Những tấm gương vượt khó
VHO- SEA Games 32 là một kỳ đại hội khó khăn với thể thao Việt Nam không chỉ bởi nước chủ nhà bỏ đi nhiều môn, nội dung thế mạnh của chúng ta mà cái nắng nóng tại Campuchia cũng là thử thách lớn với các VĐV trong việc sinh hoạt, tập luyện và thi đấu.
Lê Thị Tuyết vượt qua cái nắng nóng và vấn đề của cơ thể để giành HCB nội dung khắc nghiệt nhất của điền kinh
Nhưng vượt lên tất cả, các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam mà tiêu biểu là các VĐV nữ, đã và đang vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu với sự quyết tâm, tinh thần cao nhất, mang lại vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Không từ bỏ mục tiêu
Lê Thị Tuyết, cô gái chỉ cao 1m46, nặng chưa đầy 38 kg từng làm ngỡ ngàng giới điền kinh trong nước khi giành HCV Marathon, phá kỷ lục tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. Và trong lần đầu tiên dự SEA Games, cô gái quê Phú Yên đã xuất sắc đoạt tấm HCB Marathon 42 km nữ. Tranh tài với những đối thủ có thể hình và sải chân tốt hơn đến từ Philippines, Indonesia hay Thái Lan, cộng thêm cái nắng “cháy da, cháy thịt” ở Campuchia, nhưng Lê Thị Tuyết đã thi đấu rất nỗ lực, dù có lúc cô dẫn đầu từ km 31 nhưng cuối cùng không thể chiến thắng VĐV của Indonesia. Tấm HCB này là rất đáng được ngợi khen nhưng người ta sẽ khâm phục Tuyết nhiều hơn với cái cách mà cô vượt qua khó khăn để giành nó. Do đang trong thời kỳ gặp vấn đề về “sức khỏe” nên Tuyết không thể bung hết sức. Do vậy mà chân chạy 19 tuổi đã bị VĐV Indonesia rút thắng ở những km cuối.
Đồng đội của Tuyết ở nội dung này là Nguyễn Thị Ninh, dù không giành huy chương nhưng đã khiến khán giả cổ vũ trên đường chạy phải thán phục với ý chí của mình. Sau khi dốc hết sức qua vạch đích, Ninh khuỵu xuống và phải nhờ tới sự hỗ trợ của bộ phận y tế, cho thở oxy, chườm đá làm mát cơ thể. “Có chết tôi cũng phải về đích”, Nguyễn Thị Ninh nói như vậy sau khi lấy lại sức. Có thể thấy Ninh đã làm tất cả, quên bản thân mình để không phải bỏ cuộc. Đó chính là tinh thần Việt Nam, sức mạnh của niềm tự hào dân tộc trong thể thao.
Ở môn Jujitsu, Đặng Thị Huyền đã nén đau để vượt qua võ sĩ Singapore, giành tấm HCĐ hạng cân 52 kg. Chỉ vài phút trước đó, Huyền đã gặp chấn thương tay và phải bỏ cuộc trong trận đấu với võ sĩ Philippines. Sau khi giành HCĐ, Huyền đã nhờ y tế chườm đá, cố định lại cánh tay vì quá đau.
Chiến đấu vì màu cờ sắc áo
Trương Thảo Vy, một trong bốn cô gái mang lại tấm HCV lịch sử cho môn bóng rổ 3x3 cũng đã nén đau vì chấn thương gặp phải ở trận bán kết để thi đấu chung kết và cùng các đồng đội làm nên chiến tích cho bóng rổ nước nhà. Chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau trận bán kết mệt rã người trước Indonesia, Thảo Vy cùng các đồng đội bước vào chung kết với Philippines có nhiều cầu thủ to cao. Ấy thế mà các cô gái Việt Nam đã không cho thấy dấu hiệu mệt mỏi, họ vượt qua áp lực bằng bản lĩnh và sự nỗ lực, để rồi có chiến thắng ngoạn mục. “Đã có một hai người gặp chấn thương từ trận bán kết. Khi thi đấu chung kết, đội cũng gặp nhiều khó khăn trước các VĐV to cao của Philippines nhưng chúng em đã vượt qua. Mỗi lần các cổ động viên hô vang “Việt Nam vô địch” trên khán đài là chúng em lại càng quyết tâm, luôn tự nhủ lòng phải chiến đấu vì màu cờ sắc áo”, Thảo Vy chia sẻ.
Chiến đấu vì màu cờ sắc áo, đó cũng là mục tiêu để kình ngư 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền, người có thân hình nhỏ nhất ở tuyển bơi và là VĐV nhỏ tuổi nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 giành tấm HCĐ tại nội dung 100m tự do. Thúy Hiền tiết lộ rằng mình thi đấu 8 nội dung tại SEA Games năm nay, dù có chút lo sợ khi đối thủ đều là những VĐV cao to, kinh nghiệm hơn rất nhiều nhưng với sự nỗ lực, lòng quyết tâm và hơn hết là vì màu cờ sắc áo, em đã vượt qua để mang huy chương về cho bơi Việt Nam.
Quay ngược thời gian năm 2019 - SEA Games 30, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ sau khi giành HCV Marathon 42 km nữ đã phải lên xe cấp cứu, thở bằng oxy, cô đau đớn do chuột rút toàn thân, cơ thể co cứng vì kiệt sức khiến nhiều người rớt nước mắt. Cũng tại kỳ SEA Games này, trung vệ Chương Thị Kiều của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dù chân trái rơm rớm máu, phải quấn hai miếng băng trắng toát nhưng cô đã nén đau, vào sân thi đấu để cùng các đồng đội vượt qua Thái Lan, giành tấm HCV quý giá. Tại SEA Games 31, Nguyễn Thị Oanh đã giành 3 HCV cho điền kinh Việt Nam. Để có được thành tích đó, Oanh đã trả những năm tháng dài đằng đẵng với bao khó khăn, thách thức từ căn bệnh viêm cầu thận. Nhưng bằng nghị lực phi thường và khát khao cống hiến, “Oanh ỉn” đã trở lại đường đua, lập biết bao chiến công cho thể thao Việt Nam. Và mới đây thôi, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn này tiếp tục làm rạng danh điền kinh Việt Nam khi giành HCV nội dung 5.000m tại SEA Games 32.
Có thể nói, các cô gái trên đều những tấm gương của nghị lực phi thường trong thể thao, là đại diện cho sức mạnh tinh thần của người phụ nữ Việt Nam, đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cùng những điều tốt đẹp đến tất cả mọi người.
NGỌC LÝ