Chuyện chưa biết về biểu tượng vui của SEA Games 31
VHO- Trong cái bộn bề của những ngày cuối năm, chúng tôi hẹn gặp họa sĩ Ngô Xuân Khôi, tác giả của mẫu biểu tượng vui SEA Games 31 tại Nhà xuất bản Phụ nữ. Câu chuyện của chúng tôi thoảng lại bị gián đoạn bởi ông còn bận rộn với công việc thiết kế bìa sách và vẽ tranh minh họa cho các báo.
Sao la, mẫu chính thức được duyệt
Nhưng không vì thế mà câu chuyện về Sao la, biểu tượng vui chính thức của SEA Games 31 lại thiếu đi những tình tiết rất thú vị.
Ấn tượng về Sao la
từ năm 1992 Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết, ông sinh ra ở một vùng rừng núi miền Tây Nghệ An, bố mẹ ông công tác trong ngành Lâm nghiệp nên ngay từ bé, ông đã quan tâm và yêu thích nhiều loài động vật. Năm 1992, ông tình cờ đọc được tin tức về Sao la lần đầu tiên trên thế giới được phát hiện tại vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đây được xem là phát hiện ấn tượng nhất của giới sinh học giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và gây chấn động mạnh với khoa học và sách Đỏ thế giới (IUCN). Vốn yêu thích động vật, là người con của miền Trung nên khi đọc được thông tin Sao la xuất hiện ngay cạnh quê hương Nghệ An, ông lập tức chú ý. Càng ấn tượng hơn khi nhìn qua ảnh, Sao la có nét đáng yêu, hao hao giống Hươu sao nhưng đây lại là con vật tưởng như đã bị tuyệt chủng từ lâu.
“Kể từ năm 1992 đến nay, tôi vẫn để ý đến thông tin về Sao la và tìm bất cứ bài báo nào viết về loài động vật vô cùng quý hiếm này. Thế nên khi tham gia cuộc thi sáng tác mẫu biểu tượng vui SEA Games 31, tôi đã nghĩ ngay đến Sao la bởi Sao la đáp ứng được tiêu chí độc đáo, là con vật đặc trưng cho nước chủ nhà. Tôi có đọc một nghiên cứu nói rằng, Sao la chỉ sống ở dãy Trường Sơn và chỉ có ở Việt Nam và Lào. Trong 25 năm các nhà khoa học đặt máy ảnh chụp tự động bằng tia hồng ngoại, phát hiện các cá thể quý hiếm này lọt vào ống kính chỉ có 5 lần, trong đó ở Việt Nam 3 lần và ở Lào là 2. Hiện nay ở Việt Nam còn khoảng 100 cá thể, từ năm 2012 - 2013 bắt đầu có các trung tâm bảo tồn, nhân giống ở vùng Quảng Ngãi và Hà Tĩnh. Tôi cũng rất vui mừng sau khi đọc thông tin vào năm 2019, hình ảnh một cá thể động vật hoang dã được khẳng định 90% là Sao la, bất ngờ lọt vào bẫy ảnh của giới nghiên cứu khoa học trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình. Đó là dấu hiệu vui mừng vì bấy lâu nay tưởng như đã vắng bóng Sao la trong điều kiện tự nhiên. Như vậy, ở Việt Nam vẫn lưu giữ được loài động vật quý hiếm này và cũng cảm ơn thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng nước ta một loài vật có một không hai trên thế giới”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi hào hứng.
Sao la, bản mẫu đầu tiên dự thi
Tạo hình Sao la có lúc tròn trĩnh giống chú mèo Doraemon
Muốn giới thiệu với bạn bè khu vực và quốc tế về hình ảnh một Việt Nam đa dạng sinh học với niềm tự hào là một trong hai nơi hiếm hoi phát hiện ra loài động vật quý, cần bảo tồn khẩn cấp, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã trăn trở nhiều đêm để làm sao từ hình ảnh chú Sao la chỉ nhìn thấy trên sách, báo có thể tạo hình được một mẫu biểu tượng đồ họa vừa có đặc điểm nhận dạng của Sao la, vừa mang nét vui tươi, khỏe khoắn, thân thiện của thể thao. Để có mẫu cuối cùng được phê duyệt, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã phải trải qua hàng trăm bản vẽ khác nhau. Lúc đầu hình ảnh chú Sao la được họa sĩ phác họa, dù đã nhân cách hóa và có đặc điểm dễ nhận biết là các đốm trắng bên má của Sao la nhưng lại hơi mảnh mai, gày gò. “Khi ấy cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi đã nói với tôi: “Cậu vẽ Sao la gầy quá, trông không khỏe khoắn, đúng với tinh thần thể thao. Cậu phải hình dung con Sao la cho SEA Games 31 phải tròn tròn, ngộ nghĩnh, đáng yêu như Pikachu hay chú mèo Doremon, để làm thú nhồi bông nữa”.
Sau đó, tôi tìm xem các minh họa và phim hoạt hình để tham khảo hình tượng chú mèo Doraemon và Pikachu trong games rồi chỉnh sửa, cách điệu hình mẫu Sao la trong bản vẽ ngắn lại, tròn trĩnh hơn. Nhưng Hội đồng Giám khảo lại băn khoăn với tạo hình mũm mĩm như vậy thì khi chuyển thành hình ảnh động hay 3D rất khó thể hiện Sao la với các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội hay bắn cung, đấu võ… Tôi lại tiếp tục chỉnh sửa. Lần này tôi vẽ 7 mẫu và tập trung vào các mẫu đánh thứ tự từ 1 đến 6. Mẫu thứ 7, tôi nghĩ là phương án dự phòng nhưng cuối cùng lại được chọn. Đó chính là mẫu chú Sao la đang chạy, trông khá vui vẻ. Nhưng dù được chọn thì chú Sao la này vẫn cần phải hoàn thiện để có “khuôn mặt” và cái “miệng” xinh xắn hơn nữa. Rất may, sau đó tôi được Tổ chức bảo tồn động vật quý hiếm tại Việt Nam (WWF) góp ý thêm một số đặc điểm sinh học của Sao la. Mẫu cuối cùng được phê duyệt là hình ảnh chú Sao la khỏe khoắn, tươi tắn, thông minh, vui vẻ hơn.
Sao la có lúc được họa sĩ phác thảo ngộ nghĩnh như chú mèo Doraemon
Điều thú vị nữa là, sau một vòng chỉnh sửa, mẫu được duyệt gần như trở về hình dáng bài dự thi ban đầu, chỉ khác là mạnh mẽ hơn, mập mạp, uy nghi và hóm hỉnh hơn. Tay phải giơ cao, hai ngón tay xòe hình chữ V, chữ cái đầu của tên Việt Nam, cũng có thể hiểu là Victory - chiến thắng”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi hào hứng kể. Sao la mang đặc trưng của Việt Nam Không chỉ muốn giới thiệu với bạn bè khu vực về một loài vật quý hiếm đang tồn tại ở Việt Nam, họa sĩ Ngô Xuân Khôi còn mong muốn Sao la phải thể hiện được đặc trưng của văn hóa Việt; nhìn là thấy hồn cốt, phong vị Việt. Vì thế “trang phục” của Sao la được ông sử dụng là trang phục truyền thống với màu sắc ấm áp, tươi tắn, chủ đạo là gam màu ấm áp với đỏ - vàng và nâu. Từ bản vẽ ban đầu, trải qua hàng trăm phác thảo, có đêm đang ngủ, chợt nảy ra ý tưởng, họa sĩ lại bật dậy rồi miệt mài tìm hình, chỉnh nét, thay đổi màu sắc. Đó là cả một quá trình lao động tìm tòi, sáng tạo để vẽ nên hình tượng chú Sao la, biểu tượng vui SEA Games 31, vừa có đặc điểm nhận dạng của con vật ngoài đời, vừa có tính riêng biệt, độc đáo, không trộn lẫn, không sao chép, lai căng, có bản sắc văn hóa Việt.
Theo thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng, biểu tượng vui của SEA Games 31, họa sĩ Lê Huy Tiếp, khi chọn Sao la làm biểu tượng vui, Hội đồng đã phải trải qua nhiều tranh luận. “Trong các tiêu chí được đưa ra để lựa chọn thì trước hết đó phải là con vật chưa từng được sử dụng trong các kỳ thế vận hội, Á vận hội hay các Đại hội ở các châu lục khác nhau. Tiêu chí tiếp theo là tác phẩm đó phải tươi mới về hình thức thể hiện, bắt mắt. Cũng có rất nhiều con vật để người ta lựa chọn. Có người chọn gà, người chọn hổ, chọn rùa, chọn nghê, chọn rồng… Dù đều có lý do riêng nhưng các con vật trên hoặc đã được sử dụng tại nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới, hoặc lai căng, không thuần Việt, hoặc là con vật không có thật. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định chọn Sao la, vì đây là động vật quý hiếm, gần như chỉ có ở Việt Nam, mang đặc trưng của Việt Nam, lại rất tinh, khéo léo, chạy nhanh, phù hợp với đặc trưng của thể thao. Vì thế Sao la cũng có thể xem là đặc trưng của Việt Nam. Chọn Sao la, ngoài việc chúng tôi muốn giới thiệu sự đa dạng của sinh học, Việt Nam còn muốn nhân dịp này tuyên truyền cho tinh thần bảo vệ các loài động vật hoang dã. Hội đồng đã trải qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa về tạo hình, màu sắc để có được mẫu linh vật như ngày hôm nay. Chúng tôi mong rằng, biểu tượng vui Sao la sẽ được yêu quý và là đặc trưng của Việt Nam ở SEA Games tới”, họa sĩ Lê Huy Tiếp chia sẻ
THU SÂM