Bóng đá vẫn chưa thể​​​​​​​ tự nuôi sống mình

VHO- Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia vừa chao đảo sau đơn “kêu cứu” của cầu thủ CLB Phù Đổng trên facebook. Trước đó, một đội bóng khác ở giải hạng Nhất 2022 là Cần Thơ cũng nợ lương, thưởng của các cầu thủ.

Bóng đá vẫn chưa thể​​​​​​​ tự nuôi sống mình - Anh 1

 Nhiều đội bóng vẫn phải đau đầu với bài toán về kinh phí Ảnh: VPF

Mùa nào cũng vậy, bóng đá Việt Nam luôn phải đối đầu với nỗi lo “cơm, áo” của một số câu lạc bộ.

Nỗi lo muôn năm cũ

Trong bức “tâm thư” gửi đến CLB chủ quản, cầu thủ Phạm Quý (Phù Đổng) viết: “Đã 5 tháng kể từ tháng 3.2022, tập thể ban huấn luyện và anh em cầu thủ trong đội bóng chưa nhận được bất kỳ chế độ nào và cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin chính xác nào từ phía ban lãnh đạo đội bóng. Ban huấn luyện và anh em cầu thủ đã cố gắng hết sức để chia sẻ khó khăn cùng ban lãnh đạo từ đầu mùa giải đến bây giờ. Nhưng ban huấn luyện và anh em cầu thủ trong đội ai cũng có gia đình và cũng còn rất nhiều việc phải lo. Nên nay anh em cầu thủ viết lên đây để kính mong ban lãnh đạo đội bóng sẽ có câu trả lời nhanh nhất và chính xác nhất về tình hình hiện tại của đội bóng”.

Sau 14 vòng đấu, CLB Phù Đổng có 4 trận thắng, 3 trận hòa và 7 trận thua. Hiện đội bóng này có 15 điểm và xếp vị trí thứ 9/12 đội. Thời gian qua, CLB này gặp không ít khó khăn trong thi đấu và cạnh tranh thứ hạng cao tại giải hạng Nhất. Việc bị CLB chủ quản chậm lương đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các cầu thủ và gia đình của họ. Cách đây không lâu, một đội bóng khác tại giải hạng Nhất quốc gia 2022 là Cần Thơ cũng nợ lương các cầu thủ. Cụ thể, đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn nợ 3 tháng tiền ăn và tiền thưởng 4 trận thắng của Cần Thơ. Đứng trước nguy cơ các cầu thủ đình công, CLB Cần Thơ đã cố gắng chi trả 1 tháng lương ngay sau trận đấu với CLB Huế và chuyện đình công tạm lắng xuống.

Thực ra không phải “đợi” đến mùa giải năm nay mà hầu như ở mùa giải nào bóng đá Việt Nam cũng có những câu chuyện tương tự. Ở mùa giải năm ngoái, CLB bóng đá Than Quảng Ninh cũng bị cầu thủ “tố” nợ lương, phí lót tay. Và dù được đứng trong tốp 3 đội có thành tích tốt nhất của V.League sau mùa giải 2021 thì CLB Quảng Ninh vẫn bị xoá sổ khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam do không đáp ứng được các tiêu chí về tài chính, cơ sở vật chất. Trong hơn 10 năm qua bóng đá Việt Nam đã phải “buồn lòng” chứng kiến nhiều đội bóng giải thể, trong đó lý do lớn nhất chính là kinh phí. Điều này đã gây tiếc nuối lớn cho người hâm mộ bởi nhiều CLB có tên tuổi, có truyền thống của bóng đá Việt Nam đã không thể tồn tại. Đó là CLB Hòa Phát Hà Nội mà tiền thân là CLB Hàng không Việt Nam hay CLB Hà Nội ACB với tiền thân là CLB Đường sắt Việt Nam rồi đến Navibank Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, Sài Gòn Xuân Thành, Kiên Giang, Ninh Bình…

Sự “biến mất” của hầu hết các CLB trên đều đến từ lý do chính là thiếu kinh phí để duy trì hoạt động của CLB.

Và bài toán tiền đâu?

Lường trước những khó khăn này nên VFF đã có quy định rõ ràng về việc các CLB khi tham gia cuộc chơi phải đảm bảo được nguồn kinh phí nhất định. Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã quy định rõ nguồn kinh phí cho hoạt động của CLB có thể từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải có nguồn gốc hợp pháp và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.

Theo đó với CLB tham gia V.League phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 35 tỉ đồng/năm và với CLB hạng Nhất, mức tối thiểu là 15 tỉ đồng/năm.

Nếu CLB không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với VFF, đơn vị tổ chức giải, giải đấu và bên thứ ba có liên quan thì không đủ tư cách tham dự giải. Và đó chính là lý do để CLB Quảng Ninh phải xoá sổ vì không đáp ứng được tiêu chí cốt lõi này.Tuy nhiên, theo tính toán của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, mức kinh phí tối thiểu 35 tỉ đồng/năm cho đội đá V.League là không đủ mà mỗi đội cần phải có ngân quỹ tối thiểu khoảng 50 tỉ đồng/năm mới đủ khả năng duy trì hoạt động.

Vấn đề là làm thế nào để các CLB tìm được nguồn kinh phí như quy định của VFF, nhất là trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19. Bóng đá là môn thể thao đi đầu, tiên phong trong việc kêu gọi các nguồn xã hội hoá và hướng tới mục tiêu tự nuôi sống mình, như mô hình chuyên nghiệp của các nước tiên tiến. Nhưng sự thực là sau 22 mùa giải khoác áo chuyên nghiệp thì hầu hết các CLB vẫn phải duy trì bằng ngân sách của các ông bầu cùng sự góp sức của các địa phương chủ quản.

“Ông lớn” nhiều tiềm lực nhất của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây chính là CLB Hà Nội. Đây cũng là đội bóng làm hình ảnh tốt với dàn sao được nhiều người ngưỡng mộ nhưng để trả lời cho câu hỏi, đội bóng đã tự nuôi sống được mình chưa thì chắc chắn là chưa. Sân Hàng Đẫy, ngay cả ở các trận cầu kinh điển cũng chưa thể lấp đầy. Với mức vé hiện tại, thấp nhất là 50 ngàn đồng và cao nhất là 100 ngàn đồng cũng đủ cho thấy “nhã ý” của CLB là mong muốn có đông đảo CĐV đến sân. Còn thực ra tiền thu được từ bán vé chẳng thấm vào đâu so với kinh phí mà bầu Hiển đầu tư cho đội bóng. CLB Hà Nội cũng có nhiều cách để hấp dẫn các cổ động viên tới sân nhưng khán giả lại có quá nhiều sự lựa chọn nên việc tạo thành thói quen tới sân vào các ngày cuối tuần, vẫn chưa thể hình thành được với đông đảo người hâm mộ bóng đá thủ đô.

Đến “ông lớn” đã vậy thì những CLB khác cũng khó lòng thu được kinh phí từ nguồn khán giả tới sân hay thu được kinh phí từ việc quảng cáo. Chính vì chưa thể tự nuôi sống được mình nên sự sống còn của nhiều CLB phụ thuộc vào hầu bao của các ông bầu. Và khi ông bầu hết tiền hoặc không muốn “chơi” bóng đá nữa thì CLB lại đứng trước nguy cơ tan rã. Đó cũng là thực tế buộc bóng đá Việt Nam phải chấp nhận trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc