SEA Games 31 với ngổn ngang trăm mối (Bài 2): Cả khu vực oằn mình vì dịch bệnh

VHO- Không chỉ có Việt Nam đang gồng mình chống dịch, các quốc gia trong khu vực cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện các nước Đông Nam Á đang đứng trước làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19, trong đó có nhiều quốc gia dịch bệnh bùng phát và lan rộng chưa từng thấy như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar…

SEA Games 31 với ngổn ngang trăm mối (Bài 2): Cả khu vực oằn mình vì dịch bệnh - Anh 1

 Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trong khu vực cũng đang oằn mình chống dịch Ảnh: QUANG VINH

Khó khăn vì dịch bệnh cũng khiến cho các nước tập trung chống dịch, công tác chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 31 vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Những con số đáng báo động

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nặng nhất là Malaysia, Philippines, Indonesia và nhẹ nhất là Brunei. Đáng lo ngại là với tỉ lệ dân số tiêm chủng thấp và các đợt bùng phát dịch mới khó kiểm soát hơn khiến các nước Đông Nam Á đang phải xoay xở để có đủ vắcxin.

Theo TS Huỳnh Trí Thiện, ngành Quản lý thể thao của Trường đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cũng giống như Việt Nam, hiện nay các nước trong khu vực Đông Nam Á đang vất vả chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc tiêm vắcxin Covid-19 cho người dân ở các nước thì mới chỉ có Singapore đạt tỷ lệ trên 35% dân số, sau đó đến Campuchia ở mức trên 14% dân số và các nước còn lại thì chỉ dao động ở mức 0,6% đến 6,4%. “Mặc dù các nước cam kết sẽ nỗ lực tiêm vắcxin cộng đồng cho toàn bộ người dân và hoàn thành vào thời điểm cuối năm 2021. Thế nhưng, với tình hình phân phối vắcxin của các hãng dược cho đến thời điểm hiện tại thì rất khó thực hiện được mục tiêu đề ra, nhất là với những nước đông dân như Indonesia và Philippines”, TS Thiện nhận định.

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác chuẩn bị và tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 của các nước cũng bị ảnh hưởng. “Qua theo dõi tình hình dịch bệnh của các nước cũng như thông qua cuộc họp Văn phòng điều phối Liên đoàn Đông Nam Á vào ngày 18.5 cho thấy, các quốc gia đều rất lo ngại về tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Các nước quan tâm đặc biệt là việc nước chủ nhà Việt Nam chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 như thế nào trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay. Phần lớn các câu hỏi xoay quanh việc phải cách ly, nhập cảnh, tiêm phòng vắcxin… và các quy định về phòng, chống dịch đặc biệt khác. Dự báo với tình hình dịch bệnh như hiện nay, một số quốc gia có thể thu hẹp quy mô hoặc không cử đoàn tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Một số nước cho biết, họ đã tiêm phòng vắcxin cho vận động viên (VĐV), song chưa có số liệu chính thức về vấn đề này”, ông Trần Đức Phấn cho biết.

Công tác chuẩn bị của các nước bị ảnh hưởng

Tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện phân tích thêm: “Hiện nay, những VĐV của các nước ASEAN nằm trong chiến dịch thi đấu Olympic Tokyo 2020 cơ bản đã được tiêm vắcxin. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít VĐV được đến với đấu trường lớn nhất thế giới. Còn với đoàn thể thao các nước dự SEA Games, thường lên tới vài trăm thậm chí là cả nghìn người thì việc tiêm vắcxin chưa thấy được đề cập. Công bằng mà nói, việc ưu tiên tiêm vắcxin cho đối tượng này cho đến thời điểm SEA Games 2021 bắt đầu không phải là chuyện khó đối với các quốc gia. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu các nước có ưu tiên đặt việc thi đấu tại Đại hội thể thao khu vực lên trên những chính sách phát triển kinh tế và bình ổn an sinh – xã hội trong thời điểm hiện tại? Đó lại là một câu hỏi lớn”.

Cũng theo tiến sĩ Huỳnh Trí Thiện, Covid-19 là đại dịch nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử thế giới. Do đó việc một sự kiện hay đại hội thể thao bị ảnh hưởng, giảm quy mô, hoãn hoặc xấu nhất là huỷ tổ chức là chuyện có thể xảy ra. “Đến đại hội thể thao lớn nhất thế giới là Thế vận hội Tokyo 2020 còn phải hoãn một năm và đã rất chật vật để ra quyết định cuối cùng là tổ chức vào tháng 7, với những tiêu chí phòng dịch chặt chẽ, SEA Games có bị hoãn cũng là chuyện bình thường. Nên nhớ, Nhật Bản – quốc gia đăng cai Olympic 2020 – là một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới nên mới có đủ tiềm lực để quyết định tổ chức một sự kiện mang đầy tính rủi ro ở thời điểm hiện tại. Với những nước khiêm tốn hơn về kinh tế, thì đó quả là bài toán nan giải. Ở quy mô nhỏ hơn, vào đầu năm 2021, thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã đăng cai liên tiếp 3 giải đấu cầu lông lớn của thế giới trong vòng 20 ngày. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ về tiêm phòng vắcxin, kiểm tra y tế và cách ly nhưng vẫn có một vài ca dương tính Covid-19 xảy ra trong thời gian diễn ra thi đấu”, TS Huỳnh Trí Thiện nêu dẫn chứng.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia đã đặt câu hỏi về việc liệu chúng ta có nên tổ chức SEA Games 31 trong bối cảnh Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đang tập trung toàn lực cho việc chống dịch và khắc phục hậu quả kinh tế, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về sức khoẻ và tính mạng cho người dân? 

Bài cuối: Thách thức cho công tác tổ chức SEA Games 31

 THU SÂM

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Ý kiến bạn đọc