Tập trung “binh hùng, tướng mạnh” cho SEA Games 31
VHO- Cho tới giờ, dù đã hơn 17 năm trôi qua nhưng với nhiều người hâm mộ, ký ức về những ngày hào hùng, sôi nổi của SEA Games 22 vẫn còn in đậm. Câu chuyện thú vị của năm 2003 nhiều khả năng sẽ được tái hiện đầy tự hào vào tháng 12 tới, tại SEA Games 31.
Thể thao Việt Nam mong muốn tiếp tục mang lại niềm vui, tự hào tới người hâm mộ Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Đây là lần thứ hai SEA Games được tổ chức trên sân nhà và ngành thể thao đang nỗ lực hết sức mình để một lần nữa mang lại niềm vui cho người dân cả nước.
Không còn là “ao làng”
Nếu như trước đây SEA Games thường bị gắn với tiếng “ao làng” bởi những cuộc thi đấu thiếu fair-play, nhằm mục đích thâu tóm tối đa huy chương của các đoàn thì nay cùng với sự tiến bộ chung của nền kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á, các cuộc thi đấu của SEA Games cũng tiến bộ, sòng phẳng hơn. Vì thế theo nhận định của Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT Hoàng Quốc Vinh, SEA Games giờ luôn là đấu trường cạnh tranh khốc liệt, nhất là với các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic hay Asian Games. Đơn cử như môn Điền kinh, Việt Nam sẽ tranh chấp phần lớn nội dung với Thái Lan, còn lại vài cự ly, sẽ tranh chấp với Philippines và Malaysia. Trong khi đó do sự tiến bộ không ngừng trong thời gian qua nên giờ Bơi Việt Nam có cơ hội tranh chấp với Singapore. Với môn Thể dục, sẽ là cuộc tranh tài của Việt Nam và Philippines. Bắn súng, chúng ta sẽ tiếp tục cạnh tranh với Thái Lan. Cử tạ, Việt Nam tranh chấp với Indonesia... Đặc biệt với môn thể thao hấp dẫn nhất là Bóng đá, SEA Games tới sẽ là cuộc chiến đầy bất ngờ giữa Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Tuy là sân chơi khu vực nhưng theo ông Vinh, SEA Games lại là đấu trường quy tụ nhiều nhà vô địch Olympic và thế giới như ở môn Cầu lông là Lee Chong Wei (Malaysia); môn Bơi là Schooling (Singapore), môn Bắn súng là Hoàng Xuân Vinh (Việt Nam)...
“Tại hai kỳ SEA Games liên tiếp vào các năm 2017, 2019, Đoàn Thể thao Việt Nam giành vị trí thứ ba và thứ hai trong đó dẫn đầu ở các môn như Điền kinh, Bóng đá. Đây là vị trí mà các quốc gia khác rất muốn vượt qua. Khó khăn nữa là bên cạnh lợi thế vì được thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả nhà, các VĐV cũng đứng trước áp lực lớn để đáp ứng được sự kỳ vọng và yêu mến của người hâm mộ. Đặc biệt, thách thức lớn nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng đăng cai, tổ chức của Việt Nam cũng như ảnh hưởng nặng nề đến việc thi đấu, tập huấn của các VĐV. Đây cũng là câu hỏi nóng, được các nước quan tâm và hỏi nhiều nhất tại cuộc họp của Hội đồng SEA Games vào ngày 19.11.2020. Từ thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là: Thể thao Việt Nam sẽ có kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham dự như thế nào? Các giải pháp để giành được những thành tích cao nhất tại SEA Games 31?”, Vụ trưởng Hoàng Quốc Vinh phân tích và đặt câu hỏi.
Chủ động trước mọi tình huống
Từ những phân tích đó, Vụ trưởng Hoàng Quốc Vinh đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể là việc chuẩn bị các nhóm môn tham dự theo điều lệ SEA Games, như nhóm 1 là 2 môn bắt buộc gồm Điền kinh và Bơi lội. Nhóm 2 là nhóm các môn thường có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games như Bắn súng, Thể dục, Bơi, Cử tạ, Đấu kiếm, Xe đạp, Bắn cung; các môn võ đối kháng như Karatedo, Taekwondo, Vật, Wushu, Pencak Silat, Kurush. Nhóm 3 là một vài môn truyền thống của các quốc gia ASEAN như Jujitsu, Vovinam…
Tiếp theo là việc đào tạo và tập huấn nâng cao thành tích thi đấu cho các VĐV. Thông qua việc xác định các môn, nội dung thi đấu mà Việt Nam có thể giành huy chương tại Đại hội, chúng ta sẽ tiến hành tuyển chọn VĐV, HLV giỏi, thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ chuyên môn cao để tập huấn cho các VĐV xuất sắc; đánh giá công tác huấn luyện của các đội tuyển theo từng thời kỳ, giai đoạn tập huấn. Tiếp theo các VĐV cần được thi đấu cọ xát. Nếu việc tập huấn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì các cuộc thi đấu ở trong nước sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các VĐV cọ xát, nâng cao trình độ.
Bên cạnh các giải pháp về chuyên môn, ông Hoàng Quốc Vinh cũng cho rằng, Thể thao Việt Nam cần ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nâng cao thành tích cho VĐV. “Thực tế đã chứng minh, trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội thì giải pháp công nghệ 4.0 đã phát huy hiệu quả cho các VĐV như tổ chức thi đấu online, hay tạo thành các nhóm giữa HLV và VĐV để trao đổi bài tập, giáo án huấn luyện hay chỉnh sửa các động tác kỹ thuật. Tiếp theo là giải pháp về tâm lý – giáo dục. Về giải pháp này trước mắt vì chưa tìm được chuyên gia giỏi về tâm lý cho VĐV nên chúng tôi khuyến khích các ban huấn luyện tăng cường giáo dục, truyền cảm hứng, tinh thần bình tĩnh, tự tin trong mọi tình huống, trước mọi đối thủ, các VĐV phải luôn thi đấu với cái đầu lạnh và trái tim nóng. Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ giải pháp về hồi phục cho VĐV tích cực và hiệu quả sau mỗi buổi tập luyện và thi đấu; nâng cao chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau vận động… Khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ thì chắc chắn các VĐV sẽ thi đấu đạt thành tích tốt, mang vinh quang về cho Tổ quốc”, ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.
THU SÂM