Chuyện về những Quả bóng vàng
VHO- Các danh hiệu cao quý của giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam 2019 đã tìm ra được những chủ nhân xứng đáng. Những cống hiến không ngừng của các cá nhân đã được công nhận và được tưởng thưởng một cách trọn vẹn.
Nỗ lực không ngừng giúp Hùng Dũng có được thành công
Đó đều là vinh dự lớn cho những cầu thủ để họ tiếp tục phấn đấu và cống hiến nhiều hơn nữa cho bóng đá nước nhà.
Thành công từ sự nỗ lực
Tiền vệ Hùng Dũng đã vượt Quang Hải và Trọng Hoàng để lần đầu tiên trong sự nghiệp giành QBV Việt Nam. Danh hiệu này là phần thưởng xứng đáng cho tiền vệ sinh năm 1993 sau một năm thi đấu ấn tượng, góp công lớn vào thành tích của ĐT Việt Nam, U22 quốc gia và cả CLB Hà Nội. Nhưng để có được thành công đó, Hùng Dũng đã trải qua những bước đi thăng trầm trong sự nghiệp, thành công chỉ đến với anh từ những nỗ lực không ngừng của bản thân.
Hùng Dũng là một trong những tiền vệ hay nhất Việt Nam hiện nay, nhưng thời còn năng khiếu cầu thủ sinh ra tại Gia Lâm (Hà Nội) này vốn không có tố chất nổi trội, cộng với thể hình thấp bé nên không được chú ý nhiều. Có lẽ vì thế mà năm 12 tuổi, Dũng bị đội U14 Hà Nội “trả về”. Sự nhiệp của Dũng khá lận đận, năm 18 tuổi chỉ thi đấu cho đội trẻ Hà Nội, đến năm 22 tuổi vẫn còn thi đấu hạng Nhất. Năm 2015, khi mà những đồng nghiệp lứa 1993 như Quế Ngọc Hải hay Võ Huy Toàn được tham dự SEA Games, VCK U23 châu Á, thì Dũng “chip” chỉ đứng ngoài cuộc, không nhiều người biết đến.
Dười thời HLV Park Hang-seo, tài năng của Dũng mới được chú ý, anh giành nhiều thành công với ĐTQG, đội U22 và CLB Hà Nội, nói đúng hơn sự nghiệp của Dũng đã bước sang một trang mới sau hơn 2 năm làm việc với thầy Park. Nhưng trước khi chiếm được lòng tin từ ông thầy người Hàn, Dũng đã từng ngậm ngùi rời ASIAD 2018 ngay ở trận đấu đầu tiên vì chấn thương, trong lần được gọi vào đội Olympic Việt Nam. Từ câu chuyện không may tại ASIAD hay lần bị “rớt” ở đội U14 Hà Nội cho đến những lận đận ở tuổi đôi mươi, Hùng Dũng đã cố gắng, nỗ lực không ngừng vươn lên, hoàn thiện bản thân để trở thành “ngôi sao” hàng đầu như ngày hôm nay. “Niềm đam mê bóng đá đã mang đến cho tôi sự quyết tâm và tinh thần không bao giờ từ bỏ. Để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, năng khiếu và đam mê thôi là không đủ, nhất là khi mình so với đồng đội cũng có phần nhỏ con hơn. Vì thế, mình luôn tự nhủ, phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, cố gắng hơn”, chủ nhân QBV nam Việt Nam 2019 chia sẻ.
Đam mê dẫn đến vinh quang
Tiền đạo Huỳnh Như đã có lần thứ hai liên tiếp trong sự nghiệp giành QBV nữ Việt Nam, đó như điều khẳng định cho tài năng và khát vọng của cô gái gốc Trà Vinh. Huỳnh Như sinh ra trong một gia đình có bố, mẹ rất mê bóng đá. Bà Lê Thị Lài, mẹ của Như từng tâm sự rằng: “Hai vợ chồng tôi rất mê bóng đá. Cứ vào dịp World Cup, hai vợ chồng xem gần như không sót trận nào. Lúc đó tôi nói với ông nhà, ước gì sau này con mình sẽ là cầu thủ bóng đá. Ai đâu ngờ điều ước nay thành hiện thực”. Từ nhỏ Như đã rất mê bóng đá, để được đá bóng, Như phải cầm trái bóng đến từng nhà mấy đứa con trai chung xóm để rủ rê. Như kể rằng năm 10 tuổi, cô từng ghi 4 bàn trong một trận đấu giao hữu của xã, điều đáng nói Như là cầu thủ nữ duy nhất trên sân. Như nhớ lại lúc học lớp 10, khi đội bóng của tỉnh kiếm cầu thủ, hàng xóm đã giới thiệu cô đi thi, không ngờ được chọn. Mỗi ngày, Như phải đạp xe hơn 10 km mỗi lượt từ nhà đến sân tập rồi trưa tiếp tục đi học.
Sau đó, Như được CLB TP.HCM đưa về đào tạo. Bằng đam mê và sự khổ luyện, Như đã khẳng định được tài năng và trở thành tiền đạo số 1 Việt Nam. “Với tôi, bóng đá là niềm đam mê số 1. Tôi luôn quan niệm rằng, bóng đá là một môn thi đấu rất khó khăn nên phải có đam mê thật sự và sự kiên trì nỗ lực mới thành công”, tiền đạo sinh năm 1991 bộc bạch.
“Bóng vàng” trong lòng người hâm mộ
Không thể vượt qua người đồng đội Huỳnh Như trong cuộc đua năm nay, trung vệ Chương Thị Kiều vẫn chưa thể có cho mình QBV nào. Trong đêm Gala ấy, đã có rất nhiều người kỳ vọng Kiều sẽ có “bóng vàng” đầu tiên cho riêng mình sau những gì đã thể hiện trong năm qua nhưng cuối cùng cô về nhì. Cầm Quả bóng bạc trên tay, Kiều cứ tủm tỉm cười mãi, phóng viên hỏi gì cũng cười, hỏi mãi Kiều mới nói được câu: “Em được như vậy là hạnh phúc lắm rồi, ai vàng cũng được mà, em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới hi vọng có ngày như chị Như”.
Kiều là người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Gò Quao (Kiên Giang). Tuổi thơ Kiều gắn với những lần lội sông đi đá bóng với tụi con trai, nhờ đam mê lại có tố chất, Kiều được CLB TP.HCM “chấm” rồi đưa về. Vốn là con nhà nghèo nên từ nhỏ Kiều đã trui rèn cho mình một ý chí hơn người. Bằng sự nỗ lực, Kiều phát triển không ngừng để trở thành trung vệ số 1 Việt Nam. Hình ảnh Kiều nén đau với phần chân rướm máu nhưng vẫn sát cánh cùng đồng đội nữ trong trận chung kết SEA Games 30 là đại diện cho tinh thần dân tộc, là ý chí và nỗ lực của phụ nữ Việt Nam. Sau trận đấu đó, Kiều tái phát chấn thương nhưng lại không thể ra nước ngoài phẫu thuật vì dịch Covid-19. Gần 6 tháng qua, Kiều không thể trở lại sân cỏ, hằng ngày phải đối diện với chấn thương và đếm thời gian chờ ngày phẫu thuật… Dù chỉ giành Quả bóng bạc, nhưng với những gì đã cống hiến Kiều xứng đáng nhận “bóng vàng” trong lòng người hâm mộ.
LÊ HOÀN