Chấn thương, chuyện nan giải ở tuyển Việt Nam

VHO- Trong lúc người hâm mộ háo hức chờ ngày đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng trong năm tới thì một thông tin không vui lại đến, khi hậu vệ Đoàn Văn Hậu tái phát chấn thương với mức độ nghiêm trọng hơn, phải nghỉ tập luyện và thi đấu khoảng 3 tháng, đồng thời bỏ lỡ đợt hội quân trên tuyển cùng các đồng đội.

Chấn thương, chuyện nan giải ở tuyển Việt Nam - Anh 1

 Văn Hậu cần toàn tâm toàn ý để điều trị và phục hồi chấn thương một cách tốt nhất Ảnh: CLB Hà Nội

Văn Hậu chỉ là một trong những trường hợp thường thấy ở ĐT Việt Nam trong thời gian qua. Điều này khiến “Những ngôi sao vàng” thường xuyên thiếu vắng những trụ cột ở những lần hội quân và thi đấu, đó cũng là cơn đau đầu khó chịu với HLV Park Hang-seo.

Bài học từ Đình Trọng

Sau chuyến “du học” trở về từ Hà Lan, Văn Hậu được kỳ vọng là sự bổ sung chất lượng nơi hàng phòng ngự giúp CLB Hà Nội cạnh tranh chức vô địch V.League 2020. Thế nhưng, vận may đã không mỉm cười với cầu thủ này, chấn thương đã cướp đi cơ hội để anh cống hiến cho đội bóng chủ quản.

Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, CLB Hà Nội thông báo Văn Hậu gặp đa chấn thương trong một buổi tập của đội bóng dù anh không va chạm với ai. Hậu vệ 21 tuổi này được chẩn đoán phù dây chằng chéo trước, chéo sau và gân cơ kheo, dập sừng sau sụn chêm trong, sừng trước sụn chêm ngoài độ 1 ở đầu gối phải. Do đó, Văn Hậu phải nghỉ đến 5 trận đầu ở giai đoạn 2 V.League 2020 trước khi được HLV Chu Đình Nghiêm tung ra sân ở 2 lượt cuối. Sau khi V.League 2020 kết thúc, Văn Hậu còn tham gia vào một trận đấu từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ tại TP.HCM. Thế nhưng mới đây, CLB Hà Nội cho biết chấn thương của Văn Hậu tái phát, hậu vệ người Thái Bình bị mẻ sụn chêm đầu gối do ảnh hưởng từ chấn thương cũ. Với chấn thương này, Văn Hậu sẽ cần 3 tháng để hồi phục và sẽ không thể hội quân cùng đội tuyển Việt Nam, cầu thủ này cũng mất giai đoạn đầu mùa giải 2021.

Trường hợp của Văn Hậu khá giống với người đàn anh ở ĐT Việt Nam và CLB Hà Nội là trung vệ Trần Đình Trọng. Dính chấn thương dây chằng chéo hồi giữa tháng 6 năm ngoái, Đình Trọng không thể tham dự Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30. Sau đó, trung vệ sinh năm 1997 “tái xuất” tại VCK U23 châu Á 2020 hồi tháng 1 ở Thái Lan dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục 100%. Nhưng Đình Trọng vẫn thi đấu 3 trận vòng bảng cùng U23 Việt Nam, trong đó có 2 trận vào sân từ băng ghế dự bị. Kết quả, U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng còn Đình Trọng tái phát chấn thương. Trong suốt hơn nửa năm 2020, Đình Trọng đã nỗ lực tập luyện tại PVF để chờ ngày bình phục nhưng cuối tháng 8 vừa qua, anh tiếp tục tái phát chấn thương và phải phẫu thuật, đồng thời phải nghỉ thi đấu hết năm 2020.

Trường hợp của Đình Trọng là một lời cảnh báo với Văn Hậu trong việc điều trị và hồi phục chấn thương. Điều trị chấn thương rất quan trọng nhưng quá trình phục hồi cũng quan trọng không kém và không được xem nhẹ, không thể “đốt cháy giai đoạn” mà hãy thật kiên nhẫn. Văn Hậu còn rất trẻ, anh có thể trạng tốt và đặc biệt không có tiền án chấn thương nghiêm trọng nào. Tuyển Việt Nam phải tới ngày 30.3.2021 mới đá với Malaysia, còn việc Văn Hậu không thi đấu giai đoạn đầu V.League 2021 với CLB Hà Nội cũng không quá quan trọng, điều quan trọng bây giờ là cầu thủ này nên tập trung, toàn tâm toàn ý để điều trị và phục hồi chấn thương một cách tốt nhất.

“Căn bệnh” của đội tuyển

Bên cạnh Văn Hậu, một tuyển thủ Việt Nam khác cũng dính chấn thương trong thời gian qua là Nguyễn Công Phượng. Chân sút quê Nghệ An thi đấu thành công ở giai đoạn 1 V.League 2020 và bất ngờ dính chấn thương ngón chân, nghỉ hết giai đoạn 2. Nhưng nếu so ra, Công Phượng và Văn Hậu còn may mắn hơn nhiều với những người đồng đội tại ĐT Việt Nam từng giành HCB tại VCK U23 châu Á 2018.

Có đến 6 cầu thủ từng dính chấn thương liên quan đến dây chằng là Xuân Trường, Văn Đức, Văn Thanh, Xuân Mạnh, Đình Trọng và Duy Mạnh. Điểm chung của các trường hợp này là đều phải phẫu thuật và cần rất nhiều thời gian để hồi phục, trong đó Đình Trọng và Duy Mạnh vẫn chưa thể trở lại sân cỏ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chấn thương hàng loạt từ lứa cầu thủ này là do thi đấu quá nhiều. Kể từ sau chiến tích Thường Châu, đa phần các cầu thủ trở thành trụ cột trong màu áo CLB lẫn ĐTQG, việc liên tục “cày ải” khiến họ không thể không tránh khỏi những chấn thương. Tiền vệ Phan Văn Đức, một trong những cầu thủ từng bị đứt dây chằng chỉ ra nguyên nhân việc anh và các đồng đội tại ĐT Việt Nam hay dính kiểu chấn thương này: “Tôi cho rằng vì mặt sân xấu, đặc biệt là tình trạng thi đấu liên tục dẫn đến quá tải. Chúng tôi chinh chiến liên tục, cơ thể mệt mỏi. Nhưng CLB không thể không sử dụng vì thành tích, vì người hâm mộ kỳ vọng. Còn cầu thủ thì máu lửa, luôn sẵn sàng vào sân”.

Với bác sĩ Choi Ju-young, người được gọi là “thần y” ở ĐT Việt Nam, từng làm công tác hồi phục trực tiếp cho những cầu thủ dính chấn thương đứt dây chằng như Tuấn Anh, Văn Thanh, Xuân Mạnh, Đình Trọng, Văn Đức lý giải: “Theo tôi các cầu thủ chẳng ai muốn bị chấn thương, nhất là bị đứt dây chằng chéo trước cả. Chấn thương này xảy ra ở 3 trường hợp. Thứ nhất là trạng thái của cầu thủ là tốt nhất. Thứ hai là khi cầu thủ ở trạng thái thi đấu xấu nhất. Thứ ba là bất ổn về mặt tâm lý. Trong điều kiện trạng thái của cầu thủ tốt, thì họ thi đấu với tinh thần cao hơn mức cơ thể chịu được nên rất dễ gặp chấn thương. Còn khi tâm trạng không ổn định thì càng dễ bị chấn thương hơn. Bởi lúc đấy, họ đang suy nghĩ điều gì đó ngoài bóng đá. Vì vậy rất dễ gặp chấn thương ở thời điểm như vậy”.

Chấn thương dây chằng là nỗi ám ảnh lớn với bất cứ cầu thủ bóng đá nào. Và thật trùng hợp khi trong 2 năm qua, hàng loạt các tuyển thủ Việt Nam đồng loạt “rủ nhau” dính kiểu chấn thương này. Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của đoàn quân áo đỏ tại các giải đấu quốc tế và là cơn đau đầu của HLV Park Hang-seo… 

 VĨNH HY

Ý kiến bạn đọc