Trưng bày " Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”: Sống lại những tháng năm lịch sử
VH- “Với gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản trích, bản viết có giá trị lịch sử, trưng bày “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) sẽ đưa đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ lăng kính chân thực, để nhìn thấy rõ hơn giá trị soi đường, tác dụng định hướng của bản Đề cương lịch sử về văn hóa Việt Nam năm 1943. Những hiện vật “biết nói” ở trưng bày cũng khắc họa rõ nét cống hiến của lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã tiếp nhận các nội dung, tư tưởng của đề cương này...”, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG chia sẻ thông tin về trưng bày chuyên đề “Văn học - Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”, khai mạc ngày 8.6 tại Phòng Trưng bày chuyên đề của Bảo tàng (216 Trần Quang Khải, Hà Nội).
Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Những hiện vật tìm về ký ức
Kỷ niệm 75 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2018), BTLSQG tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn học -Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”. “Đây là Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đề cương nêu rõ những quan điểm, tư tưởng của Đảng đối với các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là ba nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Văn kiện lịch sử này cũng nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc thiết thực cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới- nền văn học cách mạng...”, Giám đốc BTLSQG Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.
Trưng bày tập trung giới thiệu nội dung, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, những nhận xét, đánh giá của học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ; một số văn kiện của Đảng về văn hóa văn nghệ cùng nhiều tài liệu, hình ảnh, kỷ vật... về văn học nghệ thuật thời kỳ 1945-1954 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng.
Với kết cấu chặt chẽ, trưng bày khẳng định những nội dung tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã phản ánh và đáp ứng kịp thời đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng, là định hướng quan trọng cho sự ra đời nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những quan điểm quan trọng về văn hóa trong bản đề cương lịch sử 75 năm trước đã dần được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của các giai đoạn phát triển của cách mạng sau này.
Tạp chí Tiên Phong, Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, số 1 ra ngày 10.11.1945 đăng toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa của Đảng là một nội dung cơ bản của chuyên đề. Nhiều hiện vật, tài liệu giá trị được trưng bày trong phần nội dung này như: Truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp mở đường cho phát xít Nhật vào Đông Dương, năm 1940; Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước ngày 6.6.1941; Báo “Việt Nam Độc lập”, Cơ quan Tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số 1 (101), ngày 1.8.1941...
Những hiện vật, hình ảnh lịch sử tại đây cũng sẽ đưa người xem hồi tưởng lại những năm tháng lịch sử như hình ảnh di tích làng Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội), nơi Hội nghị Thường vụ TƯ Đảng họp từ ngày 25 - 28.2.1943, thông qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo; Tạp chí Tiên Phong số 1 (ngày 10.11.1945) đăng toàn văn “Đề cương về văn hóa Việt Nam”...
“Tác phẩm Nhật ký trong tù với phần ghi chép những suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc là hiện vật đặc biệt tại trưng bày. Điều trùng hợp là, cũng vào năm 1943, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép lại những suy nghĩ của mình thì cũng năm đó, Đảng do Người sáng lập công bố bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Hai sự kiện cùng một thời gian, tuy địa điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung một cội nguồn, một tư tưởng...”, ông Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh.
Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên (từ trái qua phải là Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân)
Văn học nghệ thuật trong tháng năm kháng chiến
Điểm nhấn đặc biệt ở trưng bày là nội dung Văn học- Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954). Các hiện vật, tài liệu được lọc chọn kỹ lưỡng ở mảng nội dung này khẳng định, bản đề cương lịch sử năm 1943 đã soi đường, chắp cánh cho hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo trong những năm tháng kháng chiến gian nan. Vững vàng ý chí, sắc bén tài năng, đội ngũ văn nghệ sĩ luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, phản ánh sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh; kịp thời động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Giai đoạn 1945-1954 vừa là thời kỳ mở đầu, đắp móng xây nền cho văn học mới, vừa là bước chuyển tiếp lịch sử ghi nhận nhiều thay đổi triệt để và sâu sắc, từ quan niệm nghệ thuật cho tới thực tế sáng tác. Những cống hiến của lớp văn nghệ sĩ đầu tiên tiếp nhận nội dung, tư tưởng của Đề cương tuy mới ở mức độ ban đầu nhưng chính sự thay đổi đó đã mang đến một sắc thái độc đáo, làm bừng lên khí thế chưa từng có trong đời sống văn học nghệ thuật của dân tộc.
“Đi theo cách mạng, hòa mình trong bầu không khí chiến đấu sục sôi, những văn nghệ sĩ trong thời kỳ này vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, thực sự trở thành những dũng sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống của họ đã góp phần đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ, củng cố niềm tin vào chiến thắng của dân tộc. Lịch sử thời kỳ này cũng đã ghi nhận sự đóng góp vào nền văn học nghệ thuật nước nhà rất nhiều tác phẩm để đời, mang đậm lý tưởng và chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh; có tác dụng khích lệ tuyên truyền, giáo dục to lớn...”, Giám đốc BTLSQG khẳng định.
Cùng với những bài viết, nhận định sắc bén của các học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ tên tuổi như Đặng Thai Mai, Xuân Trường, Tố Hữu, Mười Hương, Lê Quang Đạo, Như Phong..., công chúng thăm triển lãm cũng tiếp cận với các tư liệu, hiện vật quý như tượng “Chân dung Bác Hồ” của bà Nguyễn Thị Kim, nữ họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên được trực tiếp nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946; thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa tháng 12.1951; thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân – Giám đốc Trường Mỹ thuật Việt Bắc gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17.1.1952...
Một cuộc họp của văn nghệ sĩ ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp
“Nhiều tác phẩm hội họa, ca khúc, nhạc cụ, các sáng tác văn học nổi tiếng của thời kỳ này cũng mang đến cho khách tham quan cảm xúc đặc biệt về một thời kỳ lịch sử khó quên của dân tộc. Khói lửa chiến tranh không át đi những khát khao cống hiến, những sáng tạo miệt mài của lớp văn nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Tranh, tượng của các họa sĩ chiến trường như Diệp Minh Châu, Nguyễn Hiêm; truyện ngắn, tiểu thuyết của các nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài; những bản nhạc để đời của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, cùng các tác phẩm tranh cổ động sục sôi tinh thần xung kích..., tất cả là những minh chứng sống động về một thời kỳ lịch sử đầy dấu ấn, với những áng văn thơ, những tác phẩm nghệ thuật ra đời và tỏa sáng trong khói lửa chiến tranh...” ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Gần 200 tài liệu, hiện vật... tại trưng bày không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ nhìn thấy rõ hơn giá trị soi đường và tác dụng định hướng của Đề cương về văn hóa Việt Nam; tôn vinh cống hiến của lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã tiếp nhận các nội dung, tư tưởng của Đề cương mà còn mong muốn gửi gắm nhiều thông điệp giá trị tới thế hệ hôm nay. Đó là những nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân trong giai đoạn mới, đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tâm Anh