (Hát kể Sử thi) thâu đêm, tiếng cồng chiêng tưng bừng rộn rã trong ngày hội Ăn lúa mới, Uống nước giọt hay Mừng nhà Rông mới, những lúc buồn tiễn đưa người đã khuất...; tiếng T’rưng, Klang Khok, Reng Reo, Ting Gling đang réo rắt trên nương rẫy...; tiếng đàn Ting Ning, Brook Ot, Brook Dông, Đinh Tút, Ding Jơng hay sáo (hol) thầm thì, tình tứ trong những đêm trăng...; tiếng K’long Pút giục giã, gọi mời trong đêm giã gạo; những làn điệu dân ca Hri hơ-nhông, Cheo, hát ru, hát đồng dao, hát khóc hay đối đáp giao duyên bên ché rượu cần...
Bảo tồn kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên là việc làm cấp thiết
Làng không còn rộn ràng tiếng chiêng…
Xưa kia, hầu như tất cả sinh hoạt đời sống hằng ngày của bà con các dân tộc Tây Nguyên đều có sự tham gia của âm nhạc. Tuy nhiên, theo NSƯT A Đũh, giờ đây khi hỏi thăm về sinh hoạt âm nhạc của bà con, về các thể loại nhạc dân ca gần gũi trong sinh hoạt đời thường của bà con ở một số plei, làng như: Hát ru” hay “Ting ting” (đối đáp), một số người chỉ nhớ giai điệu mà không nhớ lời ca, hoặc ngược lại.
Cũng có một số người không biết dân ca của dân tộc mình, nhất là những bạn trẻ. Ở các làng có rẫy đồi không còn vang vọng tiếng T’rưng, tiếng Ting Gling đung đưa hay tiếng sáo bầu du dương nữa. Tối về, trên nhà rông của làng không còn rộn ràng tiếng chiêng của các chàng trai trẻ đến tập luyện hay tiếng vỗ K’long Pút vào những đêm trăng... “Không thể khẳng định là không còn. Có, nhưng rất ít. Rất ít ở đây chủ yếu chỉ tập trung ở các nghệ nhân đều ở độ tuổi chuẩn bị sang bên kia trời đất!”, NSƯT A Đũh trăn trở.
Các nhà nghiên cứu, sưu tầm cũng xót xa cảnh báo về văn hóa nói chung, âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói riêng đã và đang mất dần hoặc biến dạng... Nếu như xem nhẹ, không khẩn trương sưu tầm, ghi chép, ghi âm, ghi hình, thì chắc chắn sẽ rơi vào “thảm cảnh” bị xóa sổ hoàn toàn. Văn hóa dân gian được lưu giữ trong trí nhớ và được truyền miệng, các cụ nghệ nhân ở tuổi 70-80 sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút, khả năng truyền dạy kém, nguy cơ mai một di sản dân tộc ngày càng rõ, vì vậy việc điều tra, sưu tầm, lưu giữ ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Do đó, để bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Tây Nguyên, cần đẩy mạnh tổ chức sưu tầm, ghi chép, ghi âm, ghi hình, biên dịch các diễn xướng thành văn bản bài nhạc, bài hát… để có tư liệu nghiên cứu sáng tác sau này. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc Hội diễn, Liên hoan từ cơ sở đến cấp khu vực, Trung ương và có chế độ chính sách để khuyến khích, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; tổ chức sinh hoạt truyền dạy trên cơ sở chất liệu nhạc, hát...
Nhận định Trường ca, Sử thi là một trong những nét đặc trưng của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, nhạc sĩ Linh Nga Niêkdam cho rằng, ngoài số hóa toàn bộ tư liệu Sử thi đã được sưu tầm trong Dự án “Điều tra sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên”, cần xây dựng một trang web riêng về Trường ca, Sử thi các dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng như xuất bản các trích đoạn dưới dạng sách mỏng, có hình ảnh minh họa màu sắc hấp dẫn, bằng 8 thứ tiếng dân tộc để phát hành về các vùng đã sưu tầm. Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên cần xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các nghệ nhân “Báu vật nhân văn sống” của địa phương mình. Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng thời, các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ bảo tồn được kho tàng âm nhạc Tây Nguyên trong đời sống hiện nay.
THANH NGỌC; ảnh: ITN