TP.HCM: Chọn lĩnh vực nào để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo?

VHO- Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Sở VHTT TP.HCM và các sở, ngành TP về Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo.

TP.HCM: Chọn lĩnh vực nào để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo? - Anh 1

 TP.HCM chọn điện ảnh là một trong 3 lĩnh vực để phát triển thành phố sáng tạo

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, việc phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL thực hiện trong khuôn khổ chương trình hành động của Chính phủ về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ghi nhận sự năng động của TP trong việc khảo sát, phân tích và đánh giá các chỉ số, số liệu về các ngành công nghiệp văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế hoan nghênh TP.HCM trong quá trình chuẩn bị Đề án này đã gửi nhiều tư liệu cho Bộ VHTTDL, trong đó bước đầu thành phố đã chủ động trong việc xác định, nghiên cứu hồ sơ của các thành phố sáng tạo. “Quá trình xây dựng hồ sơ, cần thể hiện lĩnh vực nào phù hợp nhất, là thế mạnh nhất để chúng ta có thể khai thác, điều quan trọng là đặt sự sáng tạo làm trung tâm của mọi chính sách, nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Và đây cũng sẽ là một hoạt động rất thiết thực của TP.HCM trong triển khai kết quả của Hội nghị toàn quốc về văn hóa vừa qua”, bà Hòa cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Võ Trọng Nam, phát triển thành phố sáng tạo là nội dung ngành văn hóa TP rất tâm huyết, hiện đơn vị đang xây dựng rất nhiều đề án, bao gồm: Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030”, Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035”, Đề án “Phát triển ngành Thể dục thể thao TP.HCM đến năm 2035”, Đề án “Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP.HCM giai đoạn từ năm 2020-2030”. Trong những Đề án lớn này, còn có các đề án nhánh, chi tiết theo từng lĩnh vực hoặc giai đoạn, sẽ tạo tiền đề để phát triển thành phố sáng tạo trong thời gian tới. Ông Nam cho biết, dựa trên thế mạnh của mình, TP.HCM đưa 3 nội dung tham gia xây dựng đề án thành phố sáng tạo là nghệ thuật truyền thông, điện ảnh và âm nhạc.

Là đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng đề án, ông Trần Văn Phương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ: “Tôi đặt ra 3 nội dung để có thể phát triển thành phố sáng tạo. Thứ nhất, các ngành chúng ta chọn phải mang tính chất cộng đồng, có sự đồng hành tham gia của người dân. Để thực hiện nội dung này, sự lan tỏa của thành phố sáng tạo góp phần quan trọng đối với tất cả cộng đồng. Thứ hai là yếu tố giáo dục, để tạo ra tầng lớp sáng tạo, thì cần giáo dục trong nhà trường, giáo dục nghề nghiệp và môi trường thực hành. Thứ ba là chính sách văn hóa đô thị, xây dựng thành phố sáng tạo, tạo điều kiện và tạo môi trường đầu tư phát triển, phát huy tính sáng tạo cộng đồng và cá nhân không gian sáng tạo. Bên cạnh đó cần quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ, thực hiện tốt bản quyền…”, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đang đề xuất đưa ra 3 lĩnh vực về truyền thông, điện ảnh và âm nhạc. Cá nhân tôi thấy điện ảnh có nhiều thế mạnh, nếu lựa chọn điện ảnh chúng ta sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể, đồng thời có khả năng chuyển hóa các cơ hội, thúc đẩy hệ sinh thái văn hóa TP, môi trường văn hóa sáng tạo ảnh hưởng đến giới trẻ… Hồ sơ xây dựng sẽ phải là sự đồng lòng của chính quyền TP, cộng đồng sáng tạo và người dân”.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, mục đích việc phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là thúc đẩy giao lưu, sáng tạo, tạo ra kết nối giữa các TP theo chủ đề, theo lĩnh vực, nhằm giúp các TP bước lên tầm vóc toàn cầu, xây dựng thương hiệu. Mạng lưới thành phố sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, phim, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc.

“Định hướng TP.HCM tham gia mạng lưới này, tôi nghĩ có những vấn đề mà TP.HCM cần lưu ý. Đó là công tác xác định lĩnh vực (hiện TP đã xác định rồi) và câu chuyện làm thế nào chuẩn bị hồ sơ đảm bảo kết quả thành công. Giả định như mình thành công, thì việc sử dụng và phát huy thương hiệu này như thế nào, đóng góp cho mục tiêu, chiến lược để TP.HCM trở thành TP toàn cầu, kinh đô văn hóa trong khu vực châu Á”, bà Hường bày tỏ và cho rằng trong việc xây dựng hồ sơ, cần xác định rõ lộ trình để có thời gian chuẩn bị nhưng cũng không nên kéo dài.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc