Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Giúp hàng triệu người hạnh phúc

VHO- Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia dự kiến sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5 này. Tuy nhiên, từ lần dự thảo đầu tiên đến nay, một số chế tài mạnh để hạn chế việc mua bán, tiếp cận với rượu bia đã bị bỏ hoặc làm yếu đi bởi những ý kiến đóng góp từ nhiều cơ quan, bộ, ngành.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: Giúp hàng triệu người hạnh phúc - Anh 1


   Trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế đề nghị quản lý, kiểm soát đồ uống có cồn dưới 15 độ 

Dù Luật ra đời cũng ít tác động và không tạo được thay đổi 
Những ngày vừa qua, những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc người điều khiển ô tô uống rượu bia đã gây rúng động xã hội. Đây không phải là những vụ việc hi hữu, nhưng nó như giọt nước làm tràn li, thức tỉnh mọi người, ban, ngành đoàn thể về tác hại của bia rượu đối với người tham gia giao thông. 
Để không còn xảy ra những cái chết oan uổng, hay sự suy giảm mạnh mẽ lực lượng lao động vì tai nạn giao thông, nhiều ý kiến được đưa ra là cần phải tăng chế tài xử phạt đối với lái xe uống rượu bia tham gia giao thông, thậm chí có người còn cho rằng, kể cả việc lái xe uống rượu bia chưa gây tai nạn cũng phải bị xử lý hình sự... Ở phía doanh nghiệp sản xuất bia thì lách luật, tài trợ cho các hoạt động vui chơi giải trí, sau đó kêu gọi người ta “uống có trách nhiệm”. Như vậy, trách nhiệm của việc uống rượu bia đều bị đổ lên vai người uống. Trong khi đó, vai trò của Chính phủ, Nhà nước là cần một chính sách mạnh để ngăn chặn, hạn chế người tiêu dùng tiếp cận với rượu bia thì đang bị làm yếu đi khi nhiều quy định mạnh mẽ được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã bị “bỏ” đi bởi sự phản đối của nhiều đại biểu Quốc hội, của doanh nghiệp rượu bia. 
Theo số liệu của Cục CSGT (Bộ Công an), bốn tháng đầu năm cơ quan này đã xử lý hơn 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 45% so với cùng kỳ 2018. Điều này một phần ở nguyên nhân việc tiếp cận bia, rượu quá dễ dàng, có thể mua bán, sử dụng rượu bia ở bất cứ đâu hoặc ở bất cứ thời gian nào. Để hạn chế tình trạng này, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đưa ra những quy định về khung giờ bán bia, rượu, cấm bán bia rượu trên internet… Nhưng mấy năm qua, sau mỗi kỳ góp ý kiến xây dựng Dự án Luật, những quy định này đều bị đề nghị bỏ đi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia. Bà Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Giám đốc tổ chức Heath Bridge Canada tại Việt Nam phải thốt lên tại một hội thảo về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia: “Nếu những điểm mạnh bị bỏ đi thì Luật dù ra đời sẽ ít tác động, hầu như không tạo được sự thay đổi”. 
“Về quy định cấm bán rượu bia trên internet, đại biểu Quốc hội đề nghị phải điều chỉnh để phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay cũng như xu thế sử dụng internet đang gia tăng. Vì vậy, Ban soạn thảo đã tiếp thu và bỏ quy định cấm, bổ sung quy định về điều kiện bán trên internet một cách chặt chẽ. Tuy nhiên thực tế các nước trên thế giới cho thấy, dù quy định điều kiện bán rượu bia trên internet chặt chẽ như thế nào thì vẫn còn tình trạng bán rượu cho trẻ em. Vì vậy, theo tôi tốt nhất là cấm được thì rất tốt, sẽ hạn chế được cả quảng cáo và hạn chế được tiếp cận của trẻ em”, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ. 
Một chính sách tốt cứu được hàng vạn người 
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận, vấn đề quản lý quảng cáo và giờ bán, điểm bán rượu bia đã được đưa ra khỏi dự thảo cuối cùng sau cuộc họp với Ủy ban về các vấn đề xã hội ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi báo cáo Chính phủ hôm 3.5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ quan chức năng của Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung nói trên trong dự luật. 
Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, ba phương án quy định về thời gian bán rượu, bia được Bộ Y tế đề nghị giữ lại: Phương án 1 là chỉ được bán từ 11-14 giờ và từ 17-22 giờ hằng ngày. Phương án 2 là chỉ được bán từ 6-22 giờ (trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch). Với phương án 3, thời gian bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ căn cứ yêu cầu thực tiễn công tác phòng chống tác hại của rượu, bia. 
Một điểm nữa, Quốc hội đề nghị thay đổi tên từ “Luật Phòng, chống tác hại rượu bia” sang “Luật Phòng chống tác động có hại và kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ cộng đồng”, Bộ Y tế vẫn bảo lưu quan điểm xuyên suốt là giữ lại tên Luật như trong Dự thảo vì cho rằng tên này quá dài. Hơn nữa, không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ mà thực tế chứng minh tác động rượu bia còn liên quan đến tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục… 
Khẳng định điều này, bà Trần Thị Trang cho hay “thủ phạm” rượu bia gây ra không chỉ tai nạn giao thông thảm khốc mà còn là nguyên nhân gây ra gần 200 loại bệnh, trong đó có nhiều loại ung thư. Chưa hết, rượu bia còn là hệ lụy của rất nhiều tệ nạn xã hội và cũng là nguyên nhân gây suy thoái nền kinh tế do chi phí khắc phục hậu quả vô cùng lớn. Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vợi bớt một phần nỗi đau, có thể kêu gọi cộng đồng thức tỉnh để không còn những hậu quả đau lòng. 
Để mang tính bền vững thì cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững, phải cho mọi người nhận thức được rượu bia không phải là hàng hoá bình thường, mà có cơ chế quản lý chặt chẽ bằng các quy định pháp luật như hàng trăm quốc gia khác đã và đang làm từ vài chục thập kỷ trước. Một hành động đẹp có thể cứu sống một con người nhưng một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người và làm cho hàng triệu người khác hạnh phúc”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh. 

  Đề xuất mức phạt 40 triệu đồng với lái xe vi phạm nồng độ cồn 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ mất ATGT. Theo đó, phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm ở mức 3 (mức cao nhất), có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), đề xuất phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14 - 18 tháng đối với lái xe cónồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ởmức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở mức phạt được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46 (phạt tiền từ2 - 3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng). 
Tại Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng đối với tài xế vi phạm ở mức 3; mức 2 quy định phạt tiền từ7 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng. 
Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ7 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Q.XƯƠNG 

  “Không lái xe khi đã uống rượu bia” 
Từ 7h00 - 10h00 ngày 12.5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sẽ diễn ra sự kiện Đi bộ tập thể nâng cao nhận thức và hành động “Không lái xe khi đã uống rượu bia”. Sự kiện này do nhóm các cựu học sinh THPT toàn Hà Nội khóa 1991 -1994 đồng tổ chức cùng với Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND TP Hà Nội, Báo Giao thông, Nhà hát Kịch Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc không lái xe khi đã sử dụng rượu bia. Chương trình gồm có diễu hành, chơi trò thực tế ảo giả lập say rượu; chụp ảnh con đường lốp… 
Sau sự ra đi của hai phụ nữ trong vụ tai nạn giao thông mà tài xế gây tai nạn đã sử dụng rượu bia tại hầm Kim Liên (Hà Nội), nhóm cựu học sinh này đã kêu gọi cộng đồng không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bằng cách thêm khung hình avatar Facebook, in decal dán với nội dung và các biểu ngữ nhằm thức tỉnh việc Đã uống rượu bia - Không lái xe. Đây là hoạt động cụ thể nhằm tiếp nối việc truyền tải thông điệp trên đến cộng đồng. H.A 

 

QUỲNH HOA 

Ý kiến bạn đọc