Đề xuất đưa võ cổ truyền vào trường học, trình UNESCO là Di sản văn hóa của nhân loại

VHO - Sau hai ngày thảo luận, Hội thảo “Các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” do Bộ VHTTDL phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức đã kết thúc ngày 4.8.

Đề xuất đưa võ cổ truyền vào trường học, trình UNESCO là Di sản văn hóa của nhân loại - Anh 1

Đoàn chủ trì điều hành Hội thảo

Hội thảo tập trung vào các nhóm giải pháp gồm: Chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam; tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và hiệu quả hoạt động của liên đoàn/hiệp hội võ cổ truyền Việt Nam. Hội thảo thống nhất: Cần ổn định tổ chức của các liên đoàn võ cổ truyền từ trung ương đến địa phương; phấn đấu đưa võ cổ truyền Việt Nam vào hệ thống thi đấu SEA Games; lập hồ sơ để nghị ghi danh võ cổ truyền Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội thảo cũng đề ra nhiều giải pháp để phát triển võ cổ truyền trong trường học. Theo TS. Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, bà đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy màn đồng diễn võ thuật đẹp mắt ở sân trường phổ thông. Từ đó bà đã tìm hiểu cách đưa võ dân tộc vào trong trường học của Hàn Quốc và đề ra các giải pháp đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học.

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Loan, giải pháp trước tiên là chúng ta phải có giáo trình đồng bộ, phù hợp với các đối tượng học sinh, sinh viên. Kinh nghiệm ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, loại hình nghệ thuật truyền thống cho thấy để có đội ngũ thầy cô giáo có đủ trình độ giảng dạy thì cần phải có một quá trình đào tạo, không thể một sớm, một chiều. Với việc phát triển võ cổ truyền cũng vậy, rất cần đến đội ngũ các võ sư có trình độ chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm. Muốn xây dựng được đội ngũ này thì các địa phương cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đội ngũ được xem là “hạt nhân” trong việc gây dựng phong trào võ cổ truyền này có điều kiện phát triển.

Đề xuất đưa võ cổ truyền vào trường học, trình UNESCO là Di sản văn hóa của nhân loại - Anh 2

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đề xuất các giải pháp phát triển võ cổ truyền Việt Nam cho học sinh tiểu học khu vực phía Bắc, TS. Mai Tú Nam, Trưởng khoa HLTT trường Đại học sư phạm TDTT Hà Nội cho rằng, giải pháp thứ nhất là cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của học sinh về vai trò, tác dụng của việc tập luyện võ cổ truyền; động viên khuyến khích đông đảo học sinh tham gia tập luyện võ cổ truyền.

“Chúng ta cần thành lập các CLB võ cổ truyền cho học sinh trong từng khối, lớp và hướng dẫn tổ chức hoạt động. Thứ ba, triệt để khai thác hiệu quả sử dụng các công trình, trang thiết bị thể thao hiện có, đồng thời thường xuyên cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho võ cổ truyền”, TS. Mai Tú Nam nói và chỉ ra, nên hình thành và phát triển hệ thống thi đấu võ cổ truyền ở các khối, lớp, CLB ở cấp trường thường xuyên tổ chức các đội tuyển tham gia thi đấu các giải đấu bên ngoài trường. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên giáo dục thể chất, có chế độ chính sách thoả đáng đối với giáo viên, học sinh tích cực tham gia hoạt động TDTT và phát triển võ cổ truyền Việt Nam…

Trong khi đó, ông Phạm Đình Phong, Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam đề xuất, Bộ VHTTDL sớm tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan để triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ ban hành về việc tổ chức nghiên cứu, bảo tồn, tôn vinh, đào tạo, phục hưng nền võ học Việt Nam nói chung và võ cổ truyền dân tộc nói riêng, trong đó tập trung nghiên cứu phục dựng lại ngôi Võ Miếu của TP Hà Nội, công nhận võ học dân tộc là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa đại diện nhân loại.

Đề xuất đưa võ cổ truyền vào trường học, trình UNESCO là Di sản văn hóa của nhân loại - Anh 3

Ông Phạm Đình Phong, Viện Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam trình bày ý kiến tại Hội thảo

Ngoài ra, đề nghị Bộ VHTTDL, Cục TDTT xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành các đội tuyển võ dân tộc cấp kinh phí tập luyện quanh năm tương tự như các đội tuyển võ ngoại: Taewondon, Karate, Pencat Silat… để vừa nâng cao trình độ đỉnh cao, vừa làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế… Chưa kể, cần có các giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững, nhất là đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các nhà thi đấu, trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn, truyền bá mang tầm quốc gia và quốc tế.

Về gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa trong tổ chức thi đấu môn võ cổ truyền Việt Nam, theo ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định, trong thời gian qua, sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, qua việc ngày càng nhiều võ đường, CLB võ cổ truyền được thành lập và phát triển rộng khắp trong cả nước. Nhiều VĐV võ cổ truyền tham gia thi đấu các bộ môn Võ thuật khác nhau như Kickboxing, Muay, Wushu, Boxing, Pencaksilat, và mới nhất là bộ môn Kun Bokator đạt được nhiều thành tích cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó không biết từ khi nào đã nảy sinh việc huấn luyện lệch về 1 mảng đối kháng hoặc biểu diễn hội thi. Giáo trình huấn luyện của đối kháng không có sự kết nối từ nền tảng chuyên môn của hội thi và ngược lại. Điều này vô hình trung việc đào tạo huấn luyện CVT đối kháng của chúng ta không khác gì các môn như Kickboxing, Boxing, Muay…

Đề xuất đưa võ cổ truyền vào trường học, trình UNESCO là Di sản văn hóa của nhân loại - Anh 4

Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định Bùi Trung Hiếu 

Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định đưa ra một số giải pháp mang tính chất gợi ý nhằm góp phần bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới. Đầu tiên, là tạo sự kết nối giữa võ cổ truyền đối kháng và hội thi chính là gìn giữ nét đặc trưng, văn hoá của võ cổ truyền Việt Nam. Kế tiếp là số hoá trong công tác quản lý chuyên môn và phân cấp hệ thống các giải đấu góp phần nâng cao việc phòng chống tiêu cực trong thể thao. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống quản lý trình độ chuyên môn các võ sinh từng cấp thông qua cấp mã số định danh chuyên môn cho võ sinh, góp phần nhận diện từng võ sinh ngay từ ban đầu; số hóa quản lý chuyên môn đối với võ sinh, VĐV; rà soát hồ sơ nhân sự và đánh giá trình độ chuyên môn bằng mã định danh; cần thiết phải xây dựng hệ thống thi đấu các giải theo đúng cấp độ có sự ràng buộc về chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên…

THU SÂM - PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc