Từ 15.5,Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực: Khẳng định dấu ấn cá nhân nghệ sĩ
VHO- Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa được Chính phủ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15.5.2021. Với nhiều quy định cởi mở, thông thoáng, Nghị định sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét tặng các danh hiệu; đồng thời tôn vinh và khẳng định dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ trong nền VHNT nước nhà.
Nghệ sĩ cải lương Minh Vương đón nhận danh hiệu NSND trong đợt trao tặng danh hiệu lần thứ IX năm 2019
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT này là Nghị định hợp nhất từ Nghị định 89/2014/NĐ-CP và Nghị định 40/2021/NĐ-CP, do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký xác thực văn bản hợp nhất số 1453/VBHN- BVHTTDL mới đây.
Quy định tỉ lệ phiếu thông qua của Hội đồng đạt 80%
Điểm mới nổi bật tại Nghị định này là hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT chỉ cần đạt từ 80% phiếu đồng thuận của thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể được hoàn thiện và chuyển lên hội đồng cấp cao hơn. Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VHTTDL), Nghị định 89/2014/NĐ-CP trước đây quy định tỉ lệ này là 90%. “Tỉ lệ phiếu đồng ý giảm xuống 80% nhưng yêu cầu tại Nghị định mới lại chặt chẽ hơn với quy định 90% thành viên hội đồng phải có mặt khi tổ chức phiên họp, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch ủy quyền. Nghị định 89 chỉ quy định tỉ lệ 75% thành viên Hội đồng có mặt...”, ông Cẩn cho biết.
Nhìn lại quá trình xét tặng danh hiệu trước đây, quy định phải đạt 90% số phiếu của hội đồng đã từng gây nhiều tranh cãi. Đơn cử như vụ việc nghệ sĩ cải lương Minh Vương ba lần “trượt” danh hiệu NSND vì thiếu vài phiếu, không đủ đáp ứng quy định phải đạt 90% phiếu thuận của hội đồng. Sau đó, trên tinh thần không bỏ lọt nhân tài, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lĩnh vực sân khấu đã họp xem xét lại các trường hợp hồ sơ không đủ số phiếu. Nghệ sĩ Minh Vương cuối cùng đã được đón nhận danh hiệu NSND vào đợt trao tặng vào năm 2019.
Quy định mới về một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng cũng là điểm nhấn nổi bật tại Nghị định. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều trường hợp đã tạo dư luận trái chiều trước đây. Một số gương mặt nghệ sĩ tài năng được công chúng mến mộ nhưng lại thiếu các tiêu chí về giải thưởng được quy định tại Nghị định 89 nên không được xét tặng, gây thiệt thòi cho các nghệ sĩ. Theo quy định mới, các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể: Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Ông Phùng Huy Cẩn nhấn mạnh: “Quy định về những trường hợp đặc biệt nhằm tôn vinh những nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà nhưng vì nhiều lý do nên không có đủ các giải thưởng theo quy định. Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt này vẫn phải qua 4 cấp Hội đồng và cuối cùng là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để tôn vinh đúng, trúng, không bỏ sót tài năng có nhiều cống hiến, đòi hỏi các cơ sở phải luôn luôn chủ động và sát thực tế...”.
Khẳng định dấu ấn cá nhân
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng tạo độ thông thoáng về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân. Nếu Nghị định 89 quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở thì Nghị định mới bổ sung thêm quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của nghệ sĩ được tính từ khi cá nhân đủ 18 tuổi, hoạt động nghệ thuật tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở. Sự sửa đổi này nhằm tháo gỡ vướng mắc từ nỗi lo không đủ bằng cấp đối với trường hợp các nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật mang tính truyền nghề.
Nhiều tiêu chuẩn khác về xét tặng NSND, NSƯT cũng được thay đổi theo hướng có lợi hơn cho nghệ sĩ. Thay vì quy định thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng với nghệ sĩ xiếc, múa là 15 năm trở lên mới được xét tặng danh hiệu NSND như trước đây, Nghị định mới giữ nguyên về số năm nhưng cho phép tính cộng dồn. Tức là nghệ sĩ có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc ngắt quãng, miễn là đảm bảo số năm theo quy định. Quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cho cá nhân được xét tặng danh hiệu NSƯT cũng được cộng dồn như vậy.
Tại Nghị định mới, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được quy định theo hướng tôn vinh, khẳng định dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ. Theo đó, nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND đã được tặng danh hiệu NSƯT và sau đó phải có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng cá nhân); hoặc có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng cá nhân). Đối với xét tặng danh hiệu NSƯT, quy định nghệ sĩ đạt một trong các tiêu chí: Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng cá nhân); có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng nhân); hoặc có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng cá nhân).
Ông Cẩn cho biết thêm, sau khi có hiệu lực chính thức vào ngày 15.5.2021, Bộ VHTTDL sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định. Hiện dự thảo Kế hoạch đang được xin ý kiến các đơn vị chuyên môn, dự kiến sẽ triển khai trong đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ X.
TÂM AN