Nỗi ám ảnh pháo sáng

VHO- Cảnh tượng mù mịt trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội, tối 21.4 có thể xem là nỗi ám ảnh lớn của V.League đến thời điểm này bởi chưa bao giờ, một lượng lớn pháo sáng được ném xuống sân, cháy trên khán đài như thế.

Cảnh tượng đó như là sự thách thức với ban tổ chức giải, ban tổ chức sân. Và phải chăng cả hai ban này đều bất lực trước nạn pháo sáng đã lộng hành trên sân cỏ Việt Nam suốt nhiều năm nay?

Nỗi ám ảnh pháo sáng - Anh 1

 Pháo sáng mờ mịt sân Hàng Đẫy

Lần nào cũng thất thủ

Sân Hà Nội có thể xem là sân hứng chịu nhiều án phạt từ vấn nạn đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng. Hình ảnh các CĐV quá khích của Hải Phòng nghênh ngang diễu hành trên xe ô tô, rải tiền âm phủ, đốt pháo sáng, hầu như năm nào cũng tái diễn trong các trận đấu của CLB Hà Nội gặp đội bóng đất Cảng. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao trước một vấn nạn xảy ra hằng năm như thế nhưng sân Hà Nội lần nào cũng gần như “thất thủ”?

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó có việc sân Hà Nội không siết chặt khâu kiểm soát an ninh đối với các CĐV. Khi vào sân, các CĐV chỉ cần giơ vé là có thể dễ dàng đi qua cửa. Và khi CĐV ném pháo sáng thì sân Hàng Đẫy cũng phản ứng tương đối chậm, lúng túng trong khâu xử lý. Trong khi ấy, ngay ở sân Lạch Tray, Hải Phòng, để đối phó với nạn pháo sáng của chính CĐV đội nhà, luôn có hàng trăm chiến sĩ cảnh sát túc trực, sẵn sàng ứng cứu khi có pháo sáng. Đó là chưa kể lực lượng cảnh sát hình sự luôn được bố trí ngồi xen kẽ với CĐV đội nhà và sẵn sàng ra tay khi có những thành phần quá khích. Khi vào sân, khán giả nữ thì có cảnh sát nữ rà soát, khán giả nam thì có nam cảnh sát rà soát. Nếu phát hiện CĐV mang, đốt pháo sáng thì sẽ phải đối mặt với nhiều án phạt nặng, thậm chí là tạm giam vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Vì thế, dù là ngay trên thánh địa nhà nhưng CĐV Hải Phòng cũng không dám “tung hoành” như khi lên Hà Nội.

Một lãnh đạo ban tổ chức sân Hàng Đẫy chia sẻ với phóng viên Văn Hóa rằng, dù muốn dẹp nạn pháo sáng của CĐV Hải Phòng nhưng ban tổ chức sân gần như bất lực trước các chiêu, trò của CĐV đất Cảng. Nếu rà soát người kỹ rồi thì họ sẽ có cách “câu” pháo vào sân. Chẳng hạn như ở một vài góc khuất ở phố Hàng Cháo, họ sẽ nhét pháo trong bánh mỳ rồi dùng ròng rọc kéo từ ngoài, qua tường, đem vào sân. Khán giả thì có tới vài ngàn người trong khi lực lượng bảo vệ trận đấu, huy động nhiều nhất cũng chỉ khoảng vài trăm người, cũng không thể kiểm soát được tất cả các góc. Chính vì thế mà ban tổ chức sân này gần như năm nào cũng để CĐV quá khích đất Cảng lộng hành.

Điều đáng nói là trong trận đấu mù mịt khói vừa qua, sự lúng túng của lực lượng bảo vệ trận đấu trong việc dập tắt pháo dường như lại tạo “cảm hứng” cho các CĐV quá khích. Hình ảnh CĐV nhảy “tưng bừng” ngay cạnh quả pháo đang bốc cháy mà lực lượng bảo vệ lúng túng trong việc dập tắt, như một sự thách thức vào những qui định của ban tổ chức giải, ban tổ chức sân!

Không thể là vấn đề của riêng bóng đá!

Hằng năm rất nhiều án phạt do BTC giải đã được đưa ra để hạn chế nạn pháo sáng. Thậm chí CĐV Hải Phòng còn bị cấm đến sân xem thi đấu. Theo phân tích của một số chuyên gia thì việc ra án kỷ luật chỉ là ngọn của vấn đề, quan trọng nhất là BTC giải, VFF phải tìm cách nhận diện được CĐV đốt pháo sáng để xử lý. Bởi nếu không thì cứ “quýt làm cam chịu”, phạt xong đâu lại vào đó vì người bị phạt không đốt pháo, còn người đốt pháo thì không phạt được và muốn tìm ra CĐV đốt pháo thì an ninh phải được tăng cường với lực lượng đủ mạnh.

Nhìn ở góc độ rộng hơn, pháo sáng đốt rực đỏ ở sân Hàng Đẫy (Hà Nội) hay sân Lạch Tray (Hải Phòng) giờ không chỉ là vấn đề của riêng bóng đá nữa. Việc một số CĐV quá khích dùng xe diễu hành đi nghênh ngang trên đường phố, rải tiền âm phủ đầy mặt phố Trịnh Hoài Đức, trên khán đài, rồi đốt pháo mù mịt sân, bất chấp lệnh cấm của BTC giải, theo một số luật sư thì đó có thể xem là hành vi gây mất trật tự công cộng. Trong phạm vi, quyền hạn của mình, VFF hay VPF không thể ngăn ngừa được tình trạng này. Ngay sau trận đấu ám ảnh này, Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú cũng phải thừa nhận đây là trận đấu mà lượng pháo sáng được đốt nhiều nhất từ trước đến nay trong sự phản ứng chậm của ban tổ chức sân. Ông Tú cũng cho biết VPF sẽ có văn bản gửi VFF, để VFF gửi đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. “Đây là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của VPF nên có thể phải nhờ tới sự giúp sức của Bộ Công an, Công an Hải Phòng. Nếu các đơn vị chức năng này phối hợp cùng với VFF, VPF thì sẽ xử lý tận gốc vấn đề chứ VPF thì không đủ năng lực”, ông Tú nói.

Đáng lo ngại là việc CĐV hồn nhiên đốt pháo sáng tại các trận đấu có thể gây nguy hại cho nhiều khán giả, khi pháo sáng có thể gây cháy và mùi pháo có thể gây khó thở, nhất là trong bối cảnh sân vận động thường tập trung đông người. Không những thế trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng vừa qua, cầu thủ Hải Phòng còn suýt gặp họa bị pháo rơi trúng người khi chạy ra ăn mừng bàn thắng. Những hiểm họa ấy luôn ẩn chứa trong những quả pháo sáng và rất cần các CĐV nâng cao ý thức để có thể không gây hậu quả cho chính mình và những người xung quanh.

Để nạn pháo sáng không còn là nỗi ám ảnh của các sân bóng, nhất là sân Hàng Đẫy (Hà Nội), ngoài sự nỗ lực, cố gắng của BTC giải, BTC sân, còn cần đến sự giúp sức của các cơ quan chức năng và đặc biệt là mỗi khán giả, cần nâng cao hơn nữa ý thức và cách ứng xử khi vào sân. Chỉ khi khán giả cùng chung tay xây dựng một giải đấu sạch và đẹp thì bóng đá Việt Nam mới bớt đi nỗi lo từ hiểm họa pháo sáng được. 

VÂN GIANG

Ý kiến bạn đọc