Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo

VH- Trong khi các Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ hiện đại của tư nhân đang ngày càng phát triển thì các lò đào tạo truyền thống lại phải xoay sở để tồn tại. Lò đào tạo Bóng đá trẻ của Thanh Hóa là một ví dụ. Từng gặp nhiều khó khăn với cơ chế cũ nhưng 2 năm trở lại đây, mọi chuyện đang dần thay đổi.

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 1

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 2

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 3

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 4

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 5

Buổi tập của đội tuyển U13 Thanh Hóa trên sân của Trung tâm đào tạo trẻ

Việc chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới cũng giúp cho lò đào tạo trẻ của Bóng đá Thanh Hóa dần trình làng những gương mặt đầy triển vọng. Tiêu biểu trong số đó là thủ môn Bùi Tiến Dũng trong đội hình tuyển U23 của ông Park Hang seo.  

Mừng!

Đến huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, không mấy khó khăn chúng tôi đã tìm được Trung tâm đào tạo tài năng Bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa, nằm gọn trong khuôn viên của sân vận động huyện. Trong cái nắng mới khá gắt, các cầu thủ nhí U13 tung tăng, hồn nhiên trên mặt sân cỏ nhân tạo, dưới sự dẫn dắt của HLV Đỗ Trọng Hải. Trong đội hình này có tới 5 cầu thủ năm ngoái vừa được tuyển chọn sang Nhật Bản, dự trại hè bóng đá Toyota sau khi thể hiện được phong độ xuất sắc tại Giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Giám đốc Trung tâm Đàm Văn Hải nở nụ cười: "Trước đây Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí nhưng từ năm 2016 nhờ có sự đầu tư của nhà tài trợ FLC nên đã có nhiều khởi sắc. Hiện chúng tôi đang đào tạo 150 cháu, từ các lớp U11 đến U21, mặt sân cũng được làm mới, có dàn đèn và thành tích của các lứa trẻ Thanh Hóa đang dần tốt lên".

Đứng kế bên, cựu tuyển thủ Quốc gia Mai Xuân Hợp nói thêm: "Trước đây khi tôi còn ở đội trẻ, do khó khăn về kinh phí nên ngay cả mặt sân tập cũng không có, toàn đội phải tập ké trên đường piste của đội lớn. "Hồi đó khó khăn, thiếu thốn trăm bề, lứa trẻ chúng tôi phải ở nhờ dãy nhà cấp 4 của Trường kế bên, không có điều hòa, mùa hè nóng quá, cả đội phải ra ngoài hành lang ngủ cho mát, không có bình nóng, lạnh, mùa đông, cũng tắm bằng nước lạnh ở giếng. Còn bây giờ các cháu được quan tâm nhiều hơn trước, phòng nào cũng có đủ điều hòa, bình nóng, lạnh, có máy giặt và có nhà ăn riêng, đảm bảo thức ăn nóng, sốt, đủ chất dinh dưỡng".

Theo Giám đốc Đàm Văn Hải, sau khi có nhà tài trợ, tiền ăn của các cầu thủ nhí đã được tăng từ vài chục lên 100 ngàn đồng/người/ngày. Do giá cả ở Quảng Xương, Thanh Hóa rẻ hơn ở Hà Nội và các thành phố lớn nên mức tiền ăn như này cũng đủ đảm bảo dinh dưỡng cho các cầu thủ nhỏ. Chỉ chiếc xe ô tô 35 chỗ đang đỗ bên ngoài, ông Hải cho biết, ngoài học đá bóng, các cầu thủ Thanh Hóa được đào tạo theo mô hình mới, hàng ngày đều có xe ô tô đưa đón các cháu đi học văn hóa ở trường cấp 2 Quảng Xương, Thanh Hóa. Các trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện, kể cả việc tập thể lực cũng được sắm sửa khá đầy đủ.

Những người gắn với công tác đào tạo trẻ của Bóng đá Thanh Hóa không quên câu chuyện trước đây ở lò đào tạo truyền thống cũ, trước khi bước vào giải đấu, có lãnh đạo hỏi: "Nếu mình không tham dự thì bị phạt bao nhiêu tiền?". Sau khi nghe cấp dưới báo cáo, tiền nộp phạt và chi phí dự giải cũng ngang nhau, lãnh đạo CLB mới quyết: "Thôi thì cứ đi vậy". Đó là câu chuyện của quá khứ khi Trung tâm đào tạo trẻ sống nhờ vào bầu ngân sách ít ỏi. Còn giờ thì: "Trước mỗi giải đấu, chúng tôi đều đề nghị với CLB cho các cháu đi đá giao hữu với nhiều đội bóng ở miền Bắc để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thi đấu. Và các đề nghị này đều được CLB đáp ứng", ông Hải nói. 

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 6

Lò đào tạo trẻ Thanh Hóa: Mừng và lo - Anh 7

Các cầu thủ nhí đã có những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn trước

Và lo...

So với thời của lò đào tạo truyền thống, nhờ có nhà tài trợ mà Bóng đá trẻ Thanh Hóa đang dần chuyển mình sang mô hình mới: "Chúng tôi luôn ý thức được vấn đề đào tạo trẻ là nhiệm vụ sống - còn với mỗi CLB, với mỗi nền Bóng đá nên ngay cả thời điểm khó khăn nhất, CLB Bóng đá Thanh Hóa vẫn duy trì đào tạo trẻ. Bây giờ thì mọi chuyện đang dần tốt lên. Hiện tại địa điểm tập huấn của Trung tâm tạm thuê cơ sở vật chất của huyện Quảng Xương. Mong rằng trong tương lai sẽ có một Trung tâm đẹp hơn, hiện đại hơn. "Trông lên thì chẳng bằng ai" nhưng với chúng tôi như thế cũng là tốt lắm rồi", ông Hải nói.

Tuy chưa có điều kiện thuê thầy ngoại như HAGL hay PVF nhưng các HLV của đội trẻ Thanh Hóa đều được CLB tạo điều kiện để đi học nâng cao trình độ, đủ bằng cấp, đủ kỹ năng huấn luyện các đội trẻ. Không những thế lương, thưởng của HLV các đội trẻ cũng được tăng cao hơn trước khiến họ yên tâm cống hiến. Hiện các HLV của Trung tâm đều là các tài năng của Bóng đá Thanh Hóa trước đây như Xuân Hợp, Hồng Minh. Bên cạnh đó, các HLV này cũng được các thầy ngoại là HLV trưởng của đội lớn hỗ trợ. Năm ngoái, HLV Petrovic thường xuyên đến Trung tâm hỗ trợ các HLV trong công tác huấn luyện. Trong số các HLV làm việc tại V.League 2017, Petrovic chính là cái tên đình đám nhất. Nhà cầm quân 70 tuổi đến từ Serbia từng giúp Red Star Belgrade vô địch Cúp C1 (tiền thân của UEFA Champions League) mùa 1990-1991. Trước khi về nước, ông cũng kịp để lại cho Bóng đá Thanh Hóa giáo án huấn luyện để các HLV nội tham khảo khi dẫn dắt đội trẻ.

Tuy được "thay da, đổi thịt" nhưng Bóng đá trẻ Thanh Hóa vẫn còn đó những nỗi lo như chuyện các cầu thủ thường xuyên phải tập ở mặt sân nhân tạo dễ dẫn đến chấn thương và không quen được cảm giác khi thi đấu ở sân mặt cỏ tự nhiên. Vì thế trước khi bước vào giải đấu, đội thường phải đi thuê sân cỏ tự nhiên để các cầu thủ dần quen cảm giác. Không những thế, vấn đề sống còn là nhà tài trợ, liệu có gắn bó, có đầu tư lâu dài hay không, sẽ là trăn trở lớn. "Nếu chúng tôi tiếp tục được đầu tư thì chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều cầu thủ giỏi cho đội lớn và cho các đội tuyển Quốc gia", ông Hải mong ước.

Thu Sâm            

 

Ý kiến bạn đọc