Bóng đá Việt Nam và chuyện "xây nhà từ móng"( Bài 3): Sức sống mới từ​ nguồn vốn tư nhân

VH- Hơn 20 năm trước, bóng đá Việt Nam chỉ biết tới Sông Lam Nghệ An và Thể Công. Bây giờ, Thể Công đã giải thể còn Sông Lam giờ chỉ còn tàm tạm được. Cục diện bóng đá trẻ Việt Nam hiện được định hình bởi HAGL, PVF, CLB Hà Nội...

Luồng sinh khí mới từ họ đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh đào tạo trẻ, đồng thời giúp bóng đá Việt Nam từng bước vươn ra thế giới.

Bóng đá Việt Nam và chuyện

 U23 Việt Nam tạo địa chấn ở châu Á với nòng cốt là những cầu thủ của các lò đào tạo mới được xây dựng trong 10 năm trở lại đây  Ảnh: AFC

 2007: Bước ngoặt lịch sử của bóng đá trẻ

Nếu phải lấy một thời điểm ghi dấu bước ngoặt của bóng đá trẻ Việt Nam, đó sẽ là năm 2007. Nhiều người chỉ biết năm 2007 chứng kiến sự ra đời của Học viện HAGL Arsenal JMG, nhưng không chỉ như thế, 2007 còn là thời điểm Bùi Tiến Dũng bước những bước đầu tiên vào Học viện Viettel. 2007 cũng là năm lứa Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Sơn đem về chức vô địch U11 quốc gia đầu tiên cho bóng đá Hải Dương. 11 năm sau, 3 lò đào tạo đó đều có người trong đội hình U23 Việt Nam giành ngôi Á quân giải châu Á.

Sự ra đời của 3 lò đào tạo này báo hiệu những thay đổi đầu tiên của bóng đá trẻ Việt Nam. Đó là sự thay đổi tất yếu trong bối cảnh bóng đá Việt Nam giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Những cuộc “chạy đua vũ trang”, những bản hợp đồng bom tấn đã khiến nhiều ông bầu mệt mỏi. Không ít người đã rút khỏi bóng đá, một số khác vẫn ở lại nhưng thay đổi cách làm. Họ không còn vung tiền mua “siêu sao”, họ bắt đầu hướng tới thứ bóng đá căn cơ và nền tảng.

Liên tiếp trong những năm sau, các lò đào tạo trẻ mới lần lượt ra đời. PVF đặt trụ sở đầu tiên ở Trung tâm thể thao Thành Long, Triệu Quang Hà và Hữu Thắng giúp bầu Hiển xây dựng lò T&T. Điểm chung của các lò đào tạo này là chúng đều được vận hành bởi các tập đoàn kinh tế tư nhân. Chúng không bị lệ thuộc vào cách làm bao cấp, không chịu sự quản lý của nhà nước. Do đó, chúng năng động hơn, sáng tạo hơn, có điều kiện tận dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới hơn. Trong bức tranh ấy, Hải Dương là ngoại lệ duy nhất. Câu chuyện về họ, chúng ta sẽ dành ở một dịp khác.

Bóng đá trẻ quốc gia

Sự ra đời của HAGL, PVF và Viettel cũng đặt dấu chấm hết cho khái niệm “địa phương” trong đào tạo trẻ. Không còn chuyện người Nghệ An phải vào Sông Lam, người Hà Nội phải lên Thể Công. Các lò đào tạo trẻ liên tục bành trướng ảnh hưởng, họ vươn chiếc vòi bạch tuộc ra khắp toàn quốc. Họ không chỉ tuyển người ở khu vực của mình mà tìm kiếm trên địa bàn cả nước. Họ xây dựng hệ thống “săn đầu người”, họ trả tiền để có thông tin về những cầu thủ nhí. Họ tạo nên cuộc chiến tranh giành tài năng trẻ ngay từ tuổi đôi mươi.

Đại diện của HAGL ngồi ngay trên khán đài trong ngày Văn Toàn, Văn Thanh vô địch quốc gia. Quang Hải suýt bị bầu Đức giật mất trước khi về với bầu Hiển, Hải Dương được người trong nghề gọi là “cơ sở hai” của Viettel trong khi SLNA từng mất Công Phượng vào tay HAGL, đánh rơi Sầm Ngọc Đức vào tay Hà Nội.

Để sở hữu những mầm non nhí ấy, các lò đào tạo phải không ngừng nâng cấp chất lượng, công nghệ. Họ liên tục đặt ra các chế độ đãi ngộ mới để thuyết phục những bậc phụ huynh. Nếu một cầu thủ nhí có tài, cậu ta không cần “xin” ai hết. Trước mặt cậu, những tay săn người đã xếp hàng dài.

Không phải kinh nghiệm, bóng đá là chuyện của công nghệ và đầu tư

Cuộc cạnh tranh quyết liệt ngay từ vạch xuất phát là tín hiệu vui đầu tiên của đào tạo trẻ ở Việt Nam. Nhưng đó chỉ là tín hiệu khởi đầu. HAGL bê nguyên giáo trình của Học viện JMG toàn cầu về phố núi. Viettel, PVF đều nhận sự hỗ trợ từ các đội bóng lớn ở châu Âu. CLB Hà Nội sở hữu một dàn HLV gồm toàn cựu tuyển thủ của “thế hệ vàng”.

Các đội bóng này cũng tích cực đầu tư, tạo ra những hệ thống cơ sở vật chất ở đẳng cấp cao. HAGL là số một của thập niên trước với Học viện JMG - nơi được xây dựng giống như một thị trấn thu nhỏ về bóng đá. Viettel, Hải Dương cũng có cách làm tương tự. Mới đây nhất, PVF đã xây dựng học viện bóng đá trẻ hiện đại nhất Đông Nam Á với tổng kinh phí lên tới 30 triệu USD.

Các học viện này được vận hành theo giáo trình nước ngoài, có chuyên gia châu Âu hỗ trợ. Tất cả đều có hệ thống sân bãi tiêu chuẩn, sân cỏ, sân trong nhà, sân cỏ nhân tạo. Tất cả đều có bể bơi, phòng tập gym hiện đại, phòng truyền thống. Các lò đào tạo liên kết với trường học địa phương để mở lớp ngay tại cơ sở. Thế hệ mới của bóng đá Việt Nam không chỉ biết đá bóng, họ còn được học tập thực sự. Những người như Xuân Trường, Tuấn Anh có thể trả lời phỏng vấn tiếng Anh suốt hàng tiếng đồng hồ.

Kỳ tích U23 Việt Nam chỉ là điểm khởi đầu

Sự xuất hiện của hệ thống đào tạo mới đang giúp bóng đá Việt Nam không ngừng bay cao. Những dấu hiệu thăng hoa đầu tiên đã tới trong vài năm trở lại đây. U19 Việt Nam 2 lần quật ngã Australia, U16 Việt Nam vào tứ kết giải châu Á, U23 Việt Nam lần đầu dự VCK U23 châu Á. Chiến công của U23 Việt Nam vừa qua chỉ là kết quả tất yếu sau một quá trình tiến bộ liên tục ở đấu trường châu lục.

Hãy nhớ rằng Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh chỉ là những đại diện đầu tiên của Học viện JMG, Bùi Tiến Dũng chỉ là cái tên đầu tiên của Viettel, Quang Hải, Văn Hậu không phải những người cuối cùng của Hà Nội.

Với họ, tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam vẫn đang ở phía trước. 

Minh Chiến

 

Ý kiến bạn đọc