Công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng

VHO-Chiều 18.4, Tổng cục TDTT đã tổ chức buổi họp trao đổi thông tin với báo chí về quá trình chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam cho SEA Games 32 và ra mắt APP thể thao Việt Nam.

Đây là kỳ SEA Games nhiều áp lực

Tại buổi họp, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt và đại diện các Vụ, đơn vị chức năng đã trả lời các câu hỏi về quá trình chuẩn bị của Đoàn Thể thao Việt Nam cho SEA Games 32; công tác Doping chuẩn bị cho Đại hội; có hay không việc Đoàn Thể thao Việt Nam phải cắt giảm VĐV do thiếu kinh phí?

Công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng - Anh 1

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT-Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 Đặng Hà Việt trả lời câu hỏi của báo chí

Trả lời các câu hỏi liên quan đến quá trình chuẩn bị và thi đấu của Thể thao Việt Nam tại SEA Gams 32, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games) sẽ diễn ra từ ngày 5 -17.5 tại thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia, bao gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep. SEA Games 32 sẽ tổ chức 608 nội dung của 48 môn và phân môn thể thao. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự 31 môn, 446 nội dung. Hiện công tác chuẩn bị đang trong quá trình hoàn tất, đây là giai đoạn nước rút quan trọng trước ngày lên đường, các VĐV đã sẵn sàng tham dự Đại hội.

Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 gồm 1.003 thành viên do Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt làm trưởng đoàn, cùng 2 Phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục TDTT và ông Ngô Ích Quân, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II. Ngoài 1 Trưởng đoàn và 2 Phó đoàn, Đoàn Thể thao Việt Nam còn có thành phần gồm 31 cán bộ, 31 bác sỹ, 37 lãnh đội, 10 chuyên gia, 189 HLV và 702 VĐV. Mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam là phấn đấu có mặt trong top 3 các nước tham dự Đại hội với 90-120 HCV. 

Công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng - Anh 2

Ấn nút khai trương App thể thao

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cũng nhấn mạnh, đây là kỳ Đại hội mà thể thao Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức bởi chúng ta đã có một kỳ SEA Games 31 thành công vang dội, với nhiều kỷ lục được phá, đoạt 205 HCV, dẫn đầu Đại hội, để lại dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, được nhân dân đánh giá cao. “Áp lực đến từ việc chúng ta đang là nước đứng đầu của Đại hội nhưng kỳ này lại thi đấu trên sân khách nên sẽ mất đi lợi thế sân nhà. Cùng với đó là việc nước chủ nhà cắt giảm nhiều môn, nội dung thế mạnh; hạn chế việc đăng ký thi đấu ở khá nhiều môn. Tuy nhiên với tinh thần cộng đồng trách nhiệm của ASEAN, Thể thao Việt Nam sẽ nỗ lực thi đấu đạt thành tích tốt nhất, góp phần vào thành công chung của Đại hội, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, giao lưu, hữu nghị giữa các nước ASEAN”, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Không có chuyện cắt giảm VĐV vì thiếu kinh phí

Công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng - Anh 3

Cuộc họp được tổ chức vào chiều 18.4, tại Tổng cục TDTT

Trả lời câu hỏi về việc có hay không việc VĐV bị cắt giảm do thiếu kinh phí, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết, từ trước đến nay, vấn đề kinh phí dành cho Đoàn Thể thao Việt Nam luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và điều chỉnh theo từng nhiệm vụ. Chẳng hạn như tại SEA Games 28, Đoàn Thể thao Việt Nam có 570 thành viên; tại SEA Games 29, Đoàn có 693 thành viên; tại SEA Games 30, Đoàn gồm 857 thành viên và tại SEA Games 32 là 1.003 thành viên. Vì thế kinh phí sẽ được điều chỉnh, cân đối theo số lượng. Đây là việc cần phải làm trước mỗi kỳ Đại hội. Tại các kỳ Đại hội trước, ngoài thành phần Đoàn đi theo kinh phí Nhà nước, cũng có nhiều thành viên của Đoàn đi theo các nguồn kinh phí xã hội hoá, do các Liên đoàn, Hiệp hội mạnh có khả năng chi trả như lần là Hiệp hội Thể thao điện tử chi kinh phí cho đội Esports và đội Breaking. Ngoài ra với những VĐV trẻ, có tiềm năng nhưng chưa có khả năng tranh chấp huy chương thì cũng có thể đi theo các nguồn xã hội hoá khác.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cũng cho biết, SEA Games là đấu trường để các VĐV đến để tranh chấp huy chương vì thế chúng ta không thể lãng phí ngân sách của Nhà nước. Với trường hợp các VĐV trẻ cần học hỏi, cọ xát, hoàn toàn có thể đi bằng kinh phí địa phương hoặc kinh phí xã hội hoá. Năm nay Thể thao Việt Nam có tới 7 Đại hội, ngoài SEA Games, chúng ta còn tham dự ASEAN Para Games, Asian Games, Đại hội Thể thao võ thuật trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á nên việc cân đối nguồn lực, cân đối ngân sách là việc bình thường. Và trước mỗi kỳ Đại hội, các đội tuyển đều phải rà soát lại lực lượng, dựa trên phong độ, tình trạng chấn thương để lựa chọn các VĐV ưu tú nhất đại diện cho Thể thao Việt Nam tranh tài tại Đại hội. Vì thế danh sách ban đầu và danh sách gút lại sẽ có sự khác nhau.

Ông Hoàng Quốc Vinh – Phó trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 cũng cho biết thêm, theo Hiến chương SEA Games, chúng ta cũng sẽ phải đăng ký danh sách sơ bộ trước 1 năm rồi gút lại danh sách cuối cùng trước 1 tháng. Vì thế nên danh sách đầu tiên và danh sách cuối cùng có sự khác biệt là điều dễ hiểu.

Công tác Doping đã được tiến hành bài bản

Về công tác Doing cho SEA Games 32, Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam Nguyễn Văn Phú cho biết, để chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32, trong tháng 3 vừa qua, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã phối hợp với 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống Doping và cửcán bộ đồng hành cùng các Trung tâm để tuyên truyền, kiểm soát công tác phòng, chống Doping cho hơn 500 VĐV, HLV.

Công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 đã được tiến hành chu đáo, kỹ lưỡng - Anh 4

Giám đốc Trung tâm Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam Nguyễn Văn Phú trả lời các câu hỏi về Doping

Nội dung tuyên truyền phòng, chống Doping là về quy trình kiểm tra Doping và những điểm cần lưu ý; Khai báo hồ sơ nơi ở, nơi tập luyện và thi đấu của VĐV. Đối với HLV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia, nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về kiểm tra Doping, quy trình kiểm tra Doping và những điểm cần lưu ý. Cán bộ quản lý và y tế đã được nghe về các quy định miễn trừ do điều trị và quy trình khi nộp hồ sơ xin miễn trừ do điều trị cho VĐV. Tại SEA Games 31, Việt Nam đã trực tiếp thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra Doping theo đúng quy định gồm 911 mẫu kiểm tra, 25 đợt truyền thông hướng dẫn phòng, chống Doping tại các địa điểm thi đấu, hơn 300 buổi làm việc của 36 tổ kiểm tra Doping, hàng chục buổi họp trực tiếp và online của các Hội đồng Y học và Kiểm tra Doping Đông Nam Á. Vì thế, từ kinh nghiệm của SEA Games 31, công tác kiểm tra Doping cũng sẽ được tiến hành kỹ lưỡng tại SEA Games này.

Ông Phú cũng cho biết, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã trình lãnh đạo Tổng cục TDTT về việc phối hợp tổ chức truyền thông phòng, chống Doping tại Lễ xuất quân Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32, dự kiến tổ chức vào tối ngày 19.4, tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội. Địa điểm tổ chức sẽ là khu vực lối vào khán đài, nơi tập trung các thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam trước Lễ xuất quân. Tại đây các VĐV sẽ được phát tài liệu hướng dẫn các quy định phòng, chống Doping trong thể thao, các quy trình thực hiện kiểm tra Doping tại SEA Games 32, các nội dung cần khai báo trong hồ sơ liên quan tới việc kiểm tra Doping VĐV cần phải thực hiện. Các chuyên gia Doping cũng sẽ trao đổi thông tin trực tiếp với HLV các đội tuyển thuộc Đoàn thể thao Việt Nam, trao đổi giải pháp cho VĐV các vấn đề liên quan tới công tác kiểm tra Doping tại các Đại hội thể thao theo quy định của Tổ chức phòng, chống Doping thế giới.

Về vấn đề công bố danh sách các VĐV dương tính với Doping tại SEA Games 31, ông Phú cho biết, theo quy định Tổ chức phòng chống Doping thế giới sẽ thông báo về các trường hợp này trước khi SEA Games 32 khởi tranh

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc