Khi huấn luyện viên kiêm luôn… bảo mẫu
VHO-Có mặt tại trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội mới thấy hết được những nỗ lực tập luyện của những vận động viên nhí đội thể dục dụng cụ (TDDC). Tiếng bước chân chạy đà, bật nhảy, tiếp đất, tiếng khích lệ của thầy cô trong ban huấn luyện,… liên tục vang lên. Không ai bảo ai, các em tập luyện và thay đổi nội dung tập theo cách hết sức chuyên nghiệp dù trên gương mặt đã ướt đẫm những giọt mồ hôi. Việc đưa được các em vào tập luyện theo khuôn khổ cũng là câu chuyện dài hơi của ban huấn luyện.
Vì yêu các con
Sau 10 năm thi đấu thành công ở SEA Games và các giải đấu lớn, vận động viên thể dục dụng cụ Nguyễn Thùy Dương đã chuyển sang công tác huấn luyện. Chia sẻ với phóng viên, cô cho biết: “Nhìn các em mình lại thấy hình ảnh của mình ngày trước. Xa gia đình để tập luyện từ khi còn nhỏ, các em vấp phải tâm lý nhớ nhà. Ban đầu chúng mình cũng phải động viên, thậm chí là ăn ở cùng các em ở trong trung tâm." Cô cũng cho biết: “Thời gian đầu vào trung tâm, các em chưa thể tự túc trong sinh hoạt nên các thầy cô phải giúp tẳm rửa, giặt quần áo, cho các em ăn, dạy các em học,… Biết là sẽ vất vả nhưng trong hoàn cảnh đó ai cũng sẽ làm vậy vì thương các em quá”
Dù còn rất nhỏ nhưng các em đã phải thực hiện các động tác có độ khó cao
Để việc tập luyện đạt được hiệu quả cao nhất, các thầy cô thường xuyên phải họp bàn để đưa ra giáo án phù hợp nhất cho từng em. Nếu tập nhẹ quá, các em lại không đạt được tiến độ đề ra, nếu nặng quá thì các em lại không phát triển cơ thể được. Thể dục dụng cụ là môn có nhiều động tác kỹ thuật khó, nếu không chăm chút, điều chỉnh giáo án liên tục, các em rất dễ gặp chấn thương.
Bên cạnh việc theo sát các em ở phòng tập, các thầy cô cũng phải chú ý tới bữa ăn của những vận động viên nhí. Với đặc thù là môn thể thao biểu diễn, đòi hỏi vẻ đẹp về hình thể, bên cạnh việc trau dồi kỹ năng, các vận động viên phải luôn chú ý đến cân nặng của mình. Ép cân với người lớn đã khó, nhưng với độ “tuổi ăn tuổi lớn” như của các em, công việc này lại càng khó hơn. Những lúc các em bị tăng cân, các thầy cô lại phải lên kế hoạch để ép cân các em.
Vất vả nhưng các thầy cô vẫn hết sức lạc quan. Tranh thủ lúc được nghỉ giải lao, các thầy cô còn bông đùa với nhau rằng: Huấn luyện cho mấy đứa nhỏ thành ra lại thành thạo công việc của bảo mẫu. Nhiều thầy cô trong đây còn chưa có con nhưng nhờ công việc này, sau chăm con sẽ không bị bỡ ngỡ.
Ấm áp tình thầy trò
Sau mỗi buổi tập, các HLV, chuyên gia trở thành những người cha, người mẹ của các em. Mặc dù có một số em trong đội tuyển đã lớn, có tinh thần tự giác nhưng các chuyên gia vẫn phải thường xuyên dặn dò các em ăn uống đầy đủ, chườm đá và ngủ sớm. Vì các em còn trẻ, ngoài việc dạy các em về chuyên môn, các thầy cô còn phải chỉ bảo các em về kỹ năng sống, những bài học về đạo đức. “Làm công tác huấn luyện, tất nhiên mình muốn các em thi đấu thật thành công. Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở tương lai. Còn hiện tại, nhìn thấy các em ngoan ngoãn, biết suy nghĩ và có thể tự lo được cho bản thân của mình, đó đã là thành công rất lớn rồi”, cô Dương bộc bạch.
Thầy và trò đội TDDC luôn dành những tình cảm đặc biệt cho nhau
Em Phạm Như Phương, HCV tại giải học sinh Đông Nam Á tâm sự: “Thời gian đầu vào tập luyện rất khó khăn ạ vì mình mới bước vào một môi trường mới, quy củ hơn, chặt chẽ hơn. Mới đầu vào ép dẻo rất đau nhưng nhờ có sự tận tình chỉ bảo của các thầy cô trong ban huấn luyện nên chúng em đã cố gắng từng ngày để vượt qua điều đó. Nhiều khi thi đấu xong, các thầy cô lại dẫn chúng em đi chơi. Nhờ vậy mà sự mệt mỏi cũng vơi bớt, thầy và trò lại có thêm thời gian để hiểu nhau hơn.”
Dốc sức tập luyện nhưng không phải lúc nào các em cũng thi đấu thành công. Những lúc kết quả không được như kỳ vọng, cả thầy và trò cùng ôm nhau khóc rồi lại lạc quan, động viên nhau tiếp tục cố gắng. Có lẽ hơn ai cả, chỉ các em mới có thể hiểu hết những tình cảm mà thầy cô trong ban huấn luyện dành cho mình.
ĐÌNH TOÁN