CLB bóng đá TP.HCM: Vì sao bị​ "đe dọa khai tử"?

VH- Câu chuyện công văn “dọa” giải tán CLB TP.HCM, do nhà đầu tư không được hưởng những quyền lợi đi kèm khi bỏ tiền tài trợ đội bóng mau chóng được xác minh có thực từ người trong cuộc. Dù đã phủ nhận bằng thông tin không giải thể, nhưng thêm một lần nữa người ta thấy được sự mong manh tồn tại của bóng đá TP.HCM.

CLB bóng đá TP.HCM: Vì sao bị​ 

 Công văn của Công ty Bình Minh gửi cơ quan chức năng

Sự trùng hợp ngẫu nhiên?

CLB TP.HCM không ngần ngại tiết lộ để duy trì đội bóng sau 7 năm trở lại sân chơi V.League, họ đã tốn mất 150 tỉ đồng/2 mùa. Một con số khiến nhiều người bất ngờ, nhưng với giới chuyên môn đây không là điều ngạc nhiên để nuôi CLB ở thành phố vốn có tiếng đắt đỏ và dẫn đầu cả nước về kinh tế.

Công văn do Công ty TNHH đầu tư bất động sản Bình Minh phát đi một tuần, trước khi nó bị vỡ lở bởi người trong cuộc. Và càng không hiểu sao nó lại trùng với thời điểm tin tức được “xì” ra giới truyền thông, thì buổi sáng cùng ngày, Ban lãnh đạo CLB đã họp với 2 cái tên được họ thuê về để điều hành CLB thời gian tới là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng và bà Mae Mua - người từng được biết đến là số 1 về môi giới cầu thủ trong quá khứ với kinh nghiệm hơn 2 thập kỷ làm bóng đá.

Lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM cũng xác nhận, công văn Công ty TNHH đầu tư bất động sản Bình Minh đệ trình lên UBND TP.HCM vàcác Sởngành liên quan là có thật và cũng trong buổi sáng đó, CLB cũng báo cáo với vị lãnh đạo này về buổi họp và có thông tin cho giới truyền thông biết. Từ chỗ tưởng chừng trùng hợp nhưng liên kết các sự kiện, nó đều lô-gíc đến bất ngờ. CLB TP.HCM sau đó ra thông cáo báo chí về chuyện phủ nhận sẽ giải thể đội bóng và họ thậm chí sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới vì đội bóng là của người dân địa phương.

Tuy nhiên, có viện giải lý lẽ nào đi nữa, những người hiểu chuyện không khỏi ngao ngán về cách tồn tại của đội bóng. CLB bóng đá TP.HCM bị "đe dọa khai tử", đơn thuần vì nhà đầu tư chán nản chuyện mình không được giải quyết những lợi ích về kinh tế đúng hẹn như đã thỏa thuận ban đầu từ phía thành phố. Số tiền họ bỏ ra không ít nên họ nóng ruột và có lý khi đòi hỏi quyền lợi lẽ ra đã thuộc về mình. Lấy kinh phí để tái đầu tư cho CLB là không sai, tuy nhiên cách sở hữu này không khác một dạng “con tin” bóng đá. Tức là người ta dọa sẵn sàng bỏ của chạy lấy người, khi quyền lợi không được giải quyết thỏa đáng.

CLB bóng đá TP.HCM: Vì sao bị​ 

 Liệu CLB TP.HCM (trắng) có tồn tại sau hơn 20 ngày nữa?

TP.HCM có phi lnh đất béo bở?

CLB TP.HCM vốn hoạt động không hề có lãi, chỉ toàn chi và chi. Không doanh nghiệp nào “ấm đầu” sẵn sàng đầu tư cho bóng đá thời điểm hiện tại, mà không được đổi lại hợp đồng béo bở nào. Và vì nhà sở hữu CLB vốn mang tiếng của nhân dân TP.HCM nên khi doanh nghiệp “la làng”, đương nhiên UBND TP phải tìm cách hạ nhiệt. Đây không phải là lần đầu tiên, các doanh nghiệp dùng đội bóng của họ làm “con tin” để mặc cả với thành phố. Ngay cả tiền thân CLB TP.HCM khi xuống hạng cách đây 8 năm, họ cũng một thời kêu thấu trời xanh để được ủng hộ tiền duy trì đội bóng. Sau đó, cả Navibank Sài Gòn hay XMXT.Sài Gòn cũng đến Sài Gòn mang tiếng làm bóng đá, nhưng tất cả cùng tháo chạy trong đôi ba năm khi không được “xơ múi” những mảnh đất béo bở mà họ mong muốn.

Những Navibank Sài Gòn hay XMXT.Sài Gòn khác biệt ở chỗ họ mang mác nhập khẩu từ nơi khác đến, không phải mang hộ khẩu gốc Sài thành như CLB TP.HCM. Và trong hoàn cảnh thành phố phồn hoa nhất đất nước mang tiếng vùng trắng bóng đá trong nhiều năm liền, lãnh đạo thành phố cũng phải suy nghĩ rất nhiều để chọn TP.HCM là đại diện của bóng đá Sài thành. Đơn giản bởi như đã thấy, CLB Sài Gòn vốn tiền thân là đội bóng Hà Nội của ông bầu Đỗ Quang Hiển. Bầu Hiển vì nhiều lý do cũng đang buông xuôi dần Sài Gòn, ông rút hàng loạt cầu thủ chất lượng về Hà Nội FC. Sẽ không ngạc nhiên khi trong tương lai gần, Sài Gòn cũng như Navibank Sài Gòn hay XMXT. Sài Gòn, CLB TP.HCM vì thế có giá hơn.

Tuy nhiên, dù vẽ ra những dự án “đao to búa lớn” như hợp tác với các CLB hàng đầu thế giới như Juventus, Barcelona, bản chất tồn tại của CLB TP.HCM cũng không chắc chắn trong mắt CĐV. Bởi lẽ nếu thực sự muốn đầu tư về chuyên môn, 150 tỉ đồng 2 mùa giải qua sẽ không đổi bằng chuỗi thành tích nghèo nàn như thế. So với mùa giải trước, mùa giải năm nay dù đầu tư số tiền khổng lồ, CLB TP.HCM vẫn trượt dài trên bảng tổng sắp với vị trí trong nhóm cuối. Chi tiêu không cần nghĩ cho các ngoại binh, đến giờ TP.HCM chỉ có một cầu thủ ngoại lành lặn, nhưng lại thiếu chuyên môn. Ngoại binh tiền tỉ khác Gonzalo không chấn thương, không đăng ký thi đấu nhưng vẫn nhận lương đều do chưa thể nhập tịch. Đội hình đăng ký đầu mùa gần 30 con người, chưa đến kỳ chuyển nhượng giữa mùa nhưng giờ TP.HCM đã lo sốt vó. Họ thậm chí đã ký hợp đồng ghi nhớ với ngoại binh người Brazil mới mức lương khổng lồ 25.000 USD/tháng (hơn 500 triệu đồng).

Nhìn số tiền “khủng” người làm bóng đá thành phố đầu tư cho CLB có mác địa phương này và so với thành tích đã có, chắc chắn đó là bài toán thất bại về hiệu quả kinh tế. Nhưng có lẽ nó cũng chẳng đáng bận tâm khi hai bên đã “chốt” xong khoản lợi ích bù lại.

  CLB bóng đá TP.HCM bị "đe dọa khai tử", đơn thuần vì nhà đầu tư chán nản chuyện mình không được giải quyết những lợi ích về kinh tế đúng hẹn như đã thỏa thuận ban đầu từ phía thành phố.

 VÂN LINH

 

Ý kiến bạn đọc