Chuẩn bị tốt nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32
VHO- Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam vừa tổ chức vào chiều 1.3 là bàn bạc về công tác chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia tranh tài tại các Đại hội lớn mà trước mắt sẽ là SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12, tổ chức vào tháng 5 và tháng 6 tại Campuchia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các Liên đoàn, Hiệp hội huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ tốt nhất cho các VĐV
Dự kiến thành phần đoàn khoảng 1.000 người
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, Thể thao Việt Nam sẽ tham gia tranh tài tại SEA Games 32 với thành phần dự kiến là 1.000 người. Thông tin mới nhất từ nước chủ nhà cho biết, SEA Games 32 sẽ tổ chức 36 môn với 581 nội dung thi đấu. Theo dự kiến ban đầu, Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 30 môn thể thao với 542 nội dung thi đấu. Ông Trần Đức Phấn cho biết, TP.HCM vừa có công văn đề nghị được tham dự môn Cricket bằng kinh phí xã hội hóa. Vì thế nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 31/36 môn thể thao.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân, trong những năm gần đây phong trào Cricket đã phát triển ở thành phố mang tên Bác. Với mong muốn phát triển thêm một môn thể thao còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam, nhưng lại có lịch sử lâu đời trên thế giới đồng thời phục vụ nhu cầu tập luyện, giải trí, nâng cao sức khỏe của người dân thành phố nên Sở VHTT TP.HCM đã có công văn gửi Tổng cục TDTT về việc này. Việc tham dự Đại hội cũng sẽ giúp cho các VĐV Cricket TP.HCM có cơ hội học hỏi, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thi đấu ở đấu trường tầm cỡ khu vực. Dự kiến TP.HCM sẽ cử đoàn VĐV môn Cricket với thành phần gồm 40 người do Trưởng đoàn Nguyễn Đăng Khánh dẫn đầu cùng 5 HLV, 1 chuyên gia, 2 săn sóc viên tham gia tranh tài tại Đại hội.
Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cũng cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Tổng cục TDTT đã rà soát toàn bộ số lượng môn theo thông báo của ban tổ chức SEA Games 32, làm việc cụ thể với từng bộ môn, ban huấn luyện các đội tuyển để rà soát quá trình chuẩn bị cho Đại hội. Dự kiến thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 sẽ gồm khoảng 1.000 người. Đây là kỳ SEA Games, nước bạn tổ chức tại 5 địa điểm, trong đó địa điểm chính là thủ đô Pnôm Pênh. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để phân bổ cán bộ Đoàn và có sự chuẩn bị tốt nhất cho các đội tuyển.
Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho biết, công tác chuẩn bị cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ VHTTDL
Huy động các nguồn lực để động viên tinh thần thi đấu
Tại Đại hội lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn như nhiều môn, nội dung thế mạnh bị bỏ hoặc cắt giảm; nước chủ nhà cũng hạn chế số lượng tham dự ở khá nhiều môn, phân môn; tình trạng nhập tịch VĐV ở nhiều đoàn thể thao trong khu vực. Căn cứ vào thực lực và phân tích các đối thủ, Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến có thể đoạt được từ 90-120 HCV, có mặt trong tốp 3 của Đại hội.
Theo phân tích của các chuyên gia, 3 nước cạnh tranh vị trí dẫn đầu tại SEA Games 32 sẽ là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên cũng không loại trừ các ẩn số thú vị đến từ đoàn Malaysia, Singapore. Ngoài ra đó còn là khả năng chủ nhà Campuchia sẽ có sự bứt phá tại kỳ Đại hội này với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa vào chương trình thi đấu nhiều nội dung thế mạnh có số lượng lớn huy chương như: Kunkhmer (19 nội dung), Võ cổ truyền Campuchia (21 nội dung).
Chiều 1.3, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam. Tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với báo cáo tổng kết năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ủy ban Olympic Việt Nam. Một số ý kiến đề nghị xác định cơ chế phối hợp giữa Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam; giữa Tổng cục TDTT và các Liên đoàn, Hiệp hội... Dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng cho rằng Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội cần phải “đúng vai, thuộc bài” thì mới phát huy hiệu quả trong điều hành công việc. Bộ trưởng cho biết, trong 2 năm qua lĩnh vực văn hóa đã thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Ngành Thể thao giờ cũng phải thay đổi theo hướng chuyển từ tư duy làm thể thao sang quản lý nhà nước về TDTT. “Phải thay đổi tư duy, làm thể thao phải đi từ gốc chứ không cắt ngọn”, Bộ trưởng yêu cầu. |
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, Đoàn thể thao Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ VHTTDL. Đặc biệt trong những ngày qua niềm vui nối tiếp niềm vui khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đàm phán thành công để các tổ chức thể thao quốc tế hỗ trợ cho thể thao Việt Nam. Ngày 31.1, đánh dấu thời điểm quan trọng khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đàm phán thành công để Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế hỗ trợ cho 100 VĐV xuất sắc của các môn thể thao có cơ hội được tuyển chọn sang Hàn Quốc tập huấn. Đối tác của Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế cũng đã treo các mức thưởng khủng là 1 triệu USD cho 1 chiếc HCV, 500.000 USD cho 1 HCB và 200.000 USD cho 1 HCĐ Olympic Paris 2024. Gần đây nhất, Bộ trưởng đã đàm phán thành công với Liên đoàn Bơi thế giới (FINA) để FINA hỗ trợ cho 4 VĐV Việt Nam tập huấn tại nước ngoài với các HLV giỏi. Sau quá trình thương thảo, mà nói như Chủ tịch Hiệp hội thể thao dưới nước Nguyễn Đức Hạnh là “tấn công” liên tục của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng với phái đoàn cấp cao của OCA và FINA, cũng đã giúp cho Thể thao Việt Nam nhiều khả năng nhận được tài trợ để nâng cấp Cung thể thao dưới nước tại Hà Nội.
Những tin vui liên tiếp đó đã động viên, khích lệ tinh thần tập luyện và thi đấu của các VĐV Việt Nam. Đang cùng đội tuyển bơi tập huấn tại Hungary, VĐV xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam năm 2022 Nguyễn Huy Hoàng như reo qua điện thoại: “Nếu được FINA hỗ trợ như thế thì các VĐV sẽ có cơ hội được tập huấn, cọ xát tại các nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy việc đoạt huy chương Olympic là rất khó khăn nhưng mức treo thưởng này sẽ tạo động lực để chúng tôi cùng cố gắng nỗ lực tập luyện, đạt thành tích cao nhất. Mong rằng thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, toàn xã hội và các tổ chức quốc tế để có thể đạt thành tích cao hơn nữa tại các đấu trường quốc tế. Riêng tôi, tôi sẽ nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu đoạt huy chương tại đấu trường lớn nhất châu lục trong năm nay là Asian Games 19, tổ chức tại Trung Quốc và phấn đấu cho mục tiêu đoạt 3 HCV SEA Games 32 tại Campuchia”.
Đặc biệt tại Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành Thể thao phải có sự chuẩn bị tốt nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games và ASEAN Para Games. Việc chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 31 cũng sẽ là cơ sở, nền tảng xuyên suốt nhằm chuẩn bị lực lượng cho Asian Games 18 và Olympic 2024. Bộ trưởng gợi mở, ngành thể thao cần kiến nghị gì với Ủy ban Olympic, các Liên đoàn, Hiệp hội về các công tác chuẩn bị cho Đoàn, từ lực lượng, chuyên môn, vận động tài trợ thì cần nêu cụ thể để việc phối hợp đạt hiệu quả. Bộ trưởng mong muốn bên cạnh nỗ lực của ngành thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội cần chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ tốt nhất cho các VĐV trong quá trình tập luyện; động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các VĐV.
Căn cứ thành tích của các VĐV và theo quy định của ban tổ chức Đại hội về cơ cấu, số lượng các thành phần Đoàn, dự kiến Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội với 155 thành viên trong đó có 121 VĐV. Chỉ tiêu của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam là phấn đấu ở vị trí trong tốp các nước dẫn đầu khu vực. Các VĐV Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tham gia thi đấu ở 8 môn: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ vua, Judo, Boccia. (Chủ tịch Hiệp hội Paralympic Việt Nam HUỲNH VĨNH ÁI) |
THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN