Kiên quyết loại trừ tiêu cực trong bóng đá

VHO - Làng bóng đá Việt Nam những ngày cận tết Giáp Thìn đã rúng động vì tin 5 cầu thủ CLB Bà Rịa - Vũng Tàu bị công an khởi tố bị can để điều tra về hành vi đánh bạc. Trước hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến bóng đá nước nhà, ban lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ xử lý nghiêm, nhằm răn đe, loại trừ hành vi tiêu cực.

Kiên quyết loại trừ tiêu cực trong bóng đá - Anh 1

 Từ vụ việc 5 cầu thủ ca CLB Bà Rịa - Vũng Tàu, bóng đá Việt Nam sẽ xử lý nghiêm, để loại trừ hành vi tiêu cực trong bóng đá, ảnh minh họa Ảnh: CLB BRVT

Xử lý nghiêm

Dự luận bóng đá Việt Nam có một phen sôi sục trong ngày 1.2 khi cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can gồm: N.S.H. (SN 1994, trú tại tỉnh Đồng Tháp, vị trí thủ môn), L.B.G.H. (SN 2002, trú tại tỉnh Thanh Hóa, vị trí tiền vệ), P.V.P. (SN 2004, trú tại tỉnh Hải Dương, vị trí tiền đạo), N.Q.H. (SN 2004, trú tại tỉnh Đồng Nai, vị trí tiền vệ) và T.K.A (SN 2004, trú tại tỉnh Bến Tre, vị trí tiền vệ) về hành vi đánh bạc theo Điều 321, Bộ luật Hình sự. Các quyết định này đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Cả 5 đối tượng trên là cầu thủ của CLB bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, trong trận đấu giữa CLB Bà Rịa - Vũng Tàu và CLB SHB Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Giải bóng đá hạng nhất Quốc gia mùa 2023-2024 diễn ra ngày 24.12.2023, tại SVĐ Bà Rịa, 5 đối tượng trên đã bàn bạc thống nhất đá dưới sức. Sau đó, các đối tượng này đặt cược cho CLB SHB Đà Nẵng thắng trên các website cá độ bóng đá. Kết quả trận đấu, CLB SHB Đà Nẵng thắng CLB Bà Rịa - Vũng Tàu với tỷ số 3-1.

Tiếp nhận thông tin từ phía cơ quan chức năng, Ban lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định xử lý nghiêm bằng các hình thức chấm dứt hợp đồng lao động với các cá nhân sai phạm theo quy định. Ngoài ra, CLB luôn thiện chí hợp tác và cung cấp những chứng cứ trong khả năng nhằm phục vụ việc điều tra của cơ quan chức năng. “CLB bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu nói không với tiêu cực trong bóng đá. CLB cứng rắn trong việc xử lý những cá nhân, tập thể gây ảnh hưởng đến thương hiệu đội bóng nói riêng cũng như nền bóng đá Việt Nam nói chung. Tập thể CLB Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đấu tranh để giữ gìn và phát triển nền bóng đá nước nhà ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp và hội nhập. CLB xin được gửi đến quý khán giả, người hâm mộ bóng đá lời cảm ơn vì đã luôn đồng hành bên cạnh đội bóng, cùng nhau hành động vì những trận cầu đẹp mắt và công tâm”, Ban lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Trước vụ việc này, VFF đã thể hiện quyết tâm loại trừ hành vi tiêu cực trong bóng đá. Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cho biết, VFF đã chỉ đạo Công ty VPF và Ban tổ chức giải trao đổi với lãnh đạo CLB Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như yêu cầu đội bóng có báo cáo chi tiết về sự việc. “Những tài liệu liên quan sẽ được chuyển tới Ban chức năng của VFF để xem xét và sớm thông báo quyết định xử lý. VFF khẳng định kiên quyết loại trừ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam. VFF luôn đặc biệt chú trọng xây dựng nền bóng đá phát triển bền vững và trong sạch. Bên cạnh đó, trước mỗi mùa giải, công ty VPF và Ban tổ chức giải đều yêu cầu các CLB và các thành viên tham gia giải ký cam kết phòng chống tiêu cực. Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp được bổ sung sửa đổi hằng năm, quy định kỷ luật, cũng như điều lệ giải đều có quy định về phòng chống tiêu cực”.

Bài học từ quá khứ

Trước vụ việc 5 cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu, bóng đá Việt Nam từng nhiều lần điêu đứng vì những vụ bán độ, dàn xếp tỷ số. Những cầu thủ dính “phốt” đã làm xấu hình ảnh của đội bóng, ĐTQG, thậm chí có những người vướng vào vòng lao lý, mất cả sự nghiệp. Minh chứng rõ nét nhất là vụ bán độ tại SEA Games 23 năm 2005 tại Philippines của nhóm các cầu thủ Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh và Châu Lê Phước Vĩnh trong màu áo đội U23 Quốc gia. Những cầu thủ trên đã trả giá rất đắt bằng cả sự nghiệp của mình, họ vướng vào lao lý để rồi không bao giờ rửa sạch vết nhơ.

Vào năm 2014, nhóm cầu thủ của CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và dàn xếp tỷ số tại AFC Cup. Cũng trong năm 2014, nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai đã tổ chức đánh bạc theo hình thức tài - xỉu trong trận đấu lượt về V.League giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh. Năm 2019, 11 cầu thủ của U21 Đồng Tháp đã gây chấn động dư luận khi tham gia vào vụ bán độ ở vòng loại U21 Quốc gia. Tất cả đều đã nhận những hình phạt thích đáng.

Đó đều là bài học rất lớn cho các cầu thủ đã, đang và sẽ theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, cũng như lãnh đạo các đội bóng và các ĐTQG. Do vậy mà trong những năm qua, VFF và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong công tác phòng chống tiêu cực, đảm bảo an ninh, an toàn tại các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức và điều hành. Qua đó đã góp phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng một nền bóng đá phát triển bền vững, tạo nên sân chơi lành mạnh, giàu tính cạnh tranh và cống hiến, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của khán giả trong và ngoài nước. Mới nhất, ngày 14.6.2023, VFF và Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong Bóng đá giữa VFF và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an. Việc ký kết Quy chế phối hợp là cơ sở để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và VFF với mục tiêu đẩy mạnh công tác giáo dục, đấu tranh tiến tới loại bỏ các hành vi có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam. 

 VĨNH HẢI

 

Ý kiến bạn đọc