Nhà vô địch có trái tim ấm áp

VHO- Nhắc đến thể thao người khuyết tật Việt Nam, có lẽ một trong những cái tên đầu tiên mà mọi người nhớ đến chính là Lê Văn Công. Lực sĩ quê Hà Tĩnh không chỉ là niềm tự hào của bộ môn cử tạ mà anh còn là biểu tượng của thể thao người khuyết tật nước nhà trong hơn thập kỷ qua với vô số huy chương tại các giải quốc tế, trong đó mới nhất là tấm HCV tại Para Games 2022 .

Nhà vô địch có trái tim ấm áp - Anh 1

 Nghị lực phi thường, tinh thần không đầu hàng số phận đã giúp Lê Văn Công giành nhiều vinh quang trên sàn đấu

 Không chỉ tài năng mà Lê Văn Công còn được biết đến là tấm gương sáng về sự phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh để làm chủ cuộc sống và cống hiến hết mình cho thể thao. Lực sĩ sinh năm 1984 cũng là nhà vô địch có trái tim ấm áp, biết lan tỏa yêu thương và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Không đầu hàng trước số phận

Sinh ra tại Hà Tĩnh trong một gia đình có 5 anh em trai, Lê Văn Công không may mắn như những đứa trẻ khác khi bị khuyết tật bẩm sinh. Mẹ Công khi mang thai anh đã không may bị sốt xuất huyết phải nhập viện. Bất chấp lời khuyên của các y, bác sĩ, bà vẫn giữ cái thai cho đến ngày sinh nở. Công ra đời với đôi chân teo là kết quả từ di chứng đã được dự báo. Cậu bé Công càng lớn, chi trên càng phát triển, đè nặng lên đôi chân bé xíu. Gia đình điều kiện khó khăn nhưng từ nhỏ anh đã sớm thể hiện nghị lực vươn lên, chiến thắng số phận. Năm 2003, chàng thanh niên Lê Văn Công rời quê vào TP.HCM mưu sinh, lòng canh cánh một giấc mơ thay đổi cuộc sống chính mình. Công xin làm thêm trong một xưởng gỗ để lấy tiền trang trải học nghề và thuê nhà trọ. Ba năm học kỹ thuật điện tử nhưng ra trường chẳng nơi nào nhận làm, Công phải bươn chải đủ mọi công việc, từ đánh máy văn bản cho đến chỉnh sửa hình ảnh trên máy vi tính với thù lao ít ỏi.

Rồi Công được một HLV cử tạ tìm đến mời tập luyện và bén duyên với môn thể thao này. CLB cử tạ thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình (TP.HCM) chính là nơi chắp cánh sự nghiệp cho Công. Vừa làm thêm vừa tập tạ, Công tiến bộ rất nhanh và chỉ sau hơn 1 năm tham gia tập luyện, anh đã giành giải thưởng đầu tiên là tấm HCB hạng cân 48 kg ở Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005 tại Hà Nội.

Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu cho những thành công sau này của chàng lực sĩ họ Lê. Nhờ sự phấn đấu, tinh thần cầu tiến và nghị lực phi thường, Công nhanh chóng trở thành đại diện cho cử tạ Việt Nam thi đấu tại các giải quốc tế và giành vô số huy chương. Đỉnh cao trong sự nghiệp của Công là thành tích nâng mức tạ 183 kg, phá kỷ lục thế giới và giành được HCV tại Paralympic 2016 ở Brazil. Cùng với đó là 2 HCV giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới 2016 và 2017, HCB Paralympic Tokyo 2021, HCV tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật châu Á 2007 và 2014, 5 HCV Para Games vào các năm 2007, 2009, 2015, 2017 và 2022. Tấm HCV tại Para Games 2022 mới đây tại Indonesia cũng đánh dấu 15 năm Công thống trị hạng cân 49 kg nam tại đấu trường khu vực.

Lê Văn Công chính là một trong những VĐV người khuyết tật giàu thành tích nhất của Việt Nam, đó cũng là lý do tại sao Công được chọn là người cầm cờ cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Para Games 2022. Năm nay đã 38 tuổi nhưng Công chưa muốn dừng lại, mục tiêu trước mắt của lực sĩ này là giành suất tham dự Paralympic 2024 tại Paris (Pháp).

Nhà vô địch có trái tim ấm áp - Anh 2

 Gia đình luôn là hậu phương vững chắc để Lê Văn Công tập luyện và chinh phục những tấm huy chương

Lan tỏa yêu thương

Không chỉ có sự nghiệp thành công, Lê Văn Công còn có một gia đình hạnh phúc bên cạnh người vợ và hai con đủ nếp đủ tẻ. Nhưng để có hạnh phúc viên mãn như ngày hôm nay, Công và vợ của mình đã trải qua nhiều khó khăn mới đến được với nhau. Vợ Công là chị Chu Thị Tám, người gốc nghệ An từng “Nam tiến” học tập và sinh sống từ năm 2006. Khi mới quen, họ đã cảm mến nhau, nhưng sau đó chị Tám bị gia đình ngăn cản vì… Công bị tật nguyền. Bố mẹ chị Tám còn bắt chị phải về quê một thời gian nhằm ngăn cách tình cảm giữa hai người. Nhưng anh chị đã cố gắng vượt qua trắc trở. Chị Tám đã thuyết phục gia đình để họ đồng ý cho hai người đến với nhau. Vì tấm lòng chân thành, sau này ba mẹ vợ đã thương Công “còn hơn cả chị”, như lời chị Tám kể. Hiện tại, chàng lực sĩ quê Hà Tĩnh đang “an cư lạc nghiệp” với mái ấm hạnh phúc của mình, một ngôi nhà hai tầng khang trang ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP. HCM). Đây cũng chính là thành quả của hai vợ chồng sau nhiều năm dành dụm. Câu chuyện của Công và chị Tám chính là thông điệp yêu thương đã và đang lan tỏa đến các bạn trẻ. Trong tình yêu, không có sự khiếm khuyết nào cả mà chỉ có sự chân thành.

Với một người khuyết tật, chăm lo cho bản thân đã khó chứ đừng nói đến người như Công có vợ và hai con. Hơn ai hết, Lê Văn Công hiểu rất rõ những trở ngại, thách thức trong cuộc sống mà những người khuyết tật phải đối mặt. Vậy nên khi cuộc sống đã ổn định, tự lo được cho gia đình thì Công đã có những sẻ chia đến những người bị khiếm khuyết như mình hay mảnh đời bất hạnh. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bao trùm lên toàn xã hội, khó khăn càng chồng chất khó khăn, Công cũng góp chút sức lực đến cộng đồng. Ngay ở những đợt thu hoạch đầu tiên, Công đã gửi món quà hơn 1 tấn bắp nữ hoàng tới những người đồng đội là các VĐV thể thao người khuyết tật đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Đà Nẵng và sau đó còn gửi tới một số Trại trẻ mồ côi tại TP.HCM với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh.

“Thời điểm dịch gây rất nhiều khó khăn cho mọi người, bản thân Công cũng gặp nhiều trở ngại trong tập luyện và sinh hoạt. Nhưng khi đó, Công suy nghĩ rằng có nhiều người khó khăn hơn mình. Của ít lòng nhiều, một chút quà gửi đến mọi người chia sẻ lúc khó khăn. Công là người khuyết tật nên bản thân mong muốn đem tới nguồn cảm hứng cho mọi người trong xã hội, nhất là những người chung hoàn cảnh với mình. Tất cả hãy tự mình cố gắng, cùng khích lệ và giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn từ dịch bệnh và cuộc sống”, Lê Văn Công chia sẻ.

Cho đi là còn mãi

Tỏa sáng trên sàn đấu từ trong nước đến quốc tế, người đàn ông liệt cả hai chân Lê Văn Công chưa bao giờ chấp nhận an phận cảnh khó khăn, túng thiếu và sống đúng với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Với người bình thường, việc lao động mưu sinh cuộc sống đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn còn nhiều gấp bội. Hiểu được điều đó nên Công luôn tự lực phấn đấu, vươn lên để tự lo được cho bản thân và gia đình. Nhưng với một người như Lê Văn Công thì anh không bao giờ sống cho riêng mình.

Chứng kiến em Đoàn Thị Bích Hương (sinh năm 2003) sống gần nhà mình bị ung thư gan, hoàn cảnh quá khó khăn, không thể xoay nổi kinh phí, thậm chí gia đình em định bán nhà để lấy tiền chữa trị, Công đã quyết định bán đấu giá chiếc HCV mà anh giành được tại Giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới 2016 ở Malaysia. Đây là tấm HCV rất có giá trị với Công. Một VĐV bình thường, tấm HCV thế giới là đỉnh cao, với người khuyết tất như Công, chiếc HCV ấy còn hơn nữa, là “tài sản tinh thần” vô giá, là sự kết tinh của ý chí, nghị lực, quá trình luyện tập gian khổ của một VĐV khuyết tật. “Thực sự việc bán đấu giá tấm HCV thế giới là quyết định trăn trở của tôi khi đó. Đó là tấm HCV từ sự nỗ lực của thầy trò tôi qua nhiều năm tháng, nó là một phần cơ thể khiếm khuyết của tôi. Nhưng sau cùng tôi suy nghĩ ra một điều “cho đi là còn mãi”. Huống chi, đây là việc nghĩa, nhân ái nơi tình làng nghĩa xóm. Bé bị ung thư gan rất nặng, gia đình lại khó khăn, kiệt quệ không còn tiền chữa. Tôi chỉ mong là tấm HCV này sẽ mang lại dù một chút hy vọng sống cho cô bé hàng xóm của tôi”, Lê Văn Công nhớ lại.

Tấm lòng “vàng” của chàng lực sĩ liệt cả hai chân nhanh chóng lan tỏa khắp mạng xã hội và được nhiều nhà hảo tâm quan tâm chia sẻ, đấu giá. Cuối cùng, tấm HCV đã được một doanh nhân ở quận 7 mua với giá 125 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đã được Công và người mua HCV đến tận nhà trao cho người thân em Hương. Nghĩa cử cao đẹp của chàng lực sĩ khuyết tật khi đó là hành trình lan tỏa yêu thương. Đó là hành trình về người thật việc thật, về một điển hình của người khiếm khuyết để truyền cảm hứng cho những người đang cần tiếp thêm sức mạnh. Đó có thể là một người bị bệnh, là các em nhỏ bị khuyết tật hay cả những mảnh đời bất hạnh khác… Khi đó, người được nhận sẽ có thêm nghị lực sống, sống có ích cho xã hội. 

VĨNH HẢI

Ý kiến bạn đọc