Mục tiêu giành 20 vé dự Olympic Tokyo: Như ngồi trên đống lửa!
VHO- Tháng 7 tới, Olympic Tokyo 2020 – Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh sẽ khai màn tại Tokyo (Nhật Bản), sau 1 năm phải trì hoãn vì đại dịch.
Đấu kiếm vẫn chưa thể tham gia các cuộc thi đấu vòng loại Olympic Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Đặt mục tiêu giành được 20 suất chính thức tham dự nhưng cho tới giờ, dù chỉ còn có hơn 3 tháng nữa là đến ngày khai mạc Olympic, Thể thao Việt Nam mới chỉ có 5 VĐV đoạt vé!
Những khe cửa hẹp
Theo ông Dương Đức Thuỷ, phụ trách môn Điền kinh Tổng cục TDTT, không chỉ môn Điền kinh mà hầu hết các môn thể thao khác giờ như đang “ngồi trên đống lửa” bởi không biết có tham dự được các cuộc thi đấu cuối cùng giành vé dự Olympic, tổ chức vào các tháng sắp tới hay không. Với môn Điền kinh, tại kỳ Olympic trước, Việt Nam giành được 3 suất của Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào nữ) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), nhưng cho tới giờ Điền kinh Việt Nam cũng chưa đoạt được tấm vé nào tới Nhật Bản vào tháng 7. “Sau khi một loạt giải đấu bị huỷ, giờ chúng tôi chỉ còn cơ hội cuối cùng giành vé dự Olympic tại Giải Điền kinh vô địch thế giới, tổ chức tại Ba Lan vào tháng 5. Tuy nhiên, cho tới giờ cũng chưa biết có dự được giải đấu này hay không bởi còn vướng các khâu về thủ tục như làm visa không dễ, đường bay và thậm chí cho tới giờ, theo thông báo của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, chúng ta còn chưa nhận được thư mời của Liên đoàn Điền kinh thế giới. Vì những lý do khách quan này nên có thể nói là cửa giành vé của các VĐV Điền kinh Việt Nam là khá hẹp”, ông Dương Đức Thuỷ cho biết.
Nóng lòng hơn là đội tuyển Bắn súng. Nếu cách đây 4 năm, Bắn súng làm nên câu chuyện cổ tích của Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội với tấm HCV như mơ của Hoàng Xuân Vinh thì cho tới giờ, môn này vẫn chưa giành được tấm vé nào tới Olympic. HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung cho biết, Bắn súng chỉ còn cơ hội cuối lấy chuẩn tại Cúp Bắn súng thế giới, được xem như vòng loại Olympic, tổ chức tại Ấn Độ, bắt đầu thi đấu từ ngày 18.3. Chúng tôi sẽ lên đường tham dự vào ngày 16.3, toàn đội sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng và cố gắng đạt thành tích tốt nhất.
Chỉ cần có lệnh là lên đường
Tại Olympic 2016, Cử tạ cũng có tới 4 VĐV dự Thế vận hội nhưng cho tới giờ dù Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên gần như đã chắc suất và Vương Thị Huyền cũng coi như đã đoạt được 50% vé dự Olympic nhưng vẫn cần phải trải qua các cuộc thi đấu tại Giải vô địch châu Á, tổ chức vào tháng 4 tại Uzbekistan. Theo HLV Huỳnh Hữu Chí, hiện Thạch Kim Tuấn vẫn đang tích cực tập luyện nhưng có tham dự được giải đấu này hay không lại là câu chuyện khác. Dù giải đấu vẫn được Uzbekstan tổ chức, nhưng cho tới giờ việc làm sao để có thể lên máy bay bay đến được nơi tổ chức rồi lại bay về quê nhà vẫn còn là dấu hỏi. “Các HLV cũng chỉ còn cách duy nhất là miệt mài cùng các VĐV tập luyện chuẩn bị có lệnh là sẽ lên đường”, HLV Huỳnh Hữu Chí nói.
Ở kỳ Đại hội cách đây hơn 4 năm, Đấu kiếm cũng là đội tuyển thành công khi có tới 4 VĐV giành được vé đến Olympic bằng cửa chính. Cho tới giờ chỉ còn lại kiếm thủ Nguyễn Thành An trong số 4 gương mặt sáng giá khi ấy vẫn còn theo đuổi ước mơ giành vé dự Olympic. “Hiện chúng tôi tập thể lực là chủ yếu, sau đó sẽ đến Tam Đảo tập huấn. Trong tháng 3, Đấu kiếm có World Cup tổ chức tại Budapest (Hungary) nhưng chúng tôi không thể dự giải đấu này. Tôi xem danh sách đăng ký thì thấy các đối thủ vẫn thi đấu tại giải đấu này để tích điểm còn tôi thì không. Ở nội dung của tôi là cuộc tranh chấp giữa các VĐV của Nhật Bản, Việt Nam và Kuwait, họ dự giải thế giới đương nhiên sẽ có lợi thế hơn mình trong việc tích điểm. Hiện tại tôi đang tích cực tập luyện cho giải vô địch châu Á và là vòng loại trực tiếp Olympic, tổ chức vào tháng 4. Mong mọi chuyện thuận lợi để chúng tôi có thể lên đường”, Vũ Thành An nói.
Trong khi đó Thể dục dụng cụ cũng sẽ tìm cơ hội cuối tại giải vô địch châu Á tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 6. “Liên đoàn Thể dục quốc tế (FIG) đã huỷ bỏ các giải đơn môn để lấy chuẩn chưa tổ chức được trong năm 2020 nên chỉ còn giải đấu tháng 6 này. Giải đấu này mỗi châu lục chỉ giành được 2 suất nên cơ hội lại càng khó nhưng càng khó thì chúng tôi càng phải cố”, bà Nguyễn Kim Lan, Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Thể dục Việt Nam chia sẻ. Hiện Thể dục dụng cụ đã đoạt 1 vé dự Olympic của Thanh Tùng và vé còn lại đang được trông chờ vào Đinh Phương Thành.
Ở kỳ Đại hội cách đây 4 năm, lần đầu tiên đánh dấu mốc son đáng nhớ với thể thao Việt Nam khi có tới 23 VĐV giành vé đến Olympic bằng cửa chính. Và kỳ tích đã xảy ra khi chúng ta giành 1 HCV, 1 HCB, thiết lập kỷ lục mới của Olympic do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, nâng vị trí của Việt Nam lên 48/86 quốc gia và vùng lãnh thổ có huy chương tại thế vận hội. Thế nhưng vầng hào quang chói loà đó dường như là câu chuyện của quá khứ. Và giờ việc giải bài toán giành 20 vé dự Olympic, đặt ra trước khi xảy ra đại dịch, lại không phải là câu chuyện của riêng thể thao Việt Nam. Bởi còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan trong đó có điều kiện then chốt là đại dịch phải được khống chế trên toàn thế giới.
THU SÂM