Chuyển đổi số báo chí : Xu thế tất yếu
VHO- Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại, phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự sống còn của cơ quan báo chí hiện nay.
Chuyển đổi số báo chí còn chậm, manh mún
Hội thảo khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa được Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) phối hợp cùng Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức đã thu hút đông đảo những nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí…
“Có câu nói vui Trăm đường tránh chẳng khỏi số, kể cả báo chí. Từ thực tế quản lý, chúng tôi nhận thấy các cơ quan báo in sống được bằng bản in ngày càng ít. Nhiều cơ quan báo chí xin giảm kỳ xuất bản, giảm số trang, ghép số đặc biệt, cho thấy một tương lai không sáng sủa lắm, nếu chỉ dựa vào bản in. Không biết sau này chúng ta có thể tìm được thị trường “ngách”, nhu cầu đọc bản in cao cấp ra sao. Còn hiện tại chúng tôi thấy rằng báo chí ngày càng hướng tới không gian số”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhận định.
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và Internet có tác động mạnh mẽ tới báo chí thế giới, báo chí Việt Nam cũng đã chuyển mình. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, tính đến ngày 30.11.2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (báo và tạp chí thực hiện cả hai loại hình in và điện tử là 230; báo chí điện tử độc lập (không có bản in) là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Ngoài ra, có 224 cơ quan báo chí (trung ương 164, địa phương 60) thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có cả những cơ quan báo chí đã có loại hình điện tử...
Đến nay, nhiều cơ quan đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata... Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí. Một số cơ quan khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại.
Bạn đọc dành thời gian nhiều hơn trên không gian mạng, tất yếu báo chí cũng phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, còn có nhiều đơn vị báo chí, nhất là báo ngành, báo địa phương chậm chuyển đổi số vì nhiều lý do khác nhau, trong đó khâu khó khăn nhất là hạ tầng kỹ thuật số, kinh phí và nhân sự. Một số cơ quan đã có đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để báo chí không đứng ngoài cuộc
Cần giải pháp đồng bộ, cách đi phù hợp dựa trên nguồn lực
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số báo chí, truyền thông hiện nay có những thuận lợi, song cũng gặp không ít trở ngại, thách thức đối với các đơn vị trên khía cạnh nhận thức và các điều kiện, nguồn lực phát triển, nên cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục nhằm chuyển đổi số thành công.
Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân: Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ và hành vi của độc giả, khán thính giả… nên báo chí không còn con đường nào khác là chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số. “Chuyển đổi số là vấn đề về con người, tư duy, bởi không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hóa trong tòa soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số”, ông Lê Quốc Minh nhận định. Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân, mỗi cơ quan báo chí nên thực hiện chuyển đổi số theo năng lực của mình.
5 năm thực hiện chuyển đổi số, nhà báo Nguyễn Lê Tân, Giám đốc Trung tâm Nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình VTC cho rằng: Chuyển đổi số không phải những mô hình sao chép theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Chuyển đổi số càng không phải là vung tiền đầu tư những hệ thống công nghệ đồ sộ rồi “hô hoán” lên là chúng tôi đã thành công. Và dứt khoát, chuyển đổi số không thể là những báo cáo nhằng nhịt với kết quả tô điểm bằng trăm view, nghìn like, triệu sub... Bài toán chuyển đổi số không có mô hình chung, mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau, tiềm lực tài chính khác nhau. Nếu bắt chước mô hình của đơn vị khác hoặc nước ngoài sẽ gây ra sự khập khiễng. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần bình tĩnh nhìn vào nguồn lực của mình để lựa chọn cách đi phù hợp nhất.
Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan báo chí. Không phải cơ quan nào cũng sẽ thành công, và đó là điều bình thường, là sàng lọc tự nhiên để giữ lại cơ quan mạnh, có đủ điều kiện hoạt động và phát triển. Vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo nền tảng, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực, nhưng không thể làm thay cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh thay đổi nhận thức, xây dựng thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng, cần tổ chức và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, bản lĩnh nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số báo chí.
TRUNG NGHĨA