Nỗi ám ảnh doping và quyết tâm vì một nền thể thao “sạch”
VHO- Doping từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của thể thao Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung và trên thực tế đã không ít lần các VĐV của chúng ta phải chịu án kỷ luật vì những lỗi “thiếu hiểu biết”.
Thể thao Việt Nam tuyên chiến với doping để xây dựng một nền thể thao “sạch” và đẹp Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Với một Trưởng đoàn kỳ cựu, dày dặn như Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, những ký ức buồn về sự cố Ngân Thương bị phát hiện dương tính với doping tại Olympic 2008, như mới diễn ra ngày hôm qua…
Từ những bài học đau lòng...
“Hồi đó chúng tôi phải giải trình lên xuống mấy lần, xấu hổ không để đâu cho hết và luôn miệng phải nói lời xin lỗi”, ông Hoàng Vĩnh Giang nhớ lại. Chuyện xảy ra vào Olympic năm 2008, tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Ngân Thương lên đường dự Đại hội theo suất mời, không nhằm mục đích tranh huy chương. Tuy nhiên tin sét đánh đã đến sau khi Ngân Thương kết thúc phần thi đấu với vị trí thứ 59, cô bắt được lá thăm đi kiểm tra doping ngẫu nhiên và có kết quả dương tính với chất lợi tiểu Furosemide.
Và buổi chiều 14.8.2008 đã trở thành buổi chiều không thể quên với ông Hoàng Vĩnh Giang khi ông cùng HLV và VĐV Đỗ Thị Ngân Thương phải giải trình tại cuộc họp của Uỷ ban Kỷ luật, Uỷ ban Y học và Liên đoàn Thể dục quốc tế. Tại đây, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã báo cáo việc Ngân Thương sử dụng chất lợi tiểu là đúng. Song ông Giang đề nghị các bên xem xét vì Ngân Thương sử dụng thuốc này không nhằm mục đích nâng cao thành tích. Bản thân cô cũng biết rõ trình độ của mình còn kém xa các VĐV hàng đầu thế giới, tranh chấp huy chương thời đó. “Ngân Thương chỉ muốn cho vóc dáng thon thả, dễ nhìn hơn khi xuất hiện trước ống kính nên đây có thể coi là một tai nạn của sự thiếu hiểu biết”, ông Giang nói. Ngay sau khi Ngân Thương trở về Việt Nam, Liên đoàn Thể dục Việt Nam cũng đã lập tức tổ chức họp và có báo cáo gửi Liên đoàn Thể dục thế giới và IOC trong đó đề nghị mức kỷ luật với Ngân Thương là tước quyền thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế trong vòng 1 năm. Quyết định này sau đó đã được các tổ chức quốc tế về doping chấp nhận, có lẽ cũng do cảm thông vì lý do dính doping này.
Bàn về câu chuyện doping, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam cho biết, mỗi một lần có án phạt về doping là ông lại cảm thấy hẫng hụt, tiếc nuối bởi chỉ cần một chút xao nhãng, có thể là cả quá trình tập luyện trong vài năm có khi lên tới chục năm của VĐV, sẽ đổ xuống sông, xuống biển vì thành tích không được công nhận, lại phải lĩnh thêm án phạt cấm thi đấu. Một trường hợp nữa cũng khiến ông Phú “đau” đó là Vũ Thị Ly dính doping tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016. Ly tham gia Đại hội cũng không nhằm mục đích lấy huy chương và thực tế nội dung cô tham dự - tiếp sức băng đồng nữ - cũng không có huy chương. Trước khi dự Đại hội, Ly bị sốt và phải dùng thuốc. Trong thuốc điều trị sốt có loại chất trước đó không nằm trong danh mục chất cấm của Uỷ ban phòng chống doping thế giới nhưng sau đó lại được bổ sung nên Ly vẫn được kết luận là dương tính với doping.
...Đến quyết tâm phải “sạch”
Trong số các án doping của Thể thao Việt Nam cho tới giờ bác sĩ Phú vẫn tiếc nhất là trường hợp của đô cử Hoàng Anh Tuấn. Khi đó Tuấn là đương kim á quân Olympic 2008 và có khả năng tranh chấp huy chương tại Asian Games 2010. Việc Tuấn bị loại trước thềm Đại hội thể thao lớn nhất châu lục cùng án phạt cấm thi đấu 2 năm, đã tước đi cơ hội tranh chấp huy chương của thể thao Việt Nam. “Chỉ cần một chút sơ sểnh đã dẫn đến hậu quả thật lớn không chỉ về thành tích mà còn về uy tín, danh dự của Thể thao Việt Nam”, bác sĩ Phú trăn trở.
Còn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện từng chia sẻ rằng ông rất buồn, bức xúc khi biết thông tin 2 VĐV cử tạ Việt Nam bị phát hiện dương tính với doping trong năm qua. “Việc VĐV bị dương tính với doping không chỉ đơn thuần là câu chuyện của riêng thể thao. Đó là câu chuyện liên quan đến uy tín, danh dự của đất nước. Vì thế thể thao Việt Nam không thể chần chừ mà phải hành động ngay, phải tuyên chiến với doping. Ngay cả những chiếc huy chương cao quý nhất như HCV Olympic nhưng nếu bị phát hiện dương tính với doping thì cũng chẳng còn giá trị gì. Thể thao Việt Nam phải sạch, phải phát triển bền vững chứ không thể tì vết vì những án phạt doping như thế này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Thường vụ Uỷ ban Olympic Việt Nam lần thứ 8.
Và để hiện thực hoá quyết tâm phải “sạch” của thể thao Việt Nam, theo bác sĩ Phú trong năm 2021, ngành TDTT sẽ tiến hành kiểm tra lấy khoảng 30 mẫu tại các giải VĐQG, tập trung vào một số môn thể thao hàng đầu của TTVN tại SEA Games, Asian Games và Olympic. Việc lấy mẫu sẽ tiến hành kiểm tra theo phương thức đột xuất và ngẫu nhiên, từ đó sẽ nâng cao ý thức về việc phòng, chống doping cho các HLV, VĐV. Mẫu kiểm tra sẽ được phân tích tại Phòng xét nghiệm tiêu chuẩn được Tổ chức chống doping thế giới công nhận. Bên cạnh đó, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã xây dựng kế hoạch để tăng cường việc tuyên truyền về công tác phòng, chống doping cho các VĐV, HLV tại các Trung tâm HLTT quốc gia, các địa điểm tập huấn bằng việc mở các lớp bồi dưỡng phòng, chống tác hại của doping cho các VĐV, HLV. Trung tâm cũng đang tiến hành xây dựng các quy định, chế tài xử phạt đối với các trường hợp VĐV, HLV vi phạm trong công tác phòng, chống doping.
Hy vọng với những nỗ lực đó, thể thao Việt Nam sẽ dần thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “doping” để xây dựng một nền thể thao “sạch” và đẹp.
THU SÂM