Tỏa sáng tinh thần người phụ nữ

VHO- Hôm nay 8.3 tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), giải xe đạp nữ quốc tế Biwase Cup sẽ khởi tranh đúng vào dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3. Đây là sân chơi lớn nhất trong năm xe đạp nữ Việt Nam và là ngày hội của các nữ cua-rơ trong khu vực và châu lục.

Tỏa sáng tinh thần người phụ nữ - Anh 1

 Khó khăn, thử thách và những nguy hiểm rình rập trong xe đạp là rất nhiều nhưng các nữ cua-rơ luôn có một tinh thần kiên định, biết vượt qua khó khăn để trở thành những người chiến thắng trên đường đua Ảnh: V.THUẬN

Giải năm nay sẽ thi đấu 10 chặng với lộ trình dài hơn 1.100 km qua các cung đường đầy nắng, gió của Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đó vừa là thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội cho các nữ cua-rơ thi thố tài năng, thể hiện tinh thần thể thao, tỏa sáng, vượt qua những trở ngại để trở thành người chiến thắng.

Thử thách khó nhằn

Trong lần thứ 13 được tổ chức, Biwase Cup chào đón sự trở lại của các tay đua quốc tế sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh. Cũng nhờ thế mà giải năm nay ghi nhận những con số kỷ lục, từ số lượng các cua-rơ (hơn 100) đến số đội đua quốc tế (7) và trong nước (11). Từ Kazakhstan, Đài Bắc Trung Hoa đến các đội trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, từ An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương đến các đội lần đầu dự tranh như Lào Cai, Thanh Hóa, Quân khu 7… tất cả hội tụ tại Biwase Cup và tạo nên ngày hội xe đạp dành riêng cho các nữ cua-rơ. Càng ý nghĩa hơn khi đây được xem là giải đấu tập huấn, tạo sự chuẩn bị cho các cua-rơ trong nước để hướng đến 2 giải đấu quan trọng trong năm nay là SEA Games 32 và Asiad 19.

Với thông điệp “Tỏa sáng tinh thần người phụ nữ”, giải đấu năm nay không chỉ là cơ hội để các “bóng hồng” tranh nhau “đua nở” trên đường đua mà còn là dịp để các nữ cua-rơ thể hiện ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó để chiến thắng bản thân, vượt qua những khó khăn. Đó cũng là sự cổ vũ, khích lệ tinh thần cho “những cô gái thép” vì trước mắt họ sẽ là thử thách rất lớn trên yên “con ngựa sắt”. Với các nam cua-rơ, việc phải thi đấu liên tiếp 10 ngày trên một lộ trình dài hơn 1.100 km đã là khó khăn chứ đừng nói đến phái yếu. Chưa kể các cung đường tại giải sẽ đi qua những khúc cua, nhiều con dốc, đèo, trong đó thử thách lớn nhất là đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, đèo Mimosa (Lâm Đồng) và đèo Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Không những thế, thời tiết tại Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ - nơi đoàn đua sẽ đi qua vào thời điểm này thời tiết khá khắc nghiệt, trời nắng nóng, đặc biệt các cung đường biển tại Ninh Thuận, Bình Thuận hay BàRịa - Vũng Tàu đang có gió, điều này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn cho các nữ cua-rơ.

Tổng Thư ký Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, Biwase Cup là một trong những Tour đấu khắc nghiệt nhất trong khu vực. Để trở thành những người chiến thắng, giành các danh hiệu áo vàng, áo xanh, áo chấm đỏ, áo trắng tại giải, ngoài chuyên môn tốt thì các tay đua phải có sự nỗ lực trong thi đấu, ý chí kiên định, tinh thần vượt khó, dám đương đầu với thử thách.

Không lùi bước

Xe đạp đường trường là một trong những môn thể thao gian khổ và nguy hiểm. Môn thể thao tốc độ này thi đấu trong điều kiện đặc thù nắng, gió, mưa, sương mù… qua những con dốc, đèo, khúc cua luôn rình rập nguy hiểm. Để theo đuổi và sống được với nghề, đòi hỏi các cua-rơ phải thật sự đam mê, dám đương đầu với nguy hiểm, gian nan và đau đớn về thể xác sau những lần “đo đường”. Với các nữ cua-rơ, việc theo nghề cũng đồng nghĩa họ chấp nhận thử thách, chịu thiệt thòi và đánh đổi nhiều thứ. Có lẽ khi nhắc đến Nguyễn Thị Thà, nhiều người sẽ còn tiếc nuối cho sự nghiệp của cua-rơ này khi cô gặp tai nạn tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 ở Hoà Bình. Cú ngã mạnh khiến cô bất tỉnh tại chỗ, gãy 4 xương sườn, dập thận và sau đó phải giã từ đường đua ở tuổi 19.

Một khi đã trót yêu “con ngựa sắt”, các nữ cua-rơ phải chấp nhận hy sinh nhan sắc và cả tuổi thanh xuân. Với đặc thù phải thi đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên hầu hết các nữ cua-rơ có làn da cháy nắng, chưa kể những vết sẹo trên tay, chân, mặt khi tiếp xúc với nắng sẽ thâm đen, người tập lâu năm bắp chân sẽ to làm vơi đi vẻ nữ tính… VĐV xe đạp vốn tập huấn và thi đấu nhiều nên ít có thời gian để yêu đương và bên cạnh người thân. Với những tuyển thủ quốc gia thường xuyên thi đấu các giải quốc tế và tập huấn xa nhà, họ cũng phải chịu thiệt thòi nhiều hơn các đồng nhiệp. Điển hình như nhà vô địch SEA Games 30 và 31 Đinh Thị Như Quỳnh. Để có được những huy chương lấp lánh, hằng năm cô phải chấp nhận xa nhà, xa chồng, con nhiều tháng trời để tập huấn và thi đấu. Như Quỳnh kể rằng, có những lúc rất nhớ con chỉ muốn về nhà nhưng vì xe đạp, vì đam mê, vì vinh quang của thể thao nước nhà mà cô kìm nén nỗi nhớ để đồng hành cùng niềm đam mê.

Nhưng đâu chỉ có vậy, sau khi dành phần lớn tuổi thanh xuân theo nghề, các nữcua-rơ phải đối mặt việc khólập gia đình. Nhưng khi lập được gia đình rồi thì làm sao đểvừa thi đấu, vừa làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹlại càng vất vảhơn. Như 2 cựu tuyển thủ Nguyễn Thùy Dung hay Nguyễn Phan Thùy Trang, trước khi lấy chồng đều là những cua-rơ hàng đầu Việt Nam nhưng khi lập gia đình rồi, họ phải hy sinh sự nghiệp để ở nhà làm hậu phương.

Khó khăn, thiệt thòi đủ thứ nhưng có rất nhiều nữ cua-rơ đã, đang và sẽ trong hành trình dấn thân theo đuổi môn tốc độ đầy gian truân này. Và cũng nhờ thế mà xe đạp Việt Nam mới có “những cô gái thép”, những người chấp nhận hy sinh thầm lặng để làm phát triển hơn bộ môn xe đạp nước nhà. Dịp 8.3, chúc cho các “bóng hồng” đang thi đấu tại giải quốc tế Biwase “chân cứng đá mềm”, luôn vững tay lái để “đi đến nơi về đến chốn” và có một giải đấu thành công. 

 NGỌC LÝ

Ý kiến bạn đọc