Thêm động lực phấn đấu

VHO - Thể thao Việt Nam nhận tin vui trong những ngày đầu tháng 4 khi đô cử Trịnh Văn Vinh giành suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở hạng cân 61 kg nam môn cử tạ. Đây được xem là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho nhiều VĐV ở các bộ môn khác sẽ nỗ lực phấn đấu, cống hiến hơn nữa để mang về thêm cho thể thao nước nhà những suất tham dự Thế vận hội mùa hè năm nay

Thêm động lực phấn đấu - Anh 1

 Suất dự Olympic của Trịnh Văn Vinh là nguồn động viên tinh thần cho VĐV ở các bộ môn khác nỗ lực phấn đấu mang về thêm cho thể thao nước nhà những suất tham dự tiếp theo Ảnh: TAM NINH

 

 Không từ bỏ

Cử tạ là một trong những môn được kỳ vọng sẽ mang về thêm cho thể thao Việt Nam suất dự Olympic Paris 2024. Thực tế trong một năm qua, các đô cử Việt Nam không ngừng nỗ lực tập luyện và thi đấu với sự kiên định, không từ bỏ mục tiêu tại các sân chơi quốc tế, đặc biệt là những giải có tính điểm Olympic. Sau khi chưa có suất tại vòng loại châu Á hồi tháng 2 ở Uzbekistan, đội tuyển cử tạ Việt Nam đặt quyết tâm cao tại Cúp thế giới ở Thái Lan, bởi đây là cơ hội cuối cùng của cử tạ Việt Nam để giành suất dự Thế vận hội năm nay. Những niềm hy vọng hàng đầu như Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Trần Anh Tuấn (61 kg nam), Phạm Đình Thi (49 kg nữ), Quàng Thị Tâm (59 kg nữ) hay Phạm Thị Hồng Thanh (71 kg nữ) đã thi đấu rất cố gắng, trong đó Trịnh Văn Vinh là người xuất sắc hơn cả khi đạt tổng cử 294 kg (cử giật 131 kg, cử đẩy 163 kg) và lọt vào top 9 trên bảng xếp hạng Olympic. Kết quả này giúp lực sĩ của Việt Nam trở thành một trong 10 cái tên có suất chính thức tới Olympic Paris 2024 ở hạng cân 61 kg nam.

Trịnh Văn Vinh cũng giúp cử tạ Việt Nam có lần thứ sáu liên tiếp góp mặt tại đấu trường Olympic, trước đó là Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (năm 2021), Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tuấn Tài (năm 2016), Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thúy (năm 2012), Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thiết (năm 2008) và Nguyễn Thị Thiết (năm 2004). Trong số này, Hoàng Anh Tuấn giành HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ Olympic London 2012, qua đó giúp cử tạ trở thành đội tuyển giàu thành tích thứ hai của thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội, sau bắn súng (1 HCV và 1 HCB).

Việc giành suất dự Olympic là thành quả ngọt ngào từsự nỗ lực không ngừng của Trịnh Văn Vinh. Đô cử sinh năm 1995 này từng phải trải qua án cấm thi đấu 4 năm (từ tháng 2.2019 đến tháng 2.2023) vì doping. Trịnh Văn Vinh đã trải qua những tháng ngày rất khó khăn, thậm chí đã từng có ý định giải nghệ. Nhưng giấc mơ Olympic còn dở dang, vì đam mê nên đã giữ anh ở lại với thảm đấu cử tạ. Bằng sự cố gắng rất lớn, ý chí kiên định không từ bỏ của mình, Trịnh Văn Vinh đã trở lại, anh thi đấu ấn tượng tại các giải tính điểm Olympic Paris như giải vô địch thế giới ở Saudi Arabia hồi tháng 10.2023, giải Grand Prix ở Qatar tháng 12.2023, vòng loại châu Á và đặc biệt là Cúp thế giới trong năm nay.

Cơ hội và thử thách

Với thành tích của Trịnh Văn Vinh, Thể thao Việt Nam hiện tại đã có được 6 suất dự Olympic Paris 2024, trước đó là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Huy Hoàng (bơi) và Võ Thị Kim Ánh (quyền anh). Tất nhiên, người hâm mộ thể thao nước nhà mong chờ con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Hành trình “săn vé” đến Paris mùa hè năm nay của thể thao Việt Nam được dự báo vẫn sẽ còn lắm gian nan, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất nhiều của các VĐV, HLV tại các đội tuyển. Có thể nói, thành công của Trịnh Văn Vinh mới đây sẽ là “liều doping tinh thần” rất lớn cho các VĐV ở các bộ môn, tiếp tục cố gắng tập luyện, thi đấu trong giai đoạn nước rút quan trọng này.

Thể thao Việt Nam hiện tại gần như sẽ có thêm một suất dự Olympic Paris 2024 từ môn cầu lông, khi tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang có được một vị trí vững chắc trong top đầu các VĐV đủ điều kiện đến Paris vào mùa hè năm nay. Tay vợt quê Phú Thọ vừa kết thúc chuyến du đấu tại châu Âu với thành tích nổi bật là ngôi á quân giải Đức mở rộng thuộc hệ thống Super 300. Thành tích này giúp Thùy Linh đang xếp thứ 16/34 tay vợt nữ đủ điều kiện đến Paris. Dù vậy, mục tiêu chính của tay vợt nữ số 1 Việt Nam là phấn đấu lọt vào top 14 để được xếp hạt giống tại Thế vận hội mùa hè tới. Cơ hội sẽ đến với Thùy Linh nếu cô thi đấu tốt ở giải vô địch châu Á tại Trung Quốc, khởi tranh vào ngày 9.4. Một tay vợt khác cũng đang cố gắng tranh suất là Lê Đức Phát khi anh đang xếp thứ 34 - vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng các tay vợt nam đủ điều kiện đến Paris. Cơ hội để Đức Phát có suất chính thức cũng đầy thử thách, đòi hỏi anh sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.

Trong tháng 4 này, các đội tuyển khác của Thể thao Việt Nam cũng bước vào những chuyến tập huấn, thi đấu quan trọng cho mục tiêu giành suất dự Olympic. Dự kiến, đội tuyển Rowing sẽ đến Hàn Quốc dự vòng loại Olympic châu Á từ ngày 15.4. Đây là giải đấu quyết định kết quả chung cuộc giành vé Olympic Paris. Đội tuyển bắn cung sẽ tham dự lượt đầu giải World Cup 2024 - sân chơi có tính điểm thành tích cho tranh chấp vé Olympic Paris, diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc) từ ngày 23-28.4. Đội tuyển Canoeing cũng sẽ tham dự vòng loại Olympic châu Á ở Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 18-21.4.

Trong khi đó, đội tuyển bắn súng với 10 xạ thủ vừa kết thúc chuyến tập huấn tại Hàn Quốc đã trở về nước và sẽ lên đường sang Brazil tham dự vòng loại Olympic từ ngày 10-21.4. Mục tiêu của đội là suất thứ ba tham dự Thế vận hội. Đội tuyển bơi với 2 VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyễn cũng đang nỗ lực thi đấu tại giải các nhóm tuổi Thái Lan - sân chơi được xếp chuẩn Olympic. Cùng với đó, đội tuyển bóng bàn với 4 tay vợt Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng, Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh đang tập huấn dài hạn tại Nam Ninh (Trung Quốc) và sẽ thi đấu vòng loại Olympic châu Á từ ngày 6-8.5 ở Bangkok (Thái Lan). 

VĨNH HY

 

Ý kiến bạn đọc