FIFA sẽ hỗ trợ 1 triệu USD cho Bóng đá Việt Nam khắc phục hậu quả Covid-19: Đúng là tiền vào nhà khó...

VHO- Cho tới hôm qua 11.8, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ 1 triệu USD khắc phục hậu quả Covid-19 từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Dù tiền chưa về nhưng hàng trăm khoản lại đang trông chờ vào gói hỗ trợ này.

FIFA sẽ hỗ trợ 1 triệu USD cho Bóng đá Việt Nam khắc phục hậu quả Covid-19: Đúng là tiền vào nhà khó... - Anh 1

 Khoản hỗ trợ 1 triệu USD của FIFA chỉ như muối bỏ biển trước những khó khăn hiện nay của Bóng đá Việt Nam Ảnh: VPF

 Trong văn bản gửi VFF, VPF vào ngày 5.8, đội bóng xứ Thanh cho biết, CLB Thanh Hóa quyết định không tiếp tục tham gia các trận đấu còn lại của LS V.League do ảnh hưởng của Covid-19, chưa biết giải khi nào mới trở lại, trong khi tình hình hoạt động của CLB đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn tài chính để duy trì hoạt động.

Ai cũng gặp khó

Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp cũng cho hay, CLB gặp quá nhiều khó khăn nếu như mùa giải kéo dài. Dự trù kinh phí của đội bóng mùa này chỉ “tồn tại” đến ngày 31.10, thời điểm kết thúc mùa giải nên nếu kéo dài thêm vài tháng, CLB không biết xoay đâu ra nguồn trả lương cho cầu thủ, kinh phí duy trì đội bóng. Những CLB “nhà nghèo” khác ở V.League như Nam Định cũng trong tình cảnh tương tự.

Hiện tại chỉ những CLB có “Mạnh Thường Quân” khủng đứng đằng sau như CLB Hà Nội, CLB Sài Gòn, TP.HCM… là không phải quá lo lắng khi mùa giải kéo dài. Tuy nhiên kể cả các CLB đại gia đi nữa, dịch bệnh kéo dài cũng gây ảnh hưởng lớn đến kinh phí hoạt động. Chủ tịch CLB Hà Nội ông Đỗ Vinh Quang từng chia sẻ, dù đội luôn có quỹ dự phòng cho những tình huống khó khăn nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì đội cũng sẽ phải cân đối lại về tài chính. Trong lúc các CLB đang than trời thì 2 đơn vị quản lý về bóng đá và các giải đấu là VFF và VPF cũng khó khăn không kém. Một lãnh đạo VPF tiết lộ, nguồn thu của VPF chủ yếu từ nhà tài trợ. Với các giải đấu, nhà tài trợ giải ngân theo từng giai đoạn thi đấu của giải nên nếu giải phải tạm dừng, VPF cũng không nhận được tiền từ nhà tài trợ. Trong khi đó, mấy tháng trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, VFF đã phải cắt giảm lương của nhân viên. Nguồn thu của VFF một phần đến từ nguồn ngân sách nhà nước (chủ yếu cho công tác tập huấn, thi đấu của các đội tuyển), một phần trông chờ vào sự hỗ trợ của FIFA, AFC và nguồn thu quan trọng nhất là nhà tài trợ. Chính vì thế khi nền kinh tế chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam bị khủng hoảng do dịch bệnh thì VFF cũng lao đao theo.

Nếu tất cả trông chờ khoản hỗ trợ của FIFA…

Cho tới ngày 11.8, VFF cho biết họ vẫn chưa nhận được số tiền 1 triệu USD hỗ trợ cho các Liên đoàn thành viên và 500 ngàn USD hỗ trợ cho bóng đá nữ từ FIFA. Trước đó vào ngày 29.7, FIFA tuyên bố sẽ trích Quỹ đoàn kết hỗ trợ các Liên đoàn thành viên số tiền nêu trên để phát triển bóng đá nữ và vượt qua dịch bệnh.

Thông thường số tiền này sẽ được VFF chi vào công tác tập huấn, thi đấu của các đội tuyển quốc gia, các đội tuyển trẻ, sửa sang sân bãi, cơ sở tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam và chi một phần nhỏ cho việc duy trì bộ máy làm việc. Thế nhưng, ngay sau khi thông tin FIFA hỗ trợ VFF 1 triệu USD nhằm khắc phục hậu quả của Covid thì nhiều CLB cũng đang trông chờ vào khoản tiền này. Trong khi một số CLB gợi ý VFF hỗ trợ thì bầu Đệ thẳng thắn đề nghị bằng giấy trắng, mực đen trong văn bản gửi VFF, VPF về việc sẽ không tham gia các trận đấu còn lại của V.League. Trong công văn sau 24 giờ phải rút lại này, bầu Đệ đặt thẳng vấn đề, nếu được VFF, VPF hỗ trợ về tài chính thì CLB sẽ tiếp tục thi đấu trở lại.

Trước câu hỏi của phóng viên Văn Hóa về việc VPF có hỗ trợ các CLB trong lúc khó khăn không, một lãnh đạo của VPF ngao ngán: “VFF thì còn có nguồn hỗ trợ từ FIFA, chứ VPF thì làm gì có FIFA để hỗ trợ. Nếu giải cứ tạm dừng, nhà tài trợ không giải ngân, VPF cũng rất khó khăn trong việc duy trì các hoạt động, lấy đâu ra tiền để hỗ trợ các đội bóng”. Một lãnh đạo của VFF cũng cho biết, thông thường nguồn hỗ trợ của FIFA, VFF sẽ dùng vào các việc kể trên. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho các đội tuyển quốc gia, các đội tuyển trẻ quốc gia… Tính sơ qua con số này cũng lên tới khoảng chục đội. Trong tình hình hiện nay, VFF cũng muốn hỗ trợ các CLB khắc phục hậu quả của Covid. Tuy nhiên nếu VFF hỗ trợ thì sẽ không thể hỗ trợ riêng cho 14 CLB đang chơi ở V.League mà còn phải hỗ trợ cho 12 CLB đang chơi ở giải hạng Nhất và 15 đội thi đấu ở giải hạng Nhì.

Tính sơ qua cũng là 41 CLB. Đấy là còn chưa kể đến 72 tổ chức thành viên của VFF. Nếu họ cũng giống các CLB, sẽ lên tiếng “đòi” VFF hỗ trợ thì tổng số đơn vị mà VFF cần phải hỗ trợ có thể lên tới con số 123 trong khi số tiền của FIFA chỉ là 1 triệu USD (tương đương khoảng hơn 23 tỉ đồng). Nếu rải hết các “cửa” như thế, mỗi đơn vị sẽ được chưa đầy 200 triệu, sẽ chẳng thấm vào đâu và cũng không giải quyết được những vấn đề chính của Bóng đá Việt Nam. Trong khi tiêu tiền của FIFA lại không phải dễ vì đều phải theo yêu cầu của FIFA, chi vào những hạng mục nào và phải minh bạch, rõ ràng chứ không phải VFF muốn cho ai cũng được.

Một lãnh đạo VPF cũng nói thẳng: “Ai cũng biết khó khăn của các CLB nhưng trong điều lệ đã quy định rõ, mức ngân quỹ tối thiểu các CLB V.League phải đảm bảo mỗi năm là 35 tỉ đồng. Vậy bây giờ có CLB lại bảo chỉ có ngân sách hoạt động đến ngày 31.10 là sao? Không lẽ 2 tháng còn lại của năm, CLB không hoạt động, không trả lương cho cầu thủ? Các CLB không chuyên nghiệp thì rất khó để phát triển bóng đá. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chúng tôi mong tất cả cùng chung tay vượt qua thì Bóng đá Việt Nam mới tiến lên được”. 

 Ai cũng biết khó khăn của các CLB nhưng trong điều lệ đã quy định rõ, mức ngân quỹ tối thiểu các CLB V.League phải đảm bảo mỗi năm là 35 tỉ đồng. Vậy bây giờ có CLB lại bảo chỉ có ngân sách hoạt động đến ngày 31.10 là sao? Không lẽ 2 tháng còn lại của năm, CLB không hoạt động, không trả lương cho cầu thủ…

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc