Thể thao Việt Nam năm 2024: Chuyển mình để bước vào đấu trường lớn
VHO- Thể thao Việt Nam vừa khép lại năm 2023 bằng cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc có truyền thống lên tới 45 năm. Các gương mặt xuất sắc của thể thao Việt Nam đã được vinh danh sau một năm miệt mài cống hiến, tỏa sáng để rồi lại cùng nhau luyện rèn cho một năm mới đầy hy vọng.
Sau một năm bộn bề, Thể thao Việt Nam đang hướng tới mục tiêu bước vào đấu trường lớn trong năm nay Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Những gam màu sáng
Danh sách 10 VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2023 đã cho thấy xu hướng chuyển mình tích cực và định hướng của thể thao Việt Nam là tập trung vào các môn Olympic, Asian Games để tiếp cận gần hơn tới đấu trường châu lục và thế giới. Vị trí đầu tiên trong top 10 VĐV và được xem là VĐV tiêu biểu nhất trong năm 2023 là xạ thủ Phạm Quang Huy của môn Bắn súng. Đây là môn Olympic và cũng là môn có thành tích rực rỡ nhất với chiếc HCV Olympic vào năm 2016. Bắn súng cũng là môn phù hợp với thể trạng, tầm vóc của người Việt Nam nên được xác định là một trong những môn trọng điểm đầu tư cho đấu trường Asian Games và Olympic.
Sau một năm miệt mài thi đấu, gây dấu ấn với 4 tấm HCV SEA Games, chân chạy Nguyễn Thị Oanh về đích ở vị trí thứ 2 trong cuộc bầu chọn. Ngoài Nguyễn Thị Oanh, Điền kinh còn có thêm bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền được góp mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu ở vị trí thứ 7. Với chiếc HCV châu Á, cua rơ Nguyễn Thị Thật cũng góp mặt ở vị trí thứ 3 và 2 chiếc HCĐ Asian Games 19 đưa kình ngư Nguyễn Huy Hoàng xếp ở vị trí thứ 4. Lọt vào top 20 tay vợt xuất sắc nhất thế giới, Nguyễn Thùy Linh có mặt ở vị trí thứ 5. Xuất sắc mang về chiếc HCB đầu tiên trong lịch sử của thể dục dụng cụ nam Việt Nam, Nguyễn Văn Khánh Phong có mặt ở vị trí thứ 6. Cùng đồng đội đoạt HCV Asian Games ở môn cầu mây, Trần Thị Ngọc Yến có mặt ở vị trí thứ 8; giành vé dự Olympic Paris 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh góp mặt ở vị trí thứ 9 và Bao Phương Vinh (billards) góp mặt ở vị trí thứ 10 nhờ chức vô địch thế giới năm 2023.
Như vậy trong danh sách 10 VĐV tiêu biểu thì có tới 8 VĐV của 6 môn có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic là bắn súng, điền kinh, xe đạp, bơi, cầu lông, thể dục dụng cụ và 2 VĐV của 2 môn có trong chương trình thi đấu của Asian Games là cầu mây và billiards. Điều đó chứng tỏ thể thao Việt Nam đã phát triển đúng định hướng, đó là ưu tiên các môn thể thao có trong chương trình thi đấu của Asian Games và Olympic. Đồng thời lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp để tiến ra đấu trường châu lục và thế giới. Sự thành công của nhóm VĐV thuộc các môn thể thao trọng điểm cũng cho thấy tính hiệu quả trong việc đầu tư, chăm bẵm của thể thao Việt Nam. Và đây cũng sẽ tiếp tục là nhóm môn được thể thao Việt Nam kỳ vọng vào thời gian tới mà trước mắt sẽ là đấu trường Olympic, tổ chức vào năm nay, tại Thủ đô Paris (Pháp).
Phấn đấu từ 12 - 15 suất dự Olympic Paris 2024
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt cho biết, qua rà soát, phân tích thực trạng, hiện thể thao Việt Nam có khoảng 30 VĐV tranh chấp suất tham dự Olympic ở các môn là điền kinh, thể thao dưới nước, bắn súng, cử tạ, xe đạp, cầu lông, boxing, taekwondo, thể dục dụng cụ, đua thuyền, cầu lông. Ở đấu trường Asian Games, chúng ta hiện có từ 8-10 VĐV có khả năng tranh chấp HCV ở các môn: Bắn súng, cầu mây, karate, thể dục dụng cụ, cờ tướng, taekwondo, wushu, xe đạp.
“Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam sẽ phấn đấu giành từ 12 - 15 suất tham dự Đại hội. Tuy nhiên chúng ta cũng đang đối mặt với một số khó khăn như chấn thương nhẹ ở vai của VĐV Huy Hoàng; các VĐV đua thuyền mặc dù rất mạnh về thuyền nhẹ và thuyền đơn nhưng cũng sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ châu lục; điền kinh đặt hi vọng ở nội dung 4x400m nhưng Nguyễn Thị Huyền giải nghệ, các VĐV điền kinh trẻ thành tích vẫn còn hạn chế. Ở môn boxing, niềm hi vọng là Nguyễn Thị Tâm cũng đang gặp chấn thương. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số môn có lợi thế như đấu kiếm còn 3 giải để tranh suất dự Olympic, đại diện của Cử tạ là Trịnh Văn Vinh đang nằm trong top 10 thế giới hay ở môn cầu lông, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang đứng ở vị trí thứ 15 tại vòng loại Olympic và tiếp tục nỗ lực cải thiện lên thứ hạng 12 để được xếp hạng hạt giống nhằm tiến sâu hơn”, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.
Quá trình chuẩn bị cho Olympic vào năm nay cũng sẽ được xem là nhiệm vụ liên thông để thể thao Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho mục tiêu giành từ 5 - 6 HCV tại Asian Games 2026. Hy vọng “vàng” tập trung ở các môn thể dục dụng cụ, bắn súng, xe đạp, đua thuyền, taekwondo, cầu mây, wushu, karate… Tại các kỳ SEA Games 2025, 2027, 2029, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giữ vị trí trong top 3 toàn đoàn và top 2 đối với các môn Olympic. Thể thao Việt Nam cũng đặt mục tiêu tận dụng cơ hội thi đấu tại SEA Games để phát triển lực lượng chuẩn bị cho Olympic và Asian Games.
Để thực hiện các mục tiêu này, Cục Thể dục thể thao đề ra nhóm giải pháp để thực hiện. Đó là quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo VĐV. Tập trung, tập huấn ngay từ đầu năm cho các VĐV tham dự vòng loại Olympic 2024, cũng như các Đại hội thể thao quốc tế trong năm 2024 và liên thông các sự kiện thể thao quốc tế các năm tiếp theo, đồng thời chuẩn bị tốt cho đội tuyển bóng đá nam, nữ tham dự các sự kiện bóng đá quốc tế. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về TDTT với các tổ chức thể thao quốc tế, với các quốc gia, vùng lãnh thổ; chú trọng hợp tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao cho Olympic, Paralympic 2024; đẩy mạnh xã hội hóa về TDTT nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao…
Hy vọng với chiến lược bài bản và khoa học, với sự cố gắng, quyết tâm của các HLV, VĐV, thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục thành công các đấu trường lớn mà trước mắt sẽ là Olympic Paris 2024.
THU SÂM